Mỹ-Iran
Những lo ngại về một cuộc chiến tranh thế giới thứ 3 đã bùng phát trên toàn cầu sau khi Mỹ ám sát Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani vào tháng 1/2020. Chính Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump đã đồng ý tiến hành vụ ám sát Tướng Soleimani với tuyên bố hành động này được thực hiện để giúp “thế giới trở thành một nơi an toàn hơn”. Tướng Soleimani bị Mỹ cáo buộc là người "dàn dựng" các cuộc tấn công vào căn cứ của liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và các cuộc tấn công vào Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad.
Sau đó, Iran đã thề sẽ “trả thù dữ dội" và hứa sẽ “biến ngày thành đêm” ở Mỹ. Mặc dù xung đột giữa Mỹ và Iran vẫn chưa nổ ra do các bên vẫn kìm chế hành động của mình, song quan ngại căng thẳng giữa 2 nước có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3 chưa bao giờ được xóa bỏ.
Mới đây, một công tố viên Iran đã ban hành lệnh bắt giữ ông Trump và đã yêu cầu sự hỗ trợ của Interpol. Tuy nhiên, Interpol đã từ chối yêu cầu này.
Iran-Israel
Căng thẳng giữa Iran và Israel chưa từng hạ nhiệt trong nhiều năm qua và hậu quả là những cuộc xung đột cường độ thấp liên quan đến các nhóm vũ trang do 2 nước này hậu thuẫn đang hoành hành khắp Trung Đông.
Iran vốn ủng hộ các nhóm chống Israel ở Gaza, Syria và Lebanon nói riêng, trong khi Israel thường xuyên tấn công các lực lượng được Iran hậu thuẫn trên khắp khu vực.
Nhìn chung, Israel đã nỗ lực thành lập một liên minh chống Iran ở cấp độ ngoại giao, trong khi Iran đầu tư vào việc vun đắp mối quan hệ với dân quân và các tổ chức phi nhà nước chống lại Nhà nước Do thái.
Israel đã đe dọa sẽ tấn công Iran nếu Tehran quyết tâm khởi động lại chương trình hạt nhân. Theo các chuyên gia, dù khó đoán 2 nước này sẽ phát động một cuộc chiến toàn diện trong trường hợp này song Israel có thể lựa chọn phương án tiến hành các cuộc không kích rộng lớn hơn nhằm trực tiếp vào Iran.
Kiểu tấn công này có thể có những tác động lớn vì nó có khả năng trở thành mối đe dọa đối với nguồn cung dầu trên toàn cầu và chắc chắn sẽ khiến nhiều quốc gia can thiệp hơn.
Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cao trong năm qua, ban đầu là do Mỹ ngầm cho phép Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd - một đồng minh cũ cùng Mỹ chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - ở biên giới Syria. Tuy nhiên, ngay sau đó, Mỹ đã đe dọa trừng phạt Ankara khiến căng thẳng giữa 2 nước gia tăng.
Ngoài ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan từng gợi ý rằng ông cũng muốn Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ.
Kết quả là mối quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xấu đi, gây lo ngại về tác động tiếp theo đối với liên minh NATO.
Kashmir
Trong 10 năm qua, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan ngày càng xấu đi, đưa hai nước tới bờ vực chiến tranh. Kể từ năm 1947, 2 nước này từng lao vào một số cuộc chiến tranh, xung đột và bế tắc quân sự xen kẽ với các giai đoạn hòa hợp, hòa bình.
Vào năm 2019, Thủ tướng Narendra Modi đã cố gắng giảm bớt quyền tự trị của vùng Kashmir và thay đổi các chính sách về quyền công dân tại khu vực này.
Những bước đi này đã gây ra một số bất ổn bên trong Ấn Độ và làm nổi bật những căng thẳng lâu nay giữa Delhi và Islamabad.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Hiện Kashmir được chia thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
Theo đó, nếu căng thẳng, xung đột tiếp tục leo thang hơn nữa ở Kashmir, Ấn Độ và Pakistan có thể đi đến chiến tranh, dẫn đến những hệ lụy quốc tế tai hại hơn khi Pakistan có đồng minh ruột là Trung Quốc còn Ấn Độ lại ngày càng đẩy mạnh quan hệ với Washington.
Mỹ-Triều Tiên
Căng thẳng Mỹ-Triều Tiên luôn có thể dẫn đến hành động gây chiến. Vài ngày trước khi ông Biden nhậm chức, nhà lãnh đạo Kim Jong-un và chính phủ của ông đã tuyên bố sẽ tăng cường khả năng hạt nhân trong những tháng tới và tuyên bố bất kể ai nắm quyền ở Mỹ sẽ luôn là “kẻ thù lớn nhất” của Bình Nhưỡng.
Đầu tháng 2, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết, Triều Tiên vẫn đang ra sức "sản xuất vật liệu phân hạch, duy trì các cơ sở hạt nhân và nâng cấp cơ sở hạ tầng tên lửa đạn đạo" trong khi tiếp tục tìm kiếm vật liệu và công nghệ cho các chương trình này ở nước ngoài.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố rằng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên hiện là "ưu tiên cấp bách" đối với Mỹ và nước này vẫn cam kết phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận vấn đề Triều Tiên với phía Hàn Quốc tuần này. Ông cho biết có thể sẽ phối hợp với các đồng minh áp thêm lệnh cấm vận để ép Triều Tiên phi hạt nhân hóa.
Mỹ-Trung
Mối quan hệ Mỹ - Trung đặc biệt căng thẳng trong những năm gần đây.
Hiện tại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang lún vào một cuộc chiến thương mại gay gắt.
Cuộc tranh chấp kéo dài gần 18 tháng đã khiến Mỹ và Trung Quốc áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa của nhau.
Trong khi Mỹ tố Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng và đánh cắp tài sản trí tuệ, thì Bắc Kinh tin rằng Washington đang nỗ lực để kiềm chế sự trỗi dậy của nước này như một cường quốc kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, Trung Quốc và Mỹ còn đối đầu với nhau ở nhiều vấn đề như Hong Kong, Đài Loan, Tây Tạng, Biển Đông...
Nếu tình hình leo thang, nó có thể dẫn đến đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc ở các khu vực như Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông.
Đăng nhận xét