Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà giúp bé nhanh khỏi

Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh do virus gây ra. Các triệu chứng bệnh bao gồm loét miệng hoặc phát ban trên bàn tay bàn chân hoặc mông. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh nhưng bệnh thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi. Nếu chăm sóc đúng cách thì bệnh sẽ không gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Sau đây là hướng dẫn giúp bố mẹ điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà hiệu quả cho bé.

1. Dấu hiệu bệnh tay chân miệng

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh tay chân miệng có thể bao gồm sốt và đau họng. Mẹ cũng có thể thấy các vết loét xuất hiện bên trong miệng hoặc trên lưỡi của bé.

cach dieu tri benh tay chan mieng tai nha giup be nhanh khoi - 1

Bé bị phát ban trên lòng bàn chân là dấu hiệu của tay chân miệng. (Ảnh minh họa)

Bé cũng có thể bị phát ban trên lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân một hoặc hai ngày sau khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Phát ban này có thể đóng thành vảy. Các nốt phát ban có thể xuất hiện trên đầu gối, khuỷu tay hoặc mông bé. Các triệu chứng này có thể xuất hiện đồng loạt hoặc cũng có thể chỉ xuất hiện một hoặc hai triệu chứng.

Khi bị tay chân miệng bé sẽ thường bị đau miệng, khó nuốt thức ăn. Vì vậy khi bé có dấu hiệu ăn uống khó khăn mẹ nên kiểm tra kĩ lưỡng xem bé có mắc bệnh không. Điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà càng sớm thì càng giúp bé nhanh khỏi bệnh.

2. Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là một bệnh do virus đường ruột họ Picornaviridae gây ra. Các loại virus gây bệnh tay chân miệng phổ biến nhất Coxsackie A và virus Enterovirus 71 (EV-71).

Bé có thể mắc bệnh do tiếp xúc với người đang nhiễm bệnh hoặc do chạm vào những đồ vật có virus như đồ chơi, bàn làm việc, hoặc nắm cửa. Bệnh có xu hướng lan rộng nhanh chóng vào mùa hè và mùa thu.

3. Cách điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà hiệu quả

Điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà đúng cách sẽ giúp cho bé hồi phục và khỏi bệnh nhanh chóng. Thông thường bệnh sẽ biến mất sau 7 đến 10 ngày. Bệnh không có thuốc đặc trị hoặc vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, mẹ có thể làm dịu các triệu chứng của con bằng các cách sau:

- Khi bé bị bệnh mẹ nên cách ly bé ở trong phòng riêng để hạn chế dịch lây lan.

cach dieu tri benh tay chan mieng tai nha giup be nhanh khoi - 2

Giữ vệ sinh sạch sẽ giúp bé nhanh khỏi bệnh. (Ảnh minh họa)

- Để điều trị tay chân miệng tại nhà hiệu quả thì mẹ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho bé.  Mẹ cần tắm rửa mỗi ngày cho bé. Khuyến khích bé rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa việc tái nhiễm bệnh. Các đồ dùng của bé như đồ chơi, chăn gối, màn… cần được giặt giũ và sát khuẩn đúng cách.

- Mẹ cần đảm bảo bé uống nước đầy đủ để ngăn ngừa mất nước. Đồ uống mát, lỏng như sữa chua, sinh tố có khả năng làm dịu đau họng. Mẹ nên tránh cho bé ăn uống các đồ cay, nóng, có tính axit cao vì sẽ khiến bé khó chịu. Nếu bé mất nước nặng hoặc không ăn uống được thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để truyền nước.

- Chế độ dinh dưỡng khi điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà cần đảm bảo đủ chất để giúp bé tăng cường sức đề kháng. Các bữa ăn nên được chia nhỏ và không nên ép bé ăn.

- Đồ dùng ăn uống cho bé như bình sữa, bát đĩa, thìa, đũa cần được khử trùng nước sôi và sử dụng riêng cho mỗi bé.

- Mẹ không nên châm chích vào các mụn nước vì có thể gây nhiễm trùng nguy hiểm đến tính mạng.

Trên đây là cách điều trị bệnh tay chân miệng cho bé tại nhà trong trường hợp trẻ bị nhẹ. Tuy nhiên, khi thấy con mắc tay chân miệng kèm những biểu hiện dưới đây cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám và điều trị chính xác nhất:

- Trong trường hợp sốt hơn 38 độ C với trẻ dưới 3 tháng tuổi và cao hơn 39 độ C với trẻ dưới 6 tháng

- Bé không hạ sốt sau 2 ngày mắc bệnh

- Bé bị mất nước nhưng không uống nước

Theo Bs. Trần Thị Hạnh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Cụ thể:

- Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.

- Thuốc men: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.

- Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành.

Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

- Theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virut có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.

Theo Lê Ánh (Dịch từ Webmd) (Khám phá)

Let's block ads! (Why?)