Vì sao tiếp đón hoàng gia lại là "cơn ác mộng" với nhiều cận thần?

Tranh vẽ chân dung nữ hoàng Anh Elizabeth I. Ảnh: History Extra

Mỗi mùa hè, nữ hoàng Elizabeth I của nước Anh và đám đông hầu cận bắt đầu hành trình kéo dài hàng tháng, với một chuyến tàu dài 1,6 km, xe ngựa và hơn 1.000 con ngựa.

Đối với kỳ nghỉ hè xa hoa này, không có một nhà khách nào đủ sang trọng để phù hợp với nữ hoàng Elizabeth I. Vì vậy, bà thường lựa chọn các dinh thự giàu có của cận thần để ở lại và bà có quyền làm vậy khi là một nữ hoàng Anh.

"Nhà của mỗi quý tộc đều là cung điện của nữ hoàng, nơi mà bà tiếp tục hưởng thụ cuộc sống xa hoa cho đến khi quay trở về cung điện của mình", một người thời đó viết.

Việc dinh thự được nữ hoàng lựa chọn làm nơi nghỉ dưỡng vừa là vinh hạnh của các cận thần nhưng cũng là "ác mộng" với họ. Đơn giản vì chi phí cho mỗi lần tiếp đón phái đoàn hoàng gia là rất lớn.

Năm 1602, Ngài Henry Lee, một cận thần ưa thích của nữ hoàng Elizabeth I đã rất sốc khi được thông báo rằng nữ hoàng có kế hoạch ở lại dinh thự của ông vào kỳ nghỉ hè.

Theo Adrian Tinniswood, tác giả cuốn sách - Behind the Throne: A Domestic History of the British Royal Household (tạm dịch: Phía sau vương quyền: Lịch sử của hoàng gia Anh) - cận thần Lee đã viết một bức thư khẩn gửi tới Robert Cecil, một ủy viên hội đồng của nữ hoàng, với nội dung rằng, nữ hoàng không thể tới đây vì nếu điều đó xảy ra Lee sẽ "sạt nghiệp".

Theo trang History, một phần của "cơn ác mộng" tiếp đón hoàng gia dưới các vương triều Tudor (Anh) là việc nữ hoàng hoặc nhà vua thường không đi một mình - họ mang theo gần như cả vương triều. Viện Cơ Mật, cơ quan tư vấn điều hành đất nước cho người đứng đầu vương quốc, cũng mang theo những người hầu cận và thậm chí là hầu cận của hầu cận.

Người phục vụ ăn uống, nhạc công, nghệ nhân và bác sĩ cho hoàng gia đều được coi là cần thiết và phải đi cùng nhà vua hoặc nữ hoàng mỗi khi họ ra ngoài. Những người này đều cần có chỗ ở. Điều đó có nghĩa rằng các cận thần được hoàng gia lựa chọn sẽ phải lo chỗ ăn ngủ, giải trí cho hơn 300 người, trong khi chỉ được báo trước vài ngày.

"Việc sắp xếp đi lại cho nhiều người cần lên kế hoạch cẩn thận. Đây là trách nhiệm của thị thần hầu cận cho lãnh chúa hoặc quốc vương. Người này sẽ vạch ra một danh sách ban đầu về số người và địa điểm để hoàng gia ghé thăm trong kỳ nghỉ, với khung thời gian cụ thể", tác giả Tinniswood viết.

Thị thần cũng là người thông báo tin tức cho cận thần hoặc quý tộc được lựa chọn và thu xếp chỗ ngủ cho đoàn theo đúng cấp bậc.

Nếu dinh thự của các cận thần hoặc quý tộc không có đủ chỗ ở, các tòa nhà tạm sẽ được dựng lên và dĩ nhiên chi phí là do "chủ nhà" phải lo.

Số lượng thịt và rượu mật ong để phục vụ cho phái đoàn hoàng gia lớn đến mức khiến nhiều người choáng váng. Nhiều động vật được mua hoặc tịch thu ở các khu vực lân cận, bán kính vài km. Thức ăn sẽ do đầu bếp của hoàng gia chế biến nhưng luôn cần được hâm nóng trong các bếp tạm, đồng nghĩa với lượng lớn nhiên liệu bị tiêu tốn. Không chỉ lo chỗ ăn ngủ cho người, "chủ nhà" còn phải lo chỗ ăn ngủ cho cả ngựa của hoàng gia.

Khu bếp tại lâu đài Kenilworth ở vùng Warwickshire. Mọi người đang chuẩn bị tiệc cho chuyến ghé thăm của Nữ hoàng Elizabeth năm 1575. Ảnh: Getty

Theo tác giả Tinniswood, 3 ngày ở lại của nữ hoàng Elizabeth năm 1602 tại dinh thự Harefield của Ngài Thomas Egerton, một quý tộc Anh, đã khiến ông này gần như "cháy túi".

Egerton phải chi tiền cho 24 con tôm hùm, 624 con gà, 48.000 viên gạch và vô số lò nướng mới để phục vụ các bữa tiệc lớn trong 3 ngày nữ hoàng cùng đám đông hầu cận của bà ở lại. "Số tiền mà Ngài Egerton phải chi ra thời ấy tương đương với khoảng 10 triệu USD ngày nay", Tinniswood cho biết.

