Người kiếm tiền như nước nhờ nắm bắt nhanh thông tin, trở thành người giàu nhất thế giới

Bức chân dung Nathan Mayer Rothschild, người thành công nhất của một trong những gia tộc quyền lực nhất thế giới.

Nhân vật đó là Nathan Mayer Rothschild, con trai thứ 4 trong 5 người con mang họ Rothschild. Ông sinh ngày 16.9.1777 ở Frankfurt, Đức và thế hệ thứ hai của gia tộc Rothschild, theo trang Exodus.

Trong số 5 anh em, Nathan là người con tài hoa nhất trong gia đình. Ông có sức sáng tạo, tham vọng và tạo ra nguồn năng lượng lớn. Không ngạc nhiên khi Nathan sớm rời quê hưởng ở tuổi 21, sang Machester, Anh, để tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dệt may.

Không lâu sau, Nathan nhận ra mình có niềm đam mê mãnh liệt với kinh doanh tài chính. Ông chuyển đến London, bắt đầu giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán London từ năm 1804. Nathan thu lời lớn từ hoạt động giao dịch hối phiếu thông qua ngân hàng tư nhân.

Năm 1806, Nathan kết hôn với Hannah, con gái của một doanh nhân có ảnh hưởng ở London thời bấy giờ. Cuộc hôn nhân này giúp Nathan có địa vị vững chắc ở London, giúp ông mở rộng mối quan hệ với giới quý tộc giàu có.

Các anh em trong gia đình dựa vào nền móng mà Nathan tạo ra để đạt những thành tựu riêng. Năm 1816, hai anh trai của Nathan được hoàng đế Áo phong làm quý tộc. Nhưng Nathan chưa hài lòng với những gì đã làm được. Ông tiếp tục tiến bước dài trong sự nghiệp trong những năm sau này.

Biểu tượng gia tộc Rothschild.

Vào thời điểm châu Âu trải qua cuộc chiến tranh của hoàng đế Pháp Napoleon (1803-1815), Nathan tạo nên khối tài sản khổng lồ từ cuộc chiến. Dựa vào các mối quan hệ, ông trực tiếp làm ăn với chính phủ Anh thông qua ngân hàng NM Rothschild do mình lập nên.

Từ năm 1811, Nathan đảm nhận trách nhiệm chu cấp tiền vàng nuôi quân đội của công tước Wellington, trong chiến dịch chống lại Napoleon.

Trong trận Waterloo quyết định năm 1815, Nathan biết thông tin Napoleon thất bại trước cả chính phủ Anh, nhờ đó thu lời lớn từ khoản giao dịch trái phiếu chính phủ.

Theo Global Capital, Nathan Rothschild là người đầu tiên ở thời điểm đó biết giá trị của việc nắm được thông tin sớm và chính xác.

Ông xây dựng một hệ thống truyền tin riêng, kết hợp giữa bồ câu đưa thư, đưa thư bằng ngựa, bằng tàu biển, để có được thông tin nhanh nhất về chiến trận.

Vào đêm ngày 18.6, ngay khi Napoleon thất bại, người đưa thư của Nathan đã chạy một mạch đến Dunkirk, lên con tàu chờ sẵn để quay về London. Nathan nhận được tin Napoelon thua cuộc vào tối ngày 19.6, tức là chỉ sau 24 giờ.

Trong khi đó, người đưa thư của công tước Wellington chỉ tới được London vào tối ngày 21.6.

Sau khi nắm chắc thông tin về cuộc chiến, Nathan cưỡi ngựa tới Sở giao dịch chứng khoán London. Ngay khi Nathan bước chân vào Sở giao dịch, đám đông lập tức chú ý. Phòng giao dịch hoàn toàn mất đi không khí sôi động thường ngày, mỗi người đều dõi theo ánh mắt của Nathan Mayer Rothschild.

Khi Nathan thông báo bán một lượng trái phiếu chính phủ. Có người cất tiếng thì thầm: "Nhà Rothschild đã biết từ trước. Công tước Wellington đã thất bại!".

Làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ Anh diễn ra suốt ngày hôm đó, khiến giá trái phiếu giảm xuống mức kỷ lục. Chỉ chờ có vậy Nathan ra lệnh cho nhân viên thu mua trái phiếu với mức giá rẻ mạt, thâu tóm thị trường trái phiếu chính phủ Anh.

Sử gia Niall Ferguson đồng ý rằng những người đưa thư của nhà Rothschild đã đến London trước tiên và báo cho gia đình về thất bại của Napoleon, giúp cho Nathan thu lời lớn.

Nhưng ông Ferguson nhưng lập luận rằng Nathan Rothschild đã tham gia vào một chiến dịch quân sự kéo dài của Anh, những tổn thất phát sinh từ sự gián đoạn trong kinh doanh cũng là rất lớn. Ông Ferguson nói phần lớn lợi nhuận mà Nathan thu được đến từ giao dịch với chính phủ Anh.

Thất bại của Napoleon lại là thành công của Nathan Mayer Rothschild.

Tài liệu của gia tộc Rothschild xác nhận rằng trận Waterloo giúp Nathan kiếm được rất nhiều tiền của. Nhưng nói rằng chỉ nhờ kết quả trận đánh mà giúp Nathan xây dựng nên đế chế tài chính khổng lồ, chi phối nền tài chính ở Anh là không chính xác.

Sau trận Waterloo, Nathan vươn tầm ảnh hưởng ra khắp châu lục. Năm 1818, ông sắp xếp cho chính phủ Phổ vay 5 triệu bảng Anh.

Trong giai đoạn năm 1825-1826, Nathan sở hữu lượng tiền mặt lớn đến mức đủ để Ngân hàng Trung ương Anh vượt qua cuộc khủng hoảng thanh khoản.

Một năm trước khi qua đời, năm 1835, Nathan ký hợp đồng với chính phủ Tây Ban Nha, độc quyền khai thác mỏ Almadén. Đây là khu mỏ khai thác thủy ngân lớn nhất thế giới, giúp Nathan toàn quyền kiểm soát nguồn thủy ngân của châu Âu lúc bấy giờ.

Ở thời điểm qua đời vào năm 1836, khối tài sản Nathan sở hữu tương đương 0,62% thu nhập quốc dân của Anh. Ở thời điểm đó, ông người giàu có nhất thế giới và là người sở hữu khối tài sản lớn nhất trong gia tộc Rothschild.

Sử gia Ferguson viết về khối tài sản mà Nathan để lại: “Trong suốt thế kỷ 19, NM Rothschild là ngân hàng lớn nhất thế giới, chi phối thị trường trái phiếu quốc tế”.

NM Rothschild có vai trò quan trọng trong việc ổn định nền tài chính toàn cầu thông qua hoạt động cho vay tới rất nhiều chính phủ, tương tự như Quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

_____________________

Ở thời đại mà hình thức cho vay đổi lấy lãi và lợi ích chưa phổ biến như ngày nay, một người đàn ông ở châu Âu đã trở nên giàu có tột độ, sức ảnh hưởng còn lấn át cả hoàng đế. Nhân vật đó là ai? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ tới xuất bản lúc 15h ngày 13.2 trên mục Thế giới. 

Let's block ads! (Why?)