Lưu Hán trong phiên tòa xét xử tháng 4.2014.
Tháng 3.2013, tỉ phú Lưu Hán, trùm khoáng sản ở tỉnh Tứ Xuyên, bất ngờ biến mất sau kỳ họp quốc hội Trung Quốc.
Tỉ phú Lưu Hán từng 3 lần được bầu vào ủy ban thường vụ tỉnh ủy Tứ Xuyên nhờ là thành viên Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC). Hoạt động từ thiện được biết đến nhiều nhất của Lưu Hán là xây một trường tiểu học ở vùng nông thôn, đứng vững sau trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008.
Lưu Hán là Chủ tịch Tập đoàn Hán Long, công ty tư nhân lớn nhất tỉnh Tứ Xuyên khi đó. Lưu Hán sở hữu hàng chục công ty con liên quan đến các lĩnh vực cung cấp điện, năng lực, tài chính, khai thác khoáng sản, bất động sản và an ninh.
Năm 2013, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Bộ Công an Trung Quốc đã phối hợp với cảnh sát ở Bắc Kinh, Hồ Bắc và Tứ Xuyên, đánh tan băng đảng mafia do Lưu Hán đứng đầu.
Bắn chết người ngay giữa ban ngày
Tháng 1.2009, một vụ nổ súng giết người xảy ra tại Quảng Hán, Tứ Xuyên. Vụ án nghiêm trọng khiến 3 người chết và 2 người bị thương do trúng đạn.
Theo lời kể của các nhân chứng, một số người mặc áo đen bước ra khỏi ô tô, bắn khoảng 10 phát đạn vào những người đang ngồi uống trà ngoài trời.
“Vụ việc diễn ra quá nhanh”, một nhân chứng nói. “Tôi cứ ngỡ đó là phim”.
Chính quyền trung ương Trung Quốc coi đây là vụ án hết sức nghiêm trọng, tập trung toàn bộ nhân lực điều tra truy bắt.
Nơi đàn em của Lưu Hán bắn chết 3 người gây chấn động vào năm 2009.
Không lâu sau đó, hai nghi phạm bị bắt giữ gồm Yuan Shaolin và Zhang Donghua.
Chúng không ngần ngại khai rằng Lưu Duy là người đứng sau chỉ đạo. Ở thời điểm đó, Lưu Duy đã bỏ trốn, là kẻ bị truy nã ở cấp cao nhất.
Lưu Duy là em trai Lưu Hán, từng là doanh nhân và nhà từ thiện nổi tiếng, từng cầm đuốc trong Thế vận hội Bắc Kinh vào tháng 8.2008.
Tuy nhiên, giống như anh trai, Lưu Duy là cộng sự đắc lực cho hoạt động kiểm soát đánh bạc, cho vay nặng lãi và thâu tóm các dự án xây dựng ở tỉnh.
Chen Fuwei, người bị bắn chết tại tiệm trà, là kẻ thù của anh em họ Lưu.
Cảnh sát Trung Quốc săn lùng Lưu Duy suốt 4 năm, nhưng nghi phạm luôn nhanh chân hơn một bước. Ở thời điểm đó, Lưu Duy vẫn ở lại Quảng Hán, được anh trai Lưu Hán bảo vệ.
Trùm mafia lũng đoạn tỉnh Tứ Xuyên
Lưu Hán bị đưa ra xét xử.
Lưu Hán sinh năm 1965. là người con thứ 3 trong một gia đình có 5 người con tại thành phố Quảng Hán, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.
Đầu những năm 1990, anh em họ Lưu mở trung tâm cờ bạc ở Quảng Hán. Băng đảng của Lưu Hán tập hợp toàn những thành phần du côn và những kẻ lang thang không nhà cửa.
Năm 1998, Lưu Hán mở một dự án phát triển bất động sản ở làng Xiaodao, thành phố Miên Dương lớn thứ hai của Tứ Xuyên. Người dân địa phương không hài lòng với giá đền bù đã tổ chức biểu tình, dẫn đến xô xát. Tang Xianbing, một nhân viên an ninh của Lưu Hán, đã đâm chết Xiong Wei, lãnh đạo nhóm nông dân biểu tình.
“Tôi giết người mà chẳng sao cả. Tôi sẵn sàng làm tất cả mọi thứ cho ông chủ. Tôi không cảm thấy sợ bất cứ điều gì”, Tang nói.
Sau vụ giết người, dân làng đành im lặng rời đi, nhường chỗ cho dự án của Lưu Hán.
5 ngày sau, Lưu Hán ra lệnh cho đàn em Zeng Jianjun, bắn chết tay trùm băng đảng đối địch, Zhou Zheng ngay trên đường phố Quảng Hán.
“Ai cũng biết là do chúng tôi gây ra, nhưng không ai dám can thiệp", Zeng nói.
Kho vũ khí cất giấu dưới lòng đất của Lưu Hán.
Tháng 2.1999, Wang Yongcheng, một tay trùm khác ở Miên Dương, dọa sẽ cho nổ tung công ty của Lưu Hán. “Không phải sợ”, Lưu Hán nói với đàn em. “Cho người xử lý hắn đi”.
Không lâu sau, Wang bị bắn chết trên phố bởi một đàn em của Lưu Hán là Sun Huajun.
Tháng 5.2002, hai vệ sĩ của Lưu Hán là Qiu Defeng và Huan Lizhu gây rối với một nhóm người tại một trung tâm giải trí ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Lưu Hán đã chỉ đạo đàn em đến giúp sức cho Qiu và Huan, kết quả khiến một người chết và nhiều người bị thương.