Lợi ích chính trị - xã hội là thứ tích cực hiếm hoi mà các chuyến thăm của hoàng gia mang lại. Năm 1535, vua Henry VIII (Anh) và hoàng hậu Anne Boleyn đã tới Wulfhall, khu nghỉ dưỡng săn bắn của Ngài John, một quý tộc thời đó, và phu nhân Margaret Seymour, ở hạt Wiltshire, tây nam nước Anh.

Vua Henry VIII rất vui vẻ trong thời gian ở lại Wulfhall. Ông hào hứng đi săn trong khu rừng rậm Savernake. Trong thời gian ở lại đây, vị vua nước Anh còn "rung động" trước Jane Seymour, con gái của Ngài John. Sau đó không lâu, Jane trở thành hoàng hậu thứ 3 của vua Henry VIII.

Lợi ích chính trị và xã hội từ các chuyến thăm của hoàng gia khiến nhiều quý tộc và cận thần giàu có tranh nhau giành quyền được tiếp đón phái đoàn của nữ hoàng, bất chấp tốn kém một khoản lớn.

Dưới thời của mình, nữ hoàng Elizabeth I đã nhận được nhiều lời thỉnh cầu từ các quý tộc và cận thần, mong bà lựa chọn tới nghỉ dưỡng tại dinh thự của họ. Chỉ riêng mùa hè năm 1575, nữ hoàng Elizabeth I đã tới thăm 41 dinh thự.

Robert Dudley, bá tước của Leicester, chào đón nữ hoàng Anh Elizabeth I tới cung điện Kenilworth, vùng Warwickshire, hồi tháng 7/1575. Ảnh: Getty

Trong suốt những ngày nữ hoàng ở lại, các "chủ nhà" tìm mọi cách để làm hài lòng bà với những màn tiêu khiển từ pháo hoa, săn bắn... Tuy nhiên, một số nỗ lực cũng để lại những hậu quả thảm khốc. Trận chiến giả do một vị bá tước Warwick dựng lên trong thời gian nữ hoàng ở lại lâu đài Warwick đã kết thúc khi những loạt đại bác dội như mưa xuống một ngôi làng gần đó, khiến nhiều nhà cửa bị cháy.

Không chỉ phải lo chỗ ăn, ở, ngủ, nghỉ cho phái đoàn hoàng gia, các chủ nhà còn phải chuẩn bị quà tặng nữ hoàng để cảm ơn vì đã chọn tới ở tại dinh thự của họ.

"Bất cứ nơi nào nữ hoàng tới, các 'chủ nhà' đều chuẩn bị nhiều quà tặng và những thú vui xa hoa", tác giả Tinniswood viết.

Trong số những người "thích" tiếp đón nữ hoàng và tùy tùng, không ai nhiệt tình bằng lãnh chúa Burghley, con trai của người được mệnh danh là "cánh tay phải" của nữ hoàng Elizabeth I. Theobalds House, dinh thự của Burghley, nằm ở hạt Hertfordshire xinh đẹp, được thiết kế riêng cho nữ hoàng Elizabeth. Không ngạc nhiên khi Theobalds trở thành điểm đến ưa thích của nữ hoàng mỗi kỳ nghỉ và lãnh chúa Burghley đã phải trả giá đắt (theo đúng nghĩa đen) vì sự nhiệt tình của mình.

Theo người ghi chép tiểu sử của lãnh chúa Burghley, ông đã tiếp đón nữ hoàng và tùy tùng 12 lần tại nhà của mình, mỗi lần tốn kém số tiền tương đương với 10 - 15 triệu USD ngày nay.

Một số quý tộc lại tỏ ra sợ hãi khi được nữ hoàng ghé thăm. Có những câu chuyện dở khóc dở cười về phản ứng của họ. Khi biết nữ hoàng và đoàn tùy tùng của bà đang trên đường đến dinh thự của mình ở Chelsea, bá tước Lincoln đã quyết định tránh mặt.

Tệ hơn nữa, sau một tiếng gõ mạnh vào cánh cửa cổng, nữ hoàng chỉ trông thấy những người hầu trong dinh thự đứng ngó nghiêng qua cửa sổ, mà tuyệt nhiên không có ai ra mở cửa. Tình huống trở nên tồi tệ tới mức Ngài Robert Cecil, người hộ tống nữ hoàng, phải nói dối rằng bá tước Lincoln đã bị gọi đi đột xuất. Tuy nhiên, Cecil vẫn yêu cầu gia nhân của bá tước Lincoln phải chuẩn bị bữa tối cho nữ hoàng và phái đoàn và dĩ nhiên là hoàng gia không phải chịu chi phí.

Trong thời hiện đại, không có vị khách hoàng gia nào khiến các "chủ nhà" phải trốn tránh nhiều như công chúa Margaret, chị em của nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Công chúa Margaret ít quan tâm tới lịch trình mà các "chủ nhà" đưa ra và sẽ tự sắp xếp lại đồ đạc trong phòng mà bà ở, mắng mỏ những người phục vụ và buộc "chủ nhà" phải thức dậy trong đêm ngay khi bà yêu cầu. Ngoài ra, công chúa Magaret còn yêu cầu "chủ nhà" phải cung cấp đầy đủ tiện nghi theo ý mình.

Let's block ads! (Why?)