Dùng iPhone gọi taxi công nghệ có thể bị "chặt chém"
Mới đây, một vị giáo sư có tên Tôn Kim Vân tại Đại học Phục Đán, Thượng Hải đã dẫn đầu nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát về việc sử dụng dịch vụ gọi taxi công nghệ qua ứng dụng.
Thông qua phần mềm trên điện thoại di động, nhóm đã gọi hơn 800 chuyến taxi ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Thành Đô và Trùng Khánh, với chi phí 50.000 nhân dân tệ (khoảng gần 8.000 USD) để đổi lấy kết quả cho "Báo cáo nghiên cứu về tình hình hiện tại của phần mềm gọi xe taxi năm 2020".
Báo cáo cho thấy, chủ sở hữu điện thoại iPhone có nhiều khả năng được cung cấp dịch vụ bởi những mẫu xe đắt tiền hơn, và tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với những người không sử dụng điện thoại di động của hãng Apple. Còn nếu không phải là iPhone, điện thoại càng đắt tiền càng dễ được cung ứng dịch vụ bởi những dòng xe đắt tiền hơn.
Ngoài ra, người dùng iPhone chỉ có thể được giảm giá trung bình 2,07 nhân dân tệ, trong khi người dùng điện thoại không phải của hãng Apple có thể được giảm giá trung bình 4,12 nhân dân tệ.
Dùng iPhone gọi taxi công nghệ có thể bị "chặt chém" từ nền tảng.
Nhiều cư dân mạng đã tham gia xác minh và thử nghiệm, đồng thời khẳng định báo cáo trên là chính xác. Nhiều người dùng cho biết từ lâu họ đã chú ý tới vấn đề này, nhưng đến giờ nó mới được kiểm nghiệm và chứng minh.
Báo cáo tin rằng các ứng dụng gọi xe công nghệ xác định người dùng điện thoại iPhone có điều kiện kinh tế tốt hơn người dùng điện thoại Android, cũng như người dùng sử dụng điện thoại tương đối đắt tiền sẽ có nhiều tiền hơn người dùng sử dụng điện thoại rẻ hơn. Dựa vào các thông số về kiểu máy và giá cả của điện thoại khách hàng, khả năng tiêu dùng của người dùng được đánh giá và từ đó giúp hệ thống có miêu tả chính xác về người dùng, từ đó cung cấp các dịch vụ khác biệt.
Cũng theo chuyên gia này thì sự tồn tại của hệ thống phân chia trên dựa trên quan điểm những người chi nhiều tiền cho điện thoại di động thường giàu hơn, vì vậy họ không quan tâm đến sự khác biệt giữa vài mức giá để gọi xe, trong khi những người sở hữu điện thoại di động có giá thấp lại có xu hướng chú ý đến giá dịch vụ hơn. Các thay đổi về giá rất nhạy cảm và các nền tảng gọi taxi công nghệ thường cần sử dụng mức giá cả phải chăng hơn để giữ chân họ.
Sử dụng Big Data, các phần mềm trên điện thoại thường đòi hỏi truy cập nhiều vào dữ liệu cá nhân của người dùng, dần dần có thể xác định và miêu tả chính xác chân dung của họ. Chân dung này bao gồm thói quen, sở thích và đặc biệt là khả năng tài chính, từ đó xây dựng nên các chiến lược khác nhau để cung ứng dịch vụ phù hợp.
Không chỉ gọi xe, đặt đồ ăn, mua sắm trực tuyến, đặt vé máy bay hay đặt khách sạn, người dùng iPhone được cho là thường phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Một số cư dân mạng cho biết khi đặt vé trên các nền tảng này sẽ gặp phải trường hợp sau khi thường xuyên xem thông tin vé một thời gian thì thấy giá tăng liên tục, khiến họ thường đổ xô đặt mua vì sợ không có vé.
Nhưng khi xem lại thông tin sau đó, giá đã giảm trở lại mức thấp lúc trước. Những người khác cho biết phí giao hàng đối với người dùng quen thuộc của nền tảng giao đồ ăn thường cao hơn so với người dùng thông thường, trong khi thậm chí người dùng mới thường có thể được giảm giá tới 0 đồng. Các phiếu thưởng do hệ thống phân phối ngẫu nhiên cũng sẽ được xử lý khác nhau, và số tiền chiết khấu cho người dùng cũ lại đặc biệt ít hơn.
Có thể nói, dữ liệu và thuật toán đã thông đồng để thu thập thông tin của người dùng, cho phép các nền tảng kiếm tiền một cách tối đa nhất. Tuy nhiên, mỗi khi dư luận nói về vấn đề này, các nền tảng sử dụng BigData đều phủ nhận điều đó. Lời giải thích đưa ra cho việc chênh lệch giá thường liên quan đến các yếu tố như phiếu quà tặng, định vị, thời gian và tình trạng đường xá thực tế.
Tuy nhiên, theo trải nghiệm bản thân của phần đông người dùng, lời giải thích như vậy là không thuyết phục. Đáng tiếc, họ không có giải pháp nào khác bởi các dữ liệu và thuật toán không được công khai. BigData luôn là một "vùng xám" và ít người có thể giải thích rõ ràng về nó.
Sử dụng cùng lúc nhiều nền tảng, ứng dụng là cách thoát khỏi "bẫy giá cao"
Về vấn đề gọi taxi công nghệ, giáo sư Kim Vân cũng đưa ra quan điểm riêng của mình. Đó là mọi người đang sử dụng phần mềm gọi xe, hoặc tất cả các phần mềm được hỗ trợ bởi BigData, không nên phụ thuộc quá nhiều vào cùng một nền tảng. Bởi nếu sử dụng một nền tảng trong thời gian dài, khách hàng có thể sẽ không được giảm giá nhiều hơn mà thậm chí sẽ bị "chém" như những khách hàng quen thuộc.
Vì vậy, chúng ta nên sử dụng nhiều nền tảng khác nhau để đặt hàng, gọi xe và mua sắm trực tuyến, để nhận được phần chiết khấu lớn nhất.
Tham khảo Sohu
Đăng nhận xét