Trong vụ án này, chỉ có Qiu ngồi tù 4 năm, những người còn lại được trả tự do.
Lưu Hán nhanh chóng trở thành trùm băng đảng mafia ở Quảng Hán và Miên Dương. Những người không may gây hấn với tay trùm đều phải bỏ nhà đi biệt xứ.
Ước tính có hơn 100 người từng bị băng đảng của Lưu Hán khủng bố, nhưng hầu hết không dám tố cáo. Mọi người còn sợ nhắc đến tên Lưu Hán, chỉ dám gọi là “gã đó”.
Năm 2008, Chen Fuwei, một tay trùm ở Quảng Hán ra tù, dọa sẽ trả thù anh em Lưu Hán. Kết quả là Lưu Duy đã gọi đàn em thanh toán Chen. “Tôi sẽ lo hết”, Lưu Duy nói.
Vụ giết người chấn động xảy ra giữa ban ngày vào ngày 10.1.2009. Sau vụ giết người, Lưu Hán đứng ra lo cho em trai, đưa cho em trai hàng triệu nhân dân tệ để tiêu dùng.
Ngụy trang dưới vỏ bọc tỉ phú thành đạt
Lưu Hán từng tuyên bố mình chỉ có thắng, chưa bao giờ thua.
Lưu Hán sử dụng băng đảng làm bàn đạp trong kinh doanh và số tiền kiếm được từ kinh doanh đem dùng để xây dựng băng đảng, bước chân vào hàng ngũ giới siêu giàu ở Trung Quốc.
Tháng 3.1997, Lưu Hán thành lập tập đoàn Hán Long. Các vệ sĩ của Lưu Hán đều là những tên đầu trộm đuôi cướp. Bên dưới hầm ngầm ở Quảng Hán, Lưu Hán và Lưu Duy cất giữ cả kho vũ khí.
Trong chuyên án năm 2013, cảnh sát thu giữ 3 quả lựu đạn, 20 khẩu súng trường, 677 viên đạn, 2.163 viên đạn súng săn và hơn 100 dao kiếm các loại.
Trong phân cấp băng đảng mafia của Lưu hán, em trai Lưu Duy đóng vai trò là cánh tay phải. Ngoài ra còn có rất nhiều thành viên chủ chốt và cuối cùng là những kẻ côn đồ sẵn sàng làm mọi việc, kể cả giết người, theo điều tra của cảnh sát.
Kẻ giết người như Tang Xianbing được Lưu Hán cho làm quản lý trong tập đoàn, với mức lương 100.000 nhân dân tệ mỗi năm.
Trong vụ sát hại Wang Yongcheng, Sun Huajun được Lưu Hán trọng thưởng một chiếc Cadillac, một chiếc Audi và 300.000 nhân dân tệ. Miao Jun nhận được 600.000 nhân dân tệ.
Tập đoàn Hán Long do Lưu Hán sáng lập, xây dựng hình ảnh là tỉ phú thành đạt.
Theo điều tra của cảnh sát, việc sát hại các tay trùm băng đảng khác giúp Lưu Hán thống trị hoạt động tổ chức đánh bạc và cho vay nặng lãi ở Quảng Hán, mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực xây dựng và bán vật liệu xây dựng.
Sau cái chết của Xiong Wei và Wang Yongcheng, Lưu Hán trở thành nhà phát triển bất động sản lớn nhất ở Miên Dương, trúng thầu nhiều hợp đồng béo bở như sân bay Miên Dương và cầu Hán Long.
Tổ chức của Lưu Hán đã tham gia đấu thầu dự án nào là chắc chắn sẽ trúng thầu, những người khác phải tự động rút lui.
Năm 2010, trả lời phỏng vấn báo Mỹ Wall Street Journal, Lưu Hán nói: “Lưu Hán tôi trước nay luôn thắng, Lưu Hán chưa bao giờ thất bại”.
Lưu Hán và Tập đoàn Hán Long đã độc quyền kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp ở tỉnh Tứ Xuyên, tích lũy khối tài sản khổng lồ nhờ khai thác mỏ, cho vay nặng lãi và thao túng trường chứng khoán.
Đế chế tội phạm của Lưu Hán tích lũy số tiền khổng lồ lên tới 40 tỉ nhân dân tệ (khoảng 6,5 tỉ USD) và hàng trăm xe sang, gồm Rolls-Royce, Bentley và Ferrari.
Sở dĩ băng đảng của Lưu Hán trỗi dậy mạnh mẽ suốt hàng chục năm là nhờ hối lộ, thông đồng với các quan chức địa phương. Lưu Hán luôn tích cực mở rộng mối quan hệ để làm lớn mạnh “chiếc ô bảo kê”.
"Lưu Hán cực kỳ hào phóng với các quan chức chính quyền, sẵn sàng trả tiền và biết cách đáp ứng nhu cầu của họ", đàn em của Lưu Hán nói.
Yang Xue, vợ cũ của Lưu Hán chia sẻ: “Hắn luôn đưa tôi đi dùng bữa với họ và tặng họ những món quà như vàng hoặc ngọc bích trị giá hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng triệu nhân dân tệ”.
Chiếc ô bảo kê lớn nhất của Lưu Hán phải kể đến cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang.
Tháng 8.2014, Lưu Hán và em trai Lưu Duy bị tuyên tử hình, đánh dấu sự sụp đổ của băng đảng xã hội đen tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. Lưu Hán bị xử tử vào ngày 9.2.2015.
Đăng nhận xét