Ông Biden cảnh báo sẽ có "hành động phù hợp" nếu quân đội Myanmar không từ bỏ quyền lực.
Sáng sớm ngày 1.2, quân đội Myanmar tiến hành đảo chính, bắt giữ lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi, nhiều quan chức cấp cao và các lãnh đạo địa phương.
Quân đội cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11.2020 có gian lận và chính quyền dân sự vẫn làm ngơ trước cảnh báo từ phía quân đội.
Sau cuộc đảo chính, quyền lực tạm thời được chuyển giao cho tướng Min Aung Hlaing.
“Mỹ đã dỡ bỏ cấm vận với Myanmar từ một thập kỷ trước trên cơ sở quốc gia này hướng tới nền dân chủ”, ông Biden nói. “Bước lùi này sẽ khiến chúng ta cần đánh giá lại lệnh cấm vận và các biện pháp phù hợp khác”.
“Chúng ta sẽ làm việc với các đối tác trong khu vực và trên thế giới để khôi phục nền dân chủ và các quy định pháp luật, nêu đích danh những người phải chịu trách nhiệm vì cản trở cuộc chuyển giao dân chủ ở Myanmar”, ông Biden nói.
Myanmar từng do tướng lĩnh quân đội lãnh đạo từ năm 1962-2011. Quốc gia này chứng kiến những cuộc biểu tình quy mô lớn vào những năm 1980 và 2000, khiến phe quân đội đồng ý từng bước chuyển giao quyền lực.
Năm 2015, Bà Suu Kyi chiến thắng trong cuộc bầu cử đầu tiên ở Myanmar và trở thành nhà lãnh đạo không chính thức. Nhưng quân đội vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong chính quyền.
Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Mitch McConnell kêu gọi vụ bắt giữ các nhà lãnh đạo là “hãi hùng” và là “một bước lùi” với Myanmar.
“Chính quyền Biden cần thể hiện lập trường cứng rắn. Các đồng minh và đối tác trên thế giới cần lên án hành động đe dọa nền dân chủ này”, ông McConnell nói. “Chúng ta cần hỗ trợ người dân Myanmar trong hành trình hướng đến nền dân chủ và buộc những kẻ cản đường phải trả giá”.
Trong tuyên bố yêu cầu quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực, ông Biden chỉ nhắc đến khả năng khôi phục các lệnh cấm vận, chưa đề cập đến lựa chọn can thiệp quân sự.
Sự kiện xảy ra ở Myanmar là thách thức đối ngoại đầu tiên dưới thời chính quyền Biden. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng được coi là người đạt thành tựu lớn khi buộc chính quyền quân sự Myanmar từ bỏ quyền lực.
Đăng nhận xét