Việc chuyển khoản ngày 4/2 nhân danh Ngân hàng Trung ương Myanmar bị chặn lại bởi các biện pháp bảo vệ của Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ. Các giới chức chính phủ Mỹ sau đó trì hoãn chấp thuận chuyển khoản cho đến khi một sắc lệnh được Tổng thống Joe Biden ban hành cho phép họ có quyền hợp pháp chặn vô thời hạn việc rút tiền này.
Nỗ lực này, chưa từng được thông tin trước đây, diễn ra sau khi quân đội Myanmar bổ nhiệm thống đốc ngân hàng trung ương mới và bắt giữ những giới chức cải cách trong cuộc đảo chính.
Phát ngôn viên của chính phủ quân sự Myanmar không trả lời yêu cầu bình luận. Reuters cũng không thể tiếp xúc với các giới chức ngân hàng trung ương.
Bà Christine Schraner-Burgener, Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về Myanmar, cho biết tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng, người dân Myanmar cũng đang vội vàng rút tiền tiết kiệm ngân hàng vì lo ngại hệ thống ngân hàng ngừng hoạt động.
Bà Schraner-Burgener nói: "Mọi người đổ xô đến các máy ATM để rút tiền tiết kiệm vì sợ hệ thống ngân hàng ngừng hoạt động. Sau cuộc đảo chính, các ngân hàng không mở các chi nhánh".
Theo bà, Ngân hàng Trung ương Myanmar áp đặt hạn chế rút tiền mặt nhằm kiềm chế cơn hoảng loạn. Bà Schraner-Burgener cho biết, cuộc khủng hoảng trong nước ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất, kinh doanh, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Đặc phái viên LHQ cho biết, việc chuyển tiền quốc tế cũng bị đình chỉ và tài khoản ngân hàng của một số cơ quan Liên hợp quốc đã bị đóng băng.
Hôm thứ Sáu, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức tham vấn kín về tình hình ở Myanmar. Bài phát biểu của Đặc phái viên Christine Schraner-Burgener được dịch vụ báo chí của Liên Hợp Quốc công bố.
Mỹ, Canada, Liên hiệp Châu Âu và Anh đã đưa ra những chế tài mới sau cuộc đảo chính và sau những cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu. Liên hiệp quốc ngày 4/3 cho hay có ít nhất 54 người thiệt mạng kể từ vụ đảo chính. Hơn 1.700 người bị bắt, trong đó có 29 nhà báo.
Đăng nhận xét