Hàng trăm tàu cá “tàng hình” Trung Quốc bị tố ồ ạt đánh bắt ở vùng biển Argentina

Cảnh sát biển Argentina tiếp cận một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép.

Tổ chức phi chính phủ Oceana có trụ sở ở Mỹ, gần đây công bố nghiên cứu dựa trên các dữ liệu theo dõi hàng hải, cho thấy hơn một nửa tàu nước ngoài đánh bắt ở vùng biển gần Argentina đã tắt hệ thống định vị nhằm che giấu hoạt động.

Khoảng 800 tàu, trong đó có một nửa là tàu Trung Quốc, đánh bắt hải sản ở vùng biển gần Argentina, dựa trên tín hiệu từ Hệ thống Nhận diện Tự động (AIS), trong giai đoạn từ tháng 1.2018 đến tháng 4.2021.

Hơn một nửa trong số này thường xuyên tắt AIS trong ít nhất 24 giờ mà không rõ lý do.

Nhà sinh thái học Marla Valentine tại tổ chức Oceana nói: “Thật đáng ngờ khi họ tắt AIS trong phần lớn thời gian ra khơi đánh cá”.

“Không cần phải ẩn mình ở đại dương nếu chỉ là hoạt động đánh bắt hải sản bình thường”, Beth Lowell, phó chủ tịch Oceana, nói. “Vì sao họ tắt hệ thống định vị nếu họ làm điều hợp pháp? Họ nên bật hệ thống AIS để thế giới biết chuyện gì đang xảy ra”.

“Các tàu cá biến mất ở ranh giới Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Argentina là rất đáng ngờ, nếu không phải vì muốn xâm nhập bất hợp pháp”, Lowell nói thêm.

Các tàu cá Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở vùng biển các quốc gia Nam Mỹ như Argentina và Ecuador, đôi khi cố tình vi phạm luật pháp gây sự chú ý của dư luận.

Năm 2016, một tàu cá Trung Quốc mang tên Lu Yan Yuan Yu 010 đã bị lực lượng cảnh sát biển Argentina đánh chìm vì đánh bắt trái phép và tìm cách bỏ chạy.

Tình trạng tắt AIS diễn ra đặc biệt phổ biến trong giai đoạn các tàu cá Trung Quốc tập trung ở khu vực từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Một tàu câu mực Trung Quốc đã biến mất hơn 100 lần kể từ năm 2018, vị trí phát tín hiệu cuối cùng dọc theo EEZ của Argentina, theo nghiên cứu.

Các tàu cá Trung Quốc cũng không quay về cảng mà chuyển hàng tấn hải sản bắt được cho các tàu chở hàng có hệ thống làm lạnh, tránh khỏi sự giám sát, Lowell nói.

Chen Jiliang, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, nói Bắc Kinh đã có các biện pháp ngăn chặn hoạt động đánh bắt trái phép của các tàu cá ở vùng biển nước ngoài.

“Hoạt động giám sát ngày càng nghiêm ngặt hơn nhưng rõ ràng là chưa đủ”, Chen nói. “Các tàu cá cố tình vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen, nhưng chỉ tắt AIS thì chưa phải là vi phạm nghiêm trọng”.

Năm 2018, tàu Haizhixing 801 bị Trung Quốc đưa vào danh sách đen vì cố tình thay đổi AIS, cải trang thành một tàu khác trong hệ thống định vị.

Tàu bị cấm hoạt động trong một năm, nhưng sau đó đã quay trở lại đánh cá vào năm 2019.

Adblock test (Why?)