Thấy gì từ tuyên bố của Thủ tướng TQ về Đài Loan?

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Asianpolyglotview

Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày cuối cùng của kỳ họp thường niên Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội), ông Lý tuyên bố Bắc Kinh cam kết thúc đẩy sự phát triển hòa bình của các mối quan hệ xuyên eo biển, với điều kiện nguyên tắc "một Trung Quốc" và "đồng thuận 1992" được duy trì. 

Các quan chức cấp cao khác của đại lục, gồm Uông Dương (Wang Yang), chủ tịch ban cố vấn hội nghị hiệp thương chính trị Trung Quốc, Trương Chí Quân (Zhang Zhijun), người đứng đầu Hiệp hội quan hệ xuyên eo biển Đài Loan của Trung Quốc, cũng đưa ra bình luận tương tự như ông Lý trong suốt sự kiện. 

Các nhà quan sát cho rằng, tuyên bố trên cho thấy Bắc Kinh không vội vàng giải quyết vấn đề Đài Loan và coi Hong Kong là ưu tiên hàng đầu.

"Với Bắc Kinh, Hong Kong là một vấn đề cần giải quyết cấp bách hơn", theo Chang Wu-ueh, giáo sư tại Viện nghiên cứu Trung Quốc, thuộc đại học Tamkang ở thành phố Đài Bắc, đảo Đài Loan.

Giáo sư Chang nói dù ông Lý nhấn mạnh tầm quan trọng của Bắc Kinh với nguyên tắc "một Trung Quốc" và "đồng thuận 1992", nhưng Thủ tướng Trung Quốc không cho thấy về một đường lối cứng rắn hơn so với hiện tại đối với vấn đề Đài Loan. 

Theo SCMP, "đồng thuận 1992" nhắc đến sự ngầm hiểu rằng chỉ có một Trung Quốc nhưng đại lục và đảo Đài Loan có thể có những cách hiểu khác nhau về điều này. 

Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và nếu cần sẽ thu hồi bằng vũ lực. 

Stephen Tan, chủ tịch Hiệp hội chính sách xuyên eo biển - có trụ sở ở Đài Bắc, nói rằng, có rất ít điều mới mẻ trong tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc nhưng việc ông Lý nhấn mạnh đến sự phát triển hòa bình của quan hệ xuyên eo biển và sự hợp tác của 2 bờ eo biển là một điều gì đó "đáng chú ý". 

"Điều này cho thấy Bắc Kinh không có kế hoạch buộc phải thống nhất Đài Loan ngay lúc này", Stephen nhận định. 

Cũng theo chủ tịch Hiệp hội chính sách xuyên eo biển, nếu tuyên bố của ông Lý là thật, Bắc Kinh sẽ theo đuổi các hoạt động giao lưu và hội nhập xuyên eo biển một cách hòa bình, nhằm thu hút người Đài Loan. 

Dù một số phương tiện truyền thông Đài Loan xem tuyên bố của Thủ tướng Trung Quốc là "cành ô liu" từ Bắc Kinh, một số khác lại phản đối điều này, với lý do đại lục liên tục gia tăng sức ép, bao gồm số lượng ngày càng tăng các cuộc tập trận gần đảo Đài Loan. 

Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn xuất hiện tại một sự kiện quảng bá dứa trên đảo sau lệnh cấm nhập khẩu dứa của Trung Quốc đại lục. Ảnh: Reuters

Ví dụ mới nhất về sức ép từ Trung Quốc đại lục là lệnh cấm nhập khẩu dứa Đài Loan từ đầu tháng 3, với lý do là dứa có sâu bệnh. 

"Nếu đại lục thực sự muốn trao đổi hòa bình với chúng tôi, họ sẽ không có hành động cấm nhập khẩu dứa Đài Loan", một nông dân họ Chen, sống ở Pingtung, Đài Loan, nói. 

"Năm ngoái, chúng tôi đã tăng gấp đôi mức tăng trưởng của dứa khi đại lục có nhu cầu cao. Nhưng giờ họ đột ngột nói không nhập khẩu nữa. Chúng tôi sẽ làm gì với số dứa đang trồng?", ông Chen đặt câu hỏi. 

Dứa là trái cây Đài Loan bán chạy nhất ở đại lục, với doanh số bán hàng tăng hơn gấp đôi, từ 20.000 tấn năm 2018 đến gần 50.000 tấn năm 2020. 

Ông Chen cho biết từng thu về 36 đài tệ (30 nghìn đồng)/kg dứa bán cho đại lục nhưng giờ chỉ có thể bán với giá dưới 9 đài tệ (7 nghìn đồng)/kg nếu giới chức Đài Loan không "giải cứu". 

Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất, được thực hiện đầu tháng 3 bởi một tổ chức tư vấn ở Đài Bắc, có 64% người được hỏi cho rằng lệnh cấm nhập khẩu dứa của đại lục là không thể chấp nhận được. Trong một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi trang ET Today hôm 10/3, có 49,9% người Đài Loan được hỏi lo ngại Bắc Kinh sẽ cấm các sản phẩm nông nghiệp khác của Đài Loan. 

Let's block ads! (Why?)