Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing sẽ tiếp quản Myanmar trong ít nhất một năm.
Theo người dẫn chương trình truyền hình quân đội Myanmar, quân đội thực thi quyền kiểm soát theo nội dung quy định trong Hiến pháp.
Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing trực tiếp nắm quyền là do chính phủ dân sự thờ ơ trước cáo buộc có gian lận bầu cử và việc cuộc bầu cử vẫn diễn ra trong đại dịch Covid-19, người dẫn chương trình cho biết.
Quân đội Myanmar dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh Aung Hlaing đã tiến hành đảo chính vào rạng sáng ngày 1.2, ngay trước khi phiên họp Quốc hội khóa mới của Myanmar diễn ra.
Một loạt các nhà lãnh đạo dân sự bị bắt giữ hoặc quản thúc tại gia, trong đó có nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Đường dây liên lạc và internet tại nhiều nơi ở Myanmar bị cắt đứt. Kênh truyền hình quốc gia hiện do quân đội tiếp quản.
Hiện chưa rõ đảng cầm quyền NLD của bà Suu Kyi sẽ có hành động như thế nào sau khi quân đội tuyên bố kiểm soát đất nước.
Mỹ, Úc và nhiều quốc gia khác đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về cuộc đảo chính ở Myanmar, hối thúc quân đội Myanmar tôn trọng pháp luật.
Xe bọc thép xuất hiện ở thành phố Yangon vài ngày trước đảo chính.
“Mỹ rất quan ngại thông tin quân đội Myanmar có hành động gây tổn hại đến tiến trình dân chủ, bao gồm việc bắt giữ bà San Suu Kyi và các quan chức chính phủ”, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki nói. Theo bà Psaki, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã được thông báo về sự việc.
“Mỹ phản đối các hành động làm thay đổi kết quả cuộc bầu cử gần đây, ngăn cản tiến trình dân chủ ở Myanmar và sẽ có hành động nhằm vào những người phải chịu trách nhiệm”, bà Psaki nói thêm.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne yêu cầu quân đội Myanmar trả tự do ngay lập tức cho bà Suu Kyi và những người khác. “Chúng tôi ủng hộ khôi phục Quốc hội Myanmar theo đúng kết quả cuộc bầu cử tháng 11.2020”, bà Payne nói.
Trong cuộc bầu cử tháng 11.2020, đảng NLD cầm quyền của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo trước phe đối lập do quân đội hậu thuẫn, giành được 396/476 ghế trong Quốc hội.
Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing là người có quyền chỉ định 25% số ghế trong Quốc hội Myanmar, cho rằng cuộc bầu cử có gian lận. Ông Aung Hlaing từng cảnh báo sẽ hành động nếu chính phủ làm ngơ trước cáo buộc trên.
Tướng Aung Hlaing được coi là “tư lệnh tối cao” ở Myanmar. Toàn bộ các lực lượng vũ trang Myanmar, bao gồm cả cảnh sát, đều nghe lệnh Tổng tư lệnh quân đội.
Đăng nhận xét