Những con hà mã sống ở Colombia mà không bị bất cứ sinh vật bản địa nào đe dọa.
Pablo Escobar, trùm ma túy khét tiếng người Colombia, là người đặc biệt đam mê sưu tầm các loài động vật như hà mã, kangaroo, hươu cao cổ, voi và nhiều loài động vật quý hiếm.
Những loài sinh vật này được Escobar nuôi dưỡng trong khu dinh thự Hacienda Napoles, nơi trùm ma túy xây dựng đế chế cocaine lớn nhất thế giới vào những năm 1980.
Sau khi trùm ma túy được mệnh danh “vua cocaine" của Colombia bị bắn chết năm 1993, các loài động vật nuôi nhốt được nhà chức trách đem đi. Nhưng do chi phí vận chuyển tốn kém, đàn hà mã bị bỏ lại và trốn thoát ra môi trường tự nhiên.
Đàn hà mã sau này được gọi là “hà mã cocaine” do gắn liền với tên tuổi của trùm ma túy. Những con hà mã ngày càng sinh sôi, mở rộng quần thể lên tới 100 con.
Chính quyền Colombia từng cố gắng kiểm soát số lượng “hà mã cocaine” nhưng không thành công. Chỉ trong 8 năm qua, đàn hà mã phát triển từ 35 con lên tới 100 con.
Một nhóm các nhà khoa học cảnh báo rằng “hà mã cocaine” là mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học của khu vực. Chúng cũng có thể dẫn đến các cuộc chạm trán chết người, theo Guardian.
Các nhà khoa học cho rằng, toàn bộ những con hà mã này cần phải bị tiêu hủy. Ước tính số lượng của chúng có thể lên tới 1.500 con vào năm 2035, nếu nhà chức trách tiếp tục làm ngơ.
Nataly Castelblanco-Martínez, nhà sinh thái học tại Đại học Quintana Roo ở Mexico, nói: "Tôi tin rằng đây là một trong những thách thức lớn nhất đến từ các loài xâm lấn trên thế giới".
Tuy nhiên, ý tưởng tàn sát toàn bộ đàn hà mã cũng vấp phải một số chỉ trích. Nhiều năm trước, một thợ săn bắn chết hà mã gần khu dinh thự cũ của trùm ma túy Escobar, dẫn đến sự phẫn nộ của người dân địa phương.
Người dân địa phương coi những con hà mã này là của họ, giúp họ kiếm thêm thu nhập từ du lịch.
Những con hà mã sống một cách thoải mái dọc theo con sông Magdalena. Không giống như những họ hàng của chúng ở châu Phi, “hà mã cocaine” không hề có thiên địch ở Colombia. Đó là lý do chúng không ngừng sinh sôi cho đến nay.
Người dân địa phương chỉ cho phép nhà chức trách triệt sản những con hà mã. “Cộng đồng người địa phương tụ tập rất đông mỗi khi chúng tôi tiếp cận những con hà mã. Họ không muốn chúng bị giết hại’, Gina Serna-Trujillo, người từng tham gia triệt sản một số con hà mã, nói. “Họ rất yêu thích chúng”.
Đăng nhận xét