Jacob Fugger được coi là người giàu nhất lịch sử thế giới thời cận đại.
Đó là Jacob Fugger (1459-1525), một doanh nhân, nhà khai mỏ và chủ ngân hàng người Đức. Steinmetz cho rằng Fugger “đã thay đổi lịch sử vì ông sống trong thời đại mà lần đầu tiên tiền bạc quyết định đến cả chiến tranh và chính trị”.
Thành công trong lĩnh vực khai mỏ và ngân hàng giúp Fugger sở hữu khối tài sản tương đương 2% GDP của châu Âu vào những năm 1520, theo tác giả Steinmetz.
Số tiền Fugger sở hữu ước tính tương đương 400 tỉ USD ngày nay. Có thời điểm, Fugger và gia đình độc quyền phân phối kim loại đồng ở châu Âu.
Fugger sinh năm 1459 trong một gia đình thương nhân. Gia đình ông kiếm được kha khá tiền của nhờ vào nghề buôn vải sợi, mua vải sợi từ các nhà sản xuất địa phương ở Augsburg và cung cấp cho khu vực Frankfurt, Cologne và miền bắc Italia.
Sau khi theo học ở trường đào tạo các mục sư, Fugger được gia đình gửi đến Venice để học cách buôn bán. Ở châu Âu thời bấy giờ, các thành phố của Italia là điểm giao dịch, buôn bán hàng hóa sôi động.
Ở Venice, Fugger học nhiều ngôn ngữ khác nhau, học cách tính toán cân nặng và tiền tệ, cũng như nghệ thuật đàm phán. Theo tác giả Steinmetz, người Venice đã dạy cho Fugger nghề kế toán thủ công.
Quay trở về Augsburg sau vài năm, Fugger chứng kiến cái mà tác giả Steinmetz gọi là thời khắc định đoạt số phận của chàng thương nhân trẻ. Đó là khi hoàng đế Habsburg, Frederick III muốn anh trai cả của Fugger, Ulrich cung cấp sợi len và vải lụa.
Frederick muốn có số vải lụa và len để đàm phán với Charles the Bold, công tước xứ Burgundy (ngày nay là Pháp).
Ulrich đồng ý với điều kiện hoàng đế Frederick III tặng cho gia đình một chiếc quốc huy có khắc tên người nhận. Chiếc quốc huy này giúp gia đình Fugger được xếp vào hàng thượng lưu trong tầng lớp thương gia ở Augsburg.
Hoàng đế đế quốc La Mã Thần thánh Maximilian I cũng từng là con nợ của Jacob Fugger.
Theo tác giả Steinmetz, Fugger cảm thấy rất ấn tượng vì đó là minh chứng cho thấy ngay cả hoàng đế cũng phải tuân theo quy luật của tiền bạc.
Năm 1485, Fugger vẫn làm việc cho công ty của gia đình, giao dịch với một công tước xứ Habsburg. Ông trao đổi 3.000 florin (đơn vị tiền tệ lúc bấy giờ) để đổi lấy một khối lượng bạc nhất định.
Khi đến Venice giao dịch, Fugger bán được khối lượng bạc trên để thu về florin với giá cao hơn 50% giá mua. Đó là trải nghiệm đầu tiên của Fugger với hoạt động giao dịch và trao đổi tiền tệ.
4 năm sau, thành Venice rơi vào cuộc chiến tranh với thành Innsbruck (nay thuộc Áo). Công tước Sigismund xứ Innsbruck chiếm được một thị trấn ở dãy Alps, thuộc quyền kiểm soát của Venice.
Venice yêu cầu Sigismund trả lại lãnh thổ chiếm đóng và kèm thêm 100.000 florin, hoặc sẽ bị tấn công.
Trong khi Sigismund không gom được tiền để phát động chiến tranh, Fugger xuất hiện và tuyên bố có đủ số tiền mà Sigismund yêu cầu.
Fugger soạn hợp đồng cho vay, yêu cầu số bạc khai thác từ khu mỏ Schwaz của công tước sẽ thuộc về mình cho đến khi công tước trả hết tiền. Nếu Sigismund trả lại tiền, Fugger sẽ thu lời lớn, nhờ số khoản lợi nhuận có được từ khu mỏ bạc mà Sigismund chuyển quyền khai thác cho mình.
Thương vụ này được đánh giá là có rủi ro lớn vì không thể biết chắc Sigismund sẽ trả đủ số tiền vay. “Sigismund là thành viên hoàng gia, anh ta không trả tiền cũng không ai làm gì được. Điều duy nhất khiến Sigismund cảm thấy cần trả số tiền vay là danh dự và cơ hội vay số tiền lớn hơn trong tương lai”, tác giả Steinmetz nói. Kết quả là Sigismund trả đầy đủ khoản tiền vay không thiếu 1 xu.
Sau này, Fugger chi những khoản tiền khổng lồ cho đội quân viễn chinh của Hoàng đế Đế quốc La Mã Thần thánh Maximilian I để đổi lấy quyền khai thác đồng ở Hungary.
Trước thời của Fugger, hoạt động cho vay lấy lãi là điều bị cấm. Fugger đã mở chiến dịch vận động để thay đổi quan niệm này. Cuộc vận động hành lang diễn ra ngay tại Vatican vào năm 1515.
Tượng bán thân Jacob Fugger.
Giáo hoàng Leo X đã bị thuyết phục, cho rằng bên cho vay luôn phải chấp nhận rủi ro nên việc tính lãi là hoàn toàn công bằng.
Một số nhà cải cách lúc bấy giờ chỉ trích Fugger về cách ông dùng tiền bạc để sinh lời, tạo ra ảnh hưởng đáng kể đối với các vua chúa.
Trên thực tế, hoàng đế Maximilian I mắc nợ Fugger nhiều đến mức chính Fugger phải tiếp tục ủng hộ hoàng đế để có thể đòi lại các khoản nợ chưa trả hết.
Fugger là người hoạt động tích cực đằng sau hậu trường để đưa Charles V, cháu trai của Maximilian lên nối ngôi, đảm bảo các khoản đầu tư của ông vẫn sinh lời.
Hai năm trước khi qua đời, ở đỉnh cao của danh vọng, Fugger yêu cầu hoàng đế trả lại số tiền mà ông đã đầu tư để đưa Charles V trở thành hoàng đế của Đế quốc La Mã Thần thánh.
Trong lá thư gửi Charles V, Fugger viết: “Ai cũng biết rằng nếu không có tôi thì ngài không để dễ dàng chạm đến ngai vàng”.
Ở thời điểm đó, Fugger là người có tầm ảnh hưởng quá lớn đến mức không thể bị hạ bệ. Đôi khi ông cũng đối mặt với rủi ro các vua chúa châu Âu sẽ không trả số tiền vay, nhưng ông biết rằng có những người vì danh dự sẽ trả tiền và sau này sẽ quay lại vay những khoản lớn hơn.
Steinmetz kết luận trong cuốn sách rằng, Fugger là người đàn ông giàu có nhất từng tồn tại trên thế giới. Dĩ nhiên, đây chỉ là kết luận mang tính ước chừng, vì thống kê đầy đủ khối tài sản của Fugger là điều không hề dễ dàng.
Nhưng không thể phủ nhận rằng Fugger đã tận dụng triệt để các mối quan hệ với vua chúa châu Âu, là người đầu tiên tham gia giao dịch tiền tệ để sinh lời, nắm quyền kiểm soát các mỏ khai thác kim loại và thu về khối tài sản to lớn chưa từng thấy ở thời điểm đó.
_____________________
Quốc vương giàu có nhất lịch sử thế giới, từng xuất hiện trên trang bìa tạp chí TIME của Mỹ là ai? Bài kỳ 3 xuất bản 15h ngày 14.2 sẽ viết về về nhân vật này.
Đăng nhận xét