Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio ngày nay vẫn là tàu ngầm lớn nhất của hải quân Mỹ, nhưng không còn trang bị tên lửa hạt nhân hủy diệt, thay bằng hàng trăm tên lửa hành trình Tomahawk.
CNN đánh giá, các tàu ngầm lớp Ohio vẫn là thứ vũ khí đáng gờm và uy lực nhất của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã thể hiện cam kết với các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bằng cách phô diễn hàng loạt khí tài quân sự.
Một tàu ngầm lớp Ohio cũng thu hút sự chú ý khi tham gia tập trận cùng lính thủy đánh bộ Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản.
Sidharth Kaushal, chuyên gia hải quân tại Viện Nghiên cứu quốc phòng và an ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói USS Ohio cùng các tàu USS Michigan, USS Florida và USS Georgia là thứ vũ khí uy lực giúp đưa tên lửa đến sát lãnh thổ của đối phương.
Và trong cuộc đối đầu với những đối thủ như Trung Quốc, các tàu ngầm lớp Ohio mang thông điệp răn đe mạnh mẽ, vì Bắc Kinh vẫn chưa hoàn thiện năng lực chống ngầm.
Dù hiện nay không còn được trang bị tên lửa hạt nhân, USS Ohio vẫn là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, giống như tất cả tàu ngầm khác của Hải quân Mỹ. Ngày nay, USS Ohio được biết đền là tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa dẫn đường (SSGN).
Tàu mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk, nhiều hơn 50% so với các tàu khu trục tên lửa của Mỹ. Mỗi tên lửa Tomahawk được trang bị đầu đạn nổ nặng 450kg.
“Các tàu ngầm SSGN có hỏa lực mạnh với khả năng khai hỏa nhanh chóng”, Carl Schuster, cựu giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói. “154 tên lửa Tomahawk tạo ra đòn giáng mạnh đến mức không một đối thủ nào có thể xem thường”.
Tàu ngầm USS Ohio được trang bị 22 ống phóng, mỗi ống phóng chứa 7 tên lửa hành trình Tomahawk.
So với việc phải huy động một lượng lớn tàu khu trục để phóng tên lửa hành trình, chỉ cần một tàu như USS Ohio là đủ cho sứ mệnh răn đe, Bradley Martin, nhà nghiên cứu hải quân tại Tập đoàn RAND, nói.
“SSGN vẫn là phương tiện có khả năng phóng loạt tên lửa thông thường lớn nhất”, Martin cho biết. Sức mạnh đó từng được chứng minh vào tháng 3.2011, khi tàu ngầm USS Florida phóng gần 100 tên lửa Tomahawk nhằm vào các mục tiêu ở Libya.
“Trung Quốc không có cách nào phát hiện tàu ngầm USS Ohio hoạt động ở Thái Bình Dương, vì năng lực chống ngầm của Trung Quốc vẫn giới hạn ở vùng ven bờ”, chuyên gia hải quân Sidharth Kaushal nói.
Nhưng tàu ngầm Mỹ cũng không ngại tiến gần bờ bởi ưu thế tàng hình. USS Ohio là tàu ngầm hạt nhân nhưng hoạt động cực kỳ yên tĩnh, đủ để tạo thách thức lớn với Trung Quốc ở vùng biển ven bờ.
“Các tàu ngầm SSGN có thể âm thầm vào vị trí tấn công, phóng loạt tên lửa nhằm vào các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ đối phương”, Kaushal cho biết. "Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình giúp hải quân Mỹ sở hữu năng lực tấn công tầm xa vượt trội hơn hầu hết vũ khí khác".
Ông Kaushal nói USS Ohio và USS Michigan là hai tàu ngầm được Mỹ triển khai thường trực ở Guam. Đây là hòn đảo có có vai trò quan trọng giúp ngăn chặn bất cứ nguy cơ xung đột nào giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tàu ngầm USS Ohio tham gia cuộc tập trận ở Okinawa gần đây không phải là lần đầu tiên Washington sử dụng các tàu ngầm mang tên lửa hành trình để gửi đi thông điệp răn đe đến các đối thủ.
Khi khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên lên đến cao trào năm 2017, tàu ngầm USS Michigan mang theo 154 tên lửa Tomahawk, cũng được triển khai tới Busan, Hàn Quốc. Tháng 12.2020, khi căng thẳng với Iran leo thang, Lầu Năm Góc công khai sự hiện diện của tàu ngầm USS Georgia ở vịnh Ba Tư, cũng trang bị 154 tên lửa hành trình Tomahawk.
Đăng nhận xét