“Cuộc chiến” ngót trăm năm đòi lại Tết Âm lịch của người Hàn Quốc

Cải cách Duy Tân Minh Trị thành công, Nhật Bản ép Hàn Quốc bỏ Tết Âm lịch (ảnh: History)

Ở Hàn Quốc, Tết Nguyên Đán được gọi là “Seollal”. Cùng với Tết Trung Thu, đây là hai lễ hội lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc.

Ngày nay, giống như nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Singapore, Việt Nam, người Hàn Quốc cũng đón Tết vào ngày 1.1 Âm lịch. Tuy nhiên, trước đó, người Hàn Quốc đã phải “nuốt nước mắt” từ bỏ Tết Nguyên Đán.

Giai đoạn 1866 – 1869, Nhật Bản bước vào cải cách Minh Trị Duy tân và nhanh chóng trở nên mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn quân sự. Tầm ảnh hưởng của Nhật Bản ngày càng lớn và giống như các nước phương Tây khác, Nhật Bản tìm cách tranh giành thuộc địa cho mình.

Người Hàn Quốc chờ đợi gần 100 năm để ăn Tết Nguyên Đán (ảnh: The Atlantic)

Triều Tiên (khi đó chưa bị tách ra thành Hàn Quốc và Triều Tiên như ngày nay) nhanh chóng lọt vào tầm ngắm của Nhật Bản. Dưới sức ép của “ngoại giao pháo hạm”, Triều Tiên phải khuất phục trước sức mạnh hải quân Nhật Bản và ký nhiều điều ước bất bình đẳng.

Năm 1876, Nhật – Triều ký hiệp ước Ganghwa. Theo đó, Nhật Bản ép Triều Tiên phải “mở cửa” như những gì Mỹ từng ép Nhật phải làm.

Năm 1895, Trung Quốc do triều Thanh cai trị đại bại trong chiến tranh Trung – Nhật. Nhật Bản ép Trung Quốc từ bỏ quyền lực và tầm ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Năm 1910, Đại Hàn Đế Quốc được thành lập dưới sự chi phối của Nhật Bản về mọi mặt.

Ngày 22.8.1910, Đại Hàn Đế Quốc ký “Nhật – Triều Tính Hợp Ước”. Theo đó, Đại Hàn Đế Quốc sáp nhập vào Nhật Bản, xóa bỏ quốc hiệu.

Cùng thời điểm này, Nhật Bản buộc khu vực bán đảo Triều Tiên xóa bỏ việc đón Tết theo lịch Âm để “đồng bộ” thời gian với phương Tây. Nhật Bản gọi Tết Âm lịch của người Triều Tiên là Gujeong - “Tết lỗi thời”. Việc ăn Tết Nguyên Đán đối với người Triều Tiên trở thành điều cấm kỵ.

Tuy nhiên, ở một số vùng nông thôn trên bán đảo Triều Tiên, người dân vẫn lén tổ chức Tết Nguyên Đán. Người Triều Tiên (trong đó có một phần là người Hàn Quốc sau này) cho rằng, Tết Dương lịch là “Tết của ai đó” chứ không phải Tết của dân tộc họ. 

Năm 1945, Nhật Bản thất bại trong Thế Chiến II, Triều Tiên giành được độc lập. Tuy nhiên, chiến tranh Triều Tiên xảy ra ngay sau đó và bán đảo Triều Tiên bị chia cắt từ vĩ tuyến 38, hình thành hai quốc gia riêng rẽ là Hàn Quốc và Triều Tiên.

Năm mới là dịp để người Hàn Quốc sum họp gia đình (ảnh: Korea Times)

Sau khi giành được độc lập, người Hàn Quốc bắt đầu khôi phục lại văn hóa của mình, đặc biệt là Tết Âm lịch.

Năm 1985, Hàn Quốc mở cuộc khảo sát, kết quả cho thấy hơn 90% dân số muốn khôi phục lại Tết Âm lịch. Chính phủ Hàn Quốc tạm thời công nhận Tết Âm lịch, nhưng gọi bằng cái tên “Ngày Văn hóa Dân gian”. Người dân Hàn Quốc không hài lòng về quyết định này.

Năm 1989, Hàn Quốc chính thức khôi phục Tết Nguyên Đán. Người dân Hàn Quốc được nghỉ Tết Seollal trong 3 ngày, một số công ty có thể cho nhân viên nghỉ Tết dài hơn.

Tết Nguyên Đán ở Hàn Quốc là ngày mọi người sum họp gia đình, tổ chức các bữa tiệc với những món ăn truyền thống và tưởng nhớ tổ tiên.

Vào ngày cuối cùng của năm cũ, người Hàn Quốc sẽ đốt tre để xua đuổi tà ma. Dân xứ sở kim chi tin rằng, tiếng nổ của những ống tre khi bị đốt sẽ khiến ma quỷ khiếp sợ và bỏ chạy.

Trong những ngày đầu năm mới ở Hàn Quốc, người lớn thường mặc trang phục truyền thống là Hanbok. Người Hàn Quốc quan niệm rằng, bất kể ai sinh nhật vào ngày nào, ngày 1.1 Âm lịch cũng là lúc họ lớn thêm một tuổi.

Quan niệm này xuất phát từ truyền thống tôn trọng người già và tuổi tác quyết định thứ bậc xã hội của Hàn Quốc.

Tteokguk – món ăn sẽ khiến bạn già thêm một tuổi (ảnh: Yonhap)

Tteokguk – bánh canh – là món ăn quan trọng nhất của người Hàn Quốc vào dịp Tết Nguyên Đán. Món ăn này làm từ bánh gạo nếp cắt lát mỏng. Tteokguk cũng có thể có thêm thịt và rong biển.

Theo quan niệm của người Hàn Quốc, ăn Tteokguk vào ngày 1.1 Âm lịch sẽ khiến bạn già thêm một tuổi. Tuy nhiên, nếu ăn Tteokguk vào các ngày khác trong năm, bạn sẽ không được thêm tuổi.

Người Hàn Quốc cũng sẽ không ngủ vào đêm giao thừa. Họ quan niệm rằng, nếu đi ngủ vào khoảnh khắc giao thừa, sáng thức dậy tóc và lông mi sẽ bị bạc trắng, trở thành một người già lụ khụ.

____________

Cùng với Hàn Quốc, Triều Tiên cũng từng là quốc gia bỏ Tết Nguyên đán để đón năm mới theo Dương lịch. Ngày Tết Nguyên đán ở quốc gia bí ẩn bậc nhất thế giới này được tổ chức ra sao? Có phong tục gì đặc biệt? Mời quý độc giả khám phá đề tài thú vị này trong bài kỳ sau, xuất bản lúc 10h ngày 14.2 trên mục Thế giới.

Let's block ads! (Why?)