Ông Tập cảnh báo "thảm họa" trong điện đàm với ông Biden 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Sputnik

Cuộc gọi, được diễn ra vào đêm trước Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, vẫn cho thấy hố sâu căng thẳng kéo dài giữa 2 nước khi ông Biden gây sức ép với ông Tập về các vấn đề thương mại, nhân quyền và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khi đó, ông Tập cũng "không vừa" khi gọi các vấn đề ở Hong Kong, Đài Loan hay Tân Cương là "công việc nội bộ" của Trung Quốc, và kêu gọi nối lại đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh, theo tuyên bố từ cả 2 phía. 

"Hợp tác là sự lựa chọn đúng đắn duy nhất cho Mỹ và Trung Quốc. Hợp tác có thể giúp 2 nước và thế giới đạt được nhiều thành tựu to lớn. Còn nếu Mỹ - Trung đối đầu, đó chắc chắn là một thảm họa", hãng Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập cho hay. 

"Trung Quốc và Mỹ sẽ có quan điểm khác nhau về một số vấn đề nhất định nhưng điều quan trọng là chúng ta phải đối xử với nhau một cách tôn trọng và bình đẳng, đồng thời biết kiểm soát đúng mực sự khác biệt trên tinh thần xây dựng", Chủ tịch Trung Quốc nói thêm. 

Ông Tập nói việc nối lại đối thoại giữa Washington và Bắc Kinh là cần thiết để tránh đánh giá sai và xác định các tranh chấp có thể được kiềm chế. Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi Washington thận trọng trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền của Trung Quốc. 

"Bộ Ngoại giao của chúng tôi có thể trao đổi sâu rộng về nhiều vấn đề song phương, quốc tế và khu vực, đồng thời các bộ ngành về kinh tế, tài chính, thực thi pháp luật và quân đội của 2 bên cũng có thể tăng cường trao đổi", Ông Tập nói. 

Bắc Kinh đã nhiều lần kêu gọi chính quyền mới của ông Biden hàn gắn mối quan hệ vốn bị rạn nứt nghiêm trọng dưới thời ông Trump. 

Nhà Trắng cho hay, ông Biden gửi lời chúc mừng năm mới tới ông Tập và người dân Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định "các ưu tiên của ông là bảo vệ an ninh, sự thịnh vượng, sức khỏe và cuộc sống của người Mỹ, cũng như gìn giữ một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở". 

Hai nhà lãnh đạo còn trao đổi quan điểm về việc chống lại đại dịch Covid-19, cũng như các thách thức chung về an ninh, y tế toàn cầu và biến đổi khí hậu. Ông Biden cũng muốn hai bên nâng cao hợp tác ngăn chặn phổ biến vũ khí. Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp thuận lời kêu gọi này vì cho rằng Washington đang tạo tiền đề để "mượn" ảnh hưởng của Bắc Kinh nhằm hạn chế chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc điện đàm không thể làm sáng rõ hàng loạt vấn đề đau đầu khiến quan hệ 2 nước rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. 

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định, Mỹ đã "động chạm" tới mọi vấn đề mà Trung Quốc coi là "quan trọng", và ông Biden được kỳ vọng sẽ tiếp tục đáp lại lời kêu gọi của lưỡng đảng trong việc đối đầu với Trung Quốc. 

"Dĩ nhiên, việc nối lại các cuộc trao đổi là điều tốt nhưng phần lớn những cuộc trò chuyện là đối đầu gay gắt dù đã lịch sự và dân sự hơn khi ông Trump không còn tại vị.

Có những không gian để hợp tác như vấn đề biến đổi khí hậu. Dù điều này là tích cực nhưng so với sự đối đầu ở các lĩnh vực chủ chốt khác, điểm tích cực này chẳng thấm vào đâu. Làm thế nào một cuộc gọi có thể giải quyết tất cả các vấn đề đã tồn tại từ lâu?", giáo sư Yinhong nói. 

Cui Lei, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, chỉ ra rằng, ông Trump và ông Tập cũng từng có các cuộc trao đổi trong dịp Tết Nguyên đán vài năm trước, nhưng rõ ràng điều đó không đảm bảo chắc chắn về một sự tăng cường quan hệ. Thực tế quan hệ 2 nước xuống thấp đỉnh điểm dưới thời ông Trump đã chứng minh điều này. 

"Những ngày đầu nhiệm kỳ của mình, ông Trump cũng có những động thái được xem là thiện chí với ông Tập vào dịp Tết Nguyên đán. Cháu gái của ông Trump thậm chí còn gửi lời chúc mừng năm mới bằng tiếng Trung qua video. Nhiều người đã kỳ vọng vào sự tiến triển quan hệ song phương nhưng cuối cùng mọi chuyện không như vậy", ông Lei nói. 

Let's block ads! (Why?)