Thái độ, cử chỉ, cách ăn uống trong bữa ăn là rất quan trọng, nó thể hiện văn hóa, trình độ của mỗi người. Vì vậy, chẳng phải ngẫu nhiên cha ông ta có câu: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” để nhắc nhở mọi người cách ăn uống để mọi người có ấn tượng tốt.
Dưới đây là một số lưu ý trong bữa ăn chúng ta nên tham khảo.
Đợi tất cả mọi người ngồi xuống bàn và được phục vụ xong thì mới bắt đầu ăn thức ăn của mình
Điều này được cho là một trong những phép lịch sự tối thiểu khi vào bàn tiệc. Bởi việc bạn ăn trước sẽ khiến những người xung quanh cảm thấy bạn tham ăn, không được tôn trọng, thậm chí có cảm giác họ đang ăn thừa thức ăn của bạn vậy.
Chú ý tư thế trên bàn ăn
Thực tế cho thấy, nếu trong bữa ăn, bạn chỉ chúi đầu vào ăn hoặc gắp thức ăn liên tục sẽ khiến mọi người khó chịu. Các chuyên gia cho rằng tư thế chuẩn trong một bữa ăn là giữ cho lưng thẳng, tay đặt trên bàn, đầu giữ ngang tầm mắt.
Ngoài ra, nếu bạn cần một cái gì đó trên bàn, đừng cố vươn tay hay nhoài người ra lấy. Hãy nhờ những người gần chỗ đó lấy giúp bạn.
Không trò chuyện khi trong miệng vẫn còn đầy thức ăn
Đây là phép lịch sự tối thiểu trên bàn ăn. Nguyên tắc cơ bản khi ăn đó là bạn phải nhai kín miệng và đừng vừa ăn vừa nói. Không ai muốn nghe những âm thanh nhồm nhoàm mà bạn phát ra trong bữa ăn cả, chưa kể nó có thể còn khiến bạn nghẹn vