Những triệu chứng không thể giải thích
Năm 2016, bà Joanie Simpson (62 tuổi, đến từ Texas, Mỹ) được đưa đến Bệnh viện Memorial Hermann ở Houston trên một chiếc trực thăng vì buộc phải nhập viện khẩn cấp.
Theo hồ sơ y tế, bà thường xuyên cảm thấy ngực đau nhói và không thể thở được. Tất cả mọi triệu chứng ban đầu khiến các bác sĩ nhận định bà đang có dấu hiệu của một cơn suy tim cực kỳ nguy hiểm và đã được đưa tới phòng chẩn đoán nhịp tim.
Bằng phương pháp điện tâm đồ ECG, các bác sỹ nghĩ rằng họ sẽ xác định được phần động mạch bị tắc nghẽn, tuy nhiên kết quả lại cho thấy một điều gì đó khác biệt, Tiến sĩ Abhishek Maiti, người điều trị cho Simpson, nói.
“Động mạch không có bất thường. Chúng tôi đã kiểm tra đi kiểm tra lại rất kỹ nhưng đều cho ra những kết quả tương tự”. Như vậy, qua các xét nghiệm, giả thuyết về một cơn đau tim đã bị bác bỏ.
Mọi việc trở nên bế tắc khi mà thậm chí còn không xác định chính xác được căn bệnh mà bà Simpson mắc phải.
Tuy nhiên, sau khi xem xét mọi yếu tố, các bác sĩ bỗng chú ý tới chi tiết bà Simpson buộc phải nhập viện chỉ 4 ngày sau cái chết của con chó 8 tuổi tên là Meja.
Joanie Simpson là một người cực kỳ yêu thương động vật. Tuy nhiên, bà dành cho Meja – con chó giống Yorkshire Terrier của mình một tình yêu đặc biệt. Nhưng rồi Meja chết đột ngột vì chứng suy tim. "Tôi gần như không thể chịu đựng nổi. Tôi coi Meja như con mình”, Simpson nói. Và rồi mọi chuyện bắt đầu trở nên kỳ lạ.
Bà Joanie Simpson từng mắc phải hội chứng “trái tim tan vỡ” sau khi con chó của mình qua đời.
Cuối cùng, các bác sĩ đã đưa ra một kết luận bất ngờ. Thực chất, bà Joanie Simpson mắc phải hội chứng "trái tim tan vỡ" (broken heart syndrome - BHS) còn gọi là hội chứng Takotsubo.
Sự thật về “trái tim tan vỡ”
Vào những năm 1990, các bác sĩ Nhật Bản là những người đầu tiên xác định BHS trên các bệnh nhân xuất hiện cơn đau tim. Họ không có những biểu hiện của tắc động mạch – nguyên nhân thường liên quan tới cơn đau ngực – và họ hồi phục nhanh cũng như dễ dàng hơn những người khác rất nhiều.
Cụ thể hơn, các bác sĩ nhận thấy tâm thất trái của họ phình như quả bóng, trông giống như cái takotsubo (chiếc rọ để bắt mực), khiến tim phải chịu một áp lực lớn.
Tuy nhiên, thời điểm đó, các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân của triệu chứng này, khiến nó trở thành căn bệnh kỳ lạ suốt nhiều năm.
Năm 2005, 2 nghiên cứu về bệnh lý cơ tim takotsubo đã liên kết những kiểu đau tim này với tình trạng cực điểm của đau buồn, lo lắng và stress.
Theo đó, hội chứng sẽ kích hoạt một lượng lớn adrenaline đến cơ tim. Lượng hormone này sẽ khiến khoang bơm phía đáy tim bị sốc, làm nó ngừng lại, trong khi khoang bơm phía trên lại hoạt động mạnh hơn. Lúc này, hình dạng quả tim trông giống như quả bóng bay vậy, và hệ quả có thể là đau ngực, khó thở, đột quỵ, đau tim... Hay nói cách khác, nó mô phỏng triệu chứng của một cơn đau tim.
BHS thực ra rất hiếm gặp, người ta chỉ quan sát được trên 1% đến 2% số bệnh nhân có làm các xét nghiệm kiểm tra tim mạch.
Một khi được chẩn đoán đúng, người bệnh sẽ hồi phục rất nhanh chóng – đôi khi với sự hỗ trợ của aspirin và một số thuốc bình thường khác để điều hòa tuần hoàn máu – trong khoảng 1 tuần.
Chứng bệnh này thường xuất hiện ở những người trên 40 tuổi sau khi trải qua những cảm xúc mang tính chất thay đổi cực độ. Chỉ có điều, y học vẫn chưa nghiên cứu được, tại sao trái tim phụ nữ dễ “tan vỡ” hơn trái tim của đàn ông.
Điều đáng sợ ở hội chứng này là nó rất khó xác định bởi các triệu chứng giống hệt như một cơn đau tim và hậu quả để lại cũng gần như tương tự.
Với trường hợp của bà Simpson, may mắn là bà đã được xác định và điều trị đúng bệnh nên đã hồi phục chỉ sau 2 ngày nằm viện. Giờ đây bà đang sống khỏe mạnh cùng chồng và những chú mèo của mình.
Đăng nhận xét