Vợ chồng ông Wang phải trả tiền đi thang máy mỗi ngày nhưng vẫn cảm thấy hài lòng.
Nhưng 20 năm sau, người đàn ông về hưu đã cảm thấy khác biệt hoàn toàn. “Chân chúng tôi không còn khỏe như xưa”, người đàn ông 79 tuổi nói, theo CNN.
Căn hộ của cặp vợ chồng ở khu Bigui Garden, thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Tòa nhà chung cư 7 tầng chỉ có thang bộ, mỗi tầng có 12 căn hộ.
Đây là những tòa nhà chung cư được xây dựng trước khi chính quyền Trung Quốc áp đặt quy định không được xây nhà cao quá 6 tầng nếu không có hệ thống thang máy.
Năm 2019, giới chức Trung Quốc thông báo, có khoảng 100 triệu người sống ở các tòa nhà chung cư cũ hơn 20 năm tuổi mà không có các cơ sở vật chất thiết yếu như thang máy.
Nhiều người dân chuyển đến các căn chung cư này đến nay đã ở tuổi nghỉ hưu, gặp khó khăn trong việc leo thang bộ.
Thang máy được lắp đặt bổ sung tại một chung cư cũ ở Trung Quốc.
Năm 2015, chính quyền trung ương Trung Quốc ra quy định cho phép cải tạo các tòa nhà chung cư cũ để lắp đặt thêm thang máy.
Các địa phương chủ động nguồn tài chính lắp thang máy với một phần hỗ trợ của người dân.
Xu Leiqing, giáo sư Đại học Tongji, Thượng Hải, chuyên về lĩnh vực kiến trúc và thiết kế đô thị, nói: “Trong những năm qua, không có nhiều tòa nhà chung cư được cải tạo, lắp đặt thêm thang máy như chúng tôi đã mong đợi”.
Ngoài thách thức về kỹ thuật, một trong những vấn đề chính là sự thiếu hợp tác của người dân, ông Xu nói. Chỉ cần một hộ dân phản đối, thang máy không bao giờ có thể được lắp đặt.
Đối với căn chung cư nơi gia đình ông Wang Zhenyuang sinh sống, chính quyền thành phố Hàng Châu đã áp dụng cách khác sáng tạo hơn.
Thay vì yêu cầu mỗi hộ dân phải đóng tới cả ngàn USD chi phí lắp đặt thang máy, chính quyền thành phố cho phép một công ty thầu dự án, lắp thang máy mà không thu bất kì khoản phí trả trước nào.
Nhiều người già ở Trung Quốc khó có thể leo thang bộ mỗi ngày ở những căn chung cư cũ không có thang máy.
Kết quả là trong vài tháng qua, nhiều tòa chung cư ở khu Bigui Gardenđã bắt đầu có thang máy.
Ý tưởng giống như thu phí cao tốc, người dân được yêu cầu trả 1 nhân dân tệ cho mỗi lần sử dụng thang máy, nếu rời nhà vài lần trong ngày thì sẽ tốn một khoản tiền tương đối, đặc biệt là với những người đã về hưu.
“Hơi tốn kém một chút”, ông Wang nói. Người đàn ông về hưu lựa chọn trả tiền đi thang máy lên nhà, nhưng sẽ đi bộ khi đi xuống.
Người dân thanh toán qua điện thoại mỗi lần vào thang máy. Trong 3 tháng kể từ khi hệ thống được lắp đặt, ông Wang đã tiêu 300 nhân dân tệ chỉ để đi thang máy.
Theo hợp đồng ký kết, công ty nhận dự án có quyền thu phí trong 20 năm. Sau khi hết hạn thu phí, người dân có thể lựa chọn hình thức gia hạn hoặc chủ động tự chi trả chi phí vận hành và bảo trì.
Đại diện công ty thầu dự án, Jiang Fei nói trên tờ The Paper: “Kết quả kinh doanh không được tốt cho lắm. Ít người trả tiền đi thang máy hơn chúng tôi nghĩ”.
Jiang không rõ liệu hình thức đột phá này có đem lại lợi nhuận hay không. “Đây là một hình thức kinh doanh mới. Chúng tôi có chịu một số áp lực thu hồi vốn”, Jiang nói.
Hồi tháng 5, hình thức thu phí chưa từng có này xuất hiện trên bản tin của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV). CCTV cảnh báo mô hình này có thể không phải là giải pháp hợp lý cho vấn đề chung cư cũ ở Trung Quốc.
Người già có thể gặp khó khăn khi sử dụng thang máy thu phí vì vấn đề nhận dạng khuôn mặt và thu phí trực tuyến.
Mặc dù phải trả phí hàng ngày và có một số bất tiện, ông Wang nói mình và vợ cảm thấy hài lòng khi sử dụng thang máy mới. “Tôi đi thang máy mỗi ngày”, ông Wang nói.
Đăng nhận xét