(Dân Việt) Năm đầu tiên dưới sự điều hành của ông Phan Đức Tú, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế vượt mốc 10.000 tỷ đồng và thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6% năm 2018, tương đương hơn 2.000 tỷ đồng. Đây được cho là một thách thức với BIDV, bởi việc chi trả cổ tức theo hình thức nào lại phụ thuộc vào cổ đông lớn là Nhà nước.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019.
Gia nhập câu lạc bộ vạn tỷ lợi nhuận
Theo đó, năm 2019, BIDV đặt kế hoạch tín dụng tăng trưởng 12%. Huy động vốn tăng trưởng 11% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Phấn đấu tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Đặc biệt, BIDV đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 đạt 10.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm ngoái. Nếu mục tiêu này thành công, BIDV của ông Phan Đức Tú sẽ là ngân hàng tiếp theo góp mặt trong danh sách ngân hàng vạn tỷ lợi nhuận năm 2019
Trong năm 2018, lợi nhuận riêng ngân hàng là 8.918 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 9.473 tỷ, vượt kế hoạch của ĐHCĐ đề ra. Ngân hàng cũng đã thực hiện trích dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC và phân loại nợ theo quy định.
Các chỉ số cơ bản khác như ROA và ROE của ngân hàng lần lượt đạt 0,6% và 14,6%. Tính đến cuối năm 2018, tổng tài sản của BIDV trên 1,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với năm liền trước và tiếp tục là ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất Việt Nam. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 5,15 tỷ USD, là TCTD có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường.
Ngoài ra, BIDV do ông Phan Đức Tú làm Chủ tịch HĐQT định hướng cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn, nâng cao hiệu quả đóng góp vào hoạt động chung của toàn hệ thống trong năm 2019.
Trong đó tập trung rà soát và đánh giá tính hiệu quả của từng khoản đầu tư/danh mục đầu tư để ra quyết định duy trì, tăng/giảm hay thoái vốn và tập trung thoái vốn toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngoài ngành không hiệu quả.
Ngoài ra, BIDV cho biết sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC. Đáng chú ý, BIDV cho hay sẽ phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.
BIDV cũng trình ĐHCĐ phê duyệt mức thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát năm 2019 tối đa ở mức 0,41% lợi nhuận hợp nhất sau thuế năm 2019.
Tiếp tục tăng vốn, chi trên 2.000 tỷ trả cổ tức 2018
Ngày 26.4 tới đây, HĐQT ngân hàng của ông Phan Đức Tú báo cáo ĐHĐCĐ phê duyệt BIDV tiếp tục thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thêm 9.500 tỷ đã trình tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018.
Trong đó, BIDV tập trung thực hiện tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phần cho Nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tài chính và thực hiện các biện pháp tăng vốn khác như Phát hành trái phiếu cấp 2, tăng vốn từ nguồn thặng dư phát hành thêm cổ phần và tăng vốn từ nguồn nội lực của BIDV, phấn đấu gia tăng mức vốn tự có theo chuẩn mực của Basel II và đáp ứng yêu cầu theo lộ trình quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Về việc phát hành cổ phiếu cho NĐT nước ngoài, ngân hàng cho biết, mới nhất, ngày 21.2.2019, NHNN đã có văn bản số 1029/NHNN-TTGSNH chấp thuận tăng vốn điều lệ cho BIDV từ 34.187 lên 40.220 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank.
Đồng thời trong giai đoạn này, BIDV đã báo cáo NHNN các vướng mắc trong quá trình đàm phán (về Điều khoản chuyển nhượng, Thư cam kết của NHNN…) và tích cực đàm phán với đối tác để có thể hoàn tất giao dịch theo kế hoạch đã trình ĐHĐCĐ.
Về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, trong năm qua thị trường chứng khoán có nhiều biến đông không thuận lợi, BIDV chưa nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư cũng như đang tập trung triển khai các nội dung liên quan cấu phần bán chiến lược cho NĐT chiến lược nước ngoài nên chưa triển khai cấu phần này. Ngoài ra, theo ý kiến của NHNN tại văn bản 9444/NHNNTTGSNH nên BIDV chưa có cơ sở thực hiện trong năm 2018.
Đối với phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP, BIDV đã thực hiện trình phương án phát hành này liên tục trong các kỳ ĐHĐCĐ thường niên 2017, 2018. Tuy nhiên, với ý kiến của NHNN tại văn bản tại văn bản 9444/NHNN-TTGSNH ,việc thực hiện phương án tăng vốn này vẫn phải chờ ý kiến của các Bộ ngành, do đó chưa có căn cứ thực hiện trong năm 2018.
“Với mức độ thực hiện tăng vốn năm 2018, năm 2019 ngân hàng này sẽ tiếp tục thực hiện các cấu phần tăng vốn đã có kế hoạch từ năm 2018. Đặc biệt, BIDV phấn đấu thực hiện nốt các thủ tục để hoàn tất phát hành và tăng vốn cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài”, tài liệu nêu rõ.
Về cổ tức, BIDV thống nhất trình đại hội phương án chia cổ tức tỷ lệ 6% bằng tiền mặt cho năm 2018 (mỗi cổ phiếu nhận 600 đồng), đồng nghĩa ngân hàng sẽ phải chi ra tổng cộng trên 2.051 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại của ngân hàng tính đến cuối năm 2018 còn 7.907 tỷ đồng. Cổ tức năm 2019 được đề xuất không thấp hơn so với mức chi trả hiện tại của năm 2018.
Đây là một thách thức của BIDV nói riêng và ngân hàng có vốn nhà nước nói chung, bởi việc chi trả cổ tức theo hình thức nào phụ thuộc rất lớn vào cổ đông lớn Nhà nước. Còn nhớ năm 2016, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu BIDV và Vietinbank phải chi trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu như kế hoạch đề ra của HĐQT. Theo đó, năm 2015 BIDV đạt lợi nhuận trước thuế là 7.036 tỷ đồng và kế hoạch trả cổ tức là 8,5% . Với tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại BIDV là 95%, năm 2016 ngân hàng này đã phải chi hơn 2.678 tỷ đồng để trả tiền cổ tức cho Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, hồi đầu năm, Chính phủ đã họp và yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với NHNN và Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn để tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng đủ vốn theo chuẩn mực vốn của Basel II theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với khả năng này, có thể BIDV nói riêng, Vietinbank và Vietcombank không còn bị lo Bộ Tài chính đòi cổ tức bằng tiền mặt nữa.
Đăng nhận xét