Tuyên bố của bà Kim Yo-jong được đưa ra một ngày sau khi Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim cho biết Mỹ đã đưa ra đề nghị gặp gỡ Triều Tiên "mọi lúc, mọi nơi mà không cần điều kiện tiên quyết", đồng thời mong Bình Nhưỡng phản ứng tích cực trước các thỏa thuận.
"Tôi đã nghe thông tin mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đề cập rằng ông ấy coi quan điểm của chúng tôi đối với Mỹ là một 'tín hiệu thú vị'", bà nói trong tuyên bố của mình.
"Một câu ngạn ngữ Triều Tiên nói rằng 'Trong một giấc mơ, điều quan trọng nhất là hiểu nó, không phải sở hữu nó", bà nói. "Có vẻ như phía Mỹ đã giải thích tình hình theo cách nhằm tìm kiếm sự an ủi cho bản thân. Sự kỳ vọng sai lầm có thể sẽ khiến họ rơi vào một nỗi thất vọng lớn hơn."
Trong cuộc họp quan trọng ở Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong -un cho biết nước này nên chuẩn bị cho cả đối thoại và đối đầu với Mỹ, đồng thời kêu gọi nỗ lực kiểm soát ổn định tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News hôm 20/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan gọi bình luận của ông Kim là một "tín hiệu thú vị" và cho biết nước này sẽ "chờ xem hai bên có thể đàm phán theo một hướng đi tiềm năng nào không."
Hôm 21/6, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên đã kêu gọi Bình Nhưỡng quay lại đàm phán.
"Chúng tôi tiếp tục hy vọng rằng CHDCND Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với sự có mặt của chúng tôi, đồng thời chúng tôi muốn đưa ra đề nghị gặp nhau ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần điều kiện tiên quyết", ông Sung Kim nói sau cuộc hội đàm.
Các chuyên gia cho rằng những phát ngôn của bà Kim Yo-jong không nên được hiểu là nhằm mục đích bác bỏ các tuyên bố đối thoại của Mỹ mà là yêu cầu Washington đưa ra nhiều động lực hơn để Bình Nhưỡng quay lại bàn đàm phán.
"Tôi không nghĩ rằng tuyên bố đó thể hiện sự từ chối các đề nghị đối thoại", Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu Bắc Triều Tiên, nói.
Ông nói thêm: "Mục đích của những tuyên bố này có thể nhằm yêu cầu lý do cụ thể và chính đáng hơn cho việc quay lại đối thoại hơn là chỉ đưa ra những đề xuất mơ hồ như vậy cho một cuộc họp mà không có điều kiện tiên quyết."
Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bị đình trệ kể từ khi hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim vào năm 2019 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.
Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ bỏ chính sách thù địch chống lại Bình Nhưỡng như một điều kiện tiên quyết chính để nước này quay lại đối thoại. Trong đó, các chuyên gia tin rằng Triều Tiên coi những cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ là một phần của chính sách này.
Đăng nhận xét