Với trên 2.700 lao động đang mưu sinh tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, mỗi năm lao động từ nước ngoài gửi về xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) trên 400 tỷ đồng. Giàu lên từ xuất khẩu lao động, nhưng hẳn nhiều người sẽ giật mình khi biết hàng trăm cặp vợ chồng ở địa phương này đã tan vỡ hạnh phúc...
Làng tỷ phú
Về xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, nhiều người sẽ giật mình bởi miền quê chỉ gần vài chục năm trước vẫn là một làng chài, nay như một chốn thị thành thu nhỏ. Nơi trung tâm xã, nhà cao tầng, nhiều cửa hàng đồ hiệu mọc lên san sát nhau. Những chiếc ô tô tiền tỷ tưởng chỉ có ở chốn thị thành, cũng đã xuất hiện nhiều ở mảnh đất này.
Một góc Cương Gián hôm nay. Hầu hết những ngôi nhà xây khang trang ở mảnh đất này đều do con em xuất ngoại làm ăn gửi về xây dựng.
Một cán bộ xã Cương Gián dẫn chúng tôi đi trên con đường rải nhựa với những dãy tường gạch kín như một khu phố thu nhỏ, đến ngôi nhà của ông Hoàng Đức Thanh, chủ một gia đình đổi đời nhờ con cái, cháu chắt đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Sự giàu có của gia đình ông Thanh được thể hiện ngay từ ngôi nhà cao tầng sang trọng khiến nhiều người mê.
Rất nhiều người dân sống gần gia đình ông Thanh kể, gia đình ông Thanh trước đây rất nghèo, nhà đông người, cuộc sống của cả gia đình nhờ vào nghề đi biển. Được mùa thì sống, không thì vay mượn đủ bề. Thế rồi gia đình ông đã thay đổi khi người con trai thứ “mở màn” xuất ngoại.
Nối tiếp là người con trai cả Hoàng Văn Tinh và cô con dâu Trương Thị Mai. Người đi trước kéo người đi sau, cho đến lúc cao điểm đại gia đình ông Thanh có đến gần 30 người con, cháu cùng xuất ngoại, chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và châu Âu. Thời cao điểm, khi ở quê nhà không ít người dân còn lo bữa đói, bữa no thì gia đình ông Thanh đã có nguồn thu hàng chục triệu đồng/tháng. Những người con của ông Thanh lần lượt xây nhà lầu, mua bán bất động sản, mở cửa hàng kinh doanh.
Bà Hoàng Thị Hoa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Cương Gián, người có chồng và 6 đứa con mưu sinh tại Hàn Quốc. Riêng chồng bà Hoa lao động tại xứ Hàn đến 23 năm, mới vừa trở về nước 4 tháng nay.
Ở mảnh đất Cương Gián này, giàu dạng như gia đình ông Thanh không quá hiếm. Gia đình bà Hoàng Thị Hoa, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã là một trong những gia đình như thế. Ngoài người chồng lao động tại xứ Hàn đến 23 năm, mới vừa trở về nước 4 tháng nay, thì hiện gia đình bà có 6 đứa con (gồm cả dâu, rể) mưu sinh tại Hàn Quốc.
Bà Hoa không ngần ngại tiết lộ, lúc cao điểm chồng bà có nguồn thu cả trăm triệu đồng/tháng, còn lại cũng 40-50 triệu. Con cái bà cũng có tiền lương tháng ổn định. Nhờ đó cuộc sống của cả gia đình bà Hoa rất sung túc.
Từng giữ chức Chủ tịch UBND xã, nay là Chủ tịch Hội đồng Quỹ Tín dụng liên xã Cương Gián, ông Nguyễn Văn Trính rất phấn chấn khi nói về thành quả mà XKLĐ mang lại cho người dân địa phương: “Từ chỗ chỉ có 5 người sang làm nghề đánh bắt xa bờ ở Hàn Quốc vào năm 1994, đến nay, toàn xã chúng tôi hiện có trên 2.700 lao động tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trung bình mỗi tháng một người gửi về quê 700 USD, mỗi năm toàn bộ số lao động ở nước ngoài gửi về trên 400 tỷ đồng, trong đó gửi qua Quỹ tín dụng của chúng tôi khoảng 60 tỷ đồng".
