Quân đội Myanmar chặn đường dẫn đến tòa nhà Quốc hội.
“Sau khi đánh giá kỹ lưỡng thực tế và tình hình liên quan, chúng tôi xác định rằng lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint đã bị bắt giữ trong một cuộc đảo chính”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói, theo Daily Mail. “Chúng tôi tiếp tục yêu cầu giới lãnh đạo quân đội Myanmar trả tự do cho họ và các quan chức dân sự khác một cách ngay lập tức và vô điều kiện”.
Theo luật pháp của Mỹ, Washington bị cấm viện trợ cho quốc gia có quân đội phát động đảo chính. Mỹ đã hạn chế viện trợ cho quân đội Myanmar kể từ khi nước này phát động chiến dịch đàn áp người thiểu số Rohingya vào năm 2017.
Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington sẽ chỉ duy trì hỗ trợ nhân đạo ở Myanmar, bao gồm chương trình cho người thiểu số Rohingya và các khoản hỗ trợ sẽ được xem xét kỹ lưỡng.
Hôm 1.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng tuyên bố Mỹ sẽ tái áp đặt các lệnh cấm vận Myanmar. Các lệnh cấm vận từng được dỡ bỏ cách đây một thập kỷ, khi quân đội Myanmar đồng ý khởi động tiến trình dân chủ vào năm 2011.
Binh sí Myanmar canh gác bên ngoài tòa nhà Quốc hội.
Mỹ đã đóng góp 1,5 tỉ USD cho Myanmar kể từ năm 2012 để hỗ trợ quốc gia này hướng đến nền dân chủ toàn diện. Quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, Washington không thể liên lạc được với bà Suu Kyi và các quan chức khác của Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính.
Theo nguồn tin mà quan chức Mỹ thu thập được, bà Suu Kyi đang bị quản thúc tại gia. “Mỹ đang tích cực liên hệ với Nhật Bản, Ấn Độ và các đối tác khác để làm cầu nối liên lạc với giới chức quân sự Myanmar”, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thêm.
Nhật Bản và Ấn Độ là các đối tác tiềm năng nhằm thay thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Myanmar. Tuy nhiên, cuộc đảo chính quân sự có thể khiến Myanma xích lại gần Trung Quốc hơn vì bị phương Tây cô lập.
Vài ngày trước đảo chính, Ấn Độ đã chuyển 1,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho Myanmar.
Đăng nhận xét