Nhờ XKLĐ, nhà lầu đang tiếp tục mọc lên ở đất Cương Gián.
Ông Trính nói, đây là nguồn thu rất lớn của xã Cương Gián với dân số gần 15.000 người, đông nhất huyện Nghi Xuân. “Nếu không có XKLĐ thì diện mạo xã bãi ngang ven biển này không thể được như hôm nay, và không thể có chuyện tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 21% năm 2011, nay, xuống chỉ còn 4,5% (đến cuối năm 2018).
Nhìn mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 của người dân trong xã đạt trên 38 triệu đồng, cao hơn mức bình quân chung của huyện Nghi Xuân - xấp xỉ 37 triệu đồng, cá nhân tôi cũng không thể tin được”- ông Trính bày tỏ niềm vui.
Cái giá của sự giàu sang?
Tuy nhiên, đằng sau những con số biết nói về hiệu quả kinh tế, nhiều hệ lụy cũng đã xảy ra từ việc XKLĐ ở ngôi làng giàu có này. Một cán bộ xã Cương Gián thở dài khi nói về mặt trái mà XKLĐ đang gây ra cho địa phương, đó là tỷ lệ ly hôn rất lớn, rất nhiều gia đình đổ vỡ hạnh phúc.
Theo thống kê của địa phương, ở thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã Cương Gián có trên 200 cặp vợ chồng ly hôn, trong đó riêng thôn Bắc Mới có trên 70 cặp đôi tan vỡ hạnh phúc gia đình. Cá biệt, trong một gia đình có 3 cặp vợ chồng “đường ai nấy đi”.
Đáng nói là, phần lớn những vụ việc ly hôn này đều có vợ hoặc chồng đi nước ngoài về.
Bà Lê Thị Lý - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cương Gián đượm buồn cho biết: "Ly hôn ở đây hiện nay nó như một xu hướng, bùng phát mạnh nhất là 3 năm trước đây. Tình trạng ly hôn không chỉ ở lớp trẻ mà có cả ở những trường hợp lớn tuổi, đi xuất khẩu lao động lâu năm trở về quê".
Bà Lê Thị Lý - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cương Gián.
Bà Lý thông tin, đã có những câu chuyện hết sức đau lòng khi những cuộc chia ly, tan vỡ hạnh phúc này kết thúc bằng những vụ bạo hành đến thương tích, thậm chí đã có án mạng xảy ra.
Qua khảo sát, phân tích các vụ ly hôn trên địa bàn, bà Lý tổng kết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu vẫn là vợ chồng xa nhau lâu ngày, thiếu thốn tình cảm nên rất dễ nảy sinh tình cảm “ngoài luồng”. Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của lối sống tự do ở nước ngoài nên khi về quê hương, đối mặt với cuộc sống thực tại thấy không còn phù hợp nên sẵn sàng … “đường ai nấy đi”.
"Xảy ra thực trạng này chúng tôi rất buồn và thật sự rất lo lắng vì hậu quả các vụ ly hôn thường để lại rất nhiều vấn đề, đặc biệt là tổn thương đối với con cái, lớp trẻ. Không chỉ Hội Phụ nữ xã, mà cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. Riêng Hội phụ nữ chúng tôi đã lập hẳn một Tổ hòa giải, thường xuyên tuyên truyền, đồng thời đến tận từng cặp xảy ra mâu thuẫn để tổ chức dàn hòa, nỗ lực xâu nối lại tình cảm của những cặp vợ chồng này"- bà Lý nói.
Thế nhưng, thực trạng buồn, như bà Lý cho biết là tình trạng ly hôn vẫn đang tiếp tục xảy ra khiến địa phương hết sức lo lắng.
(Còn nữa)
Tag: làng 400 tỷ, làng tỷ phú, làng XKLĐ, làng ly hôn, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
Đăng nhận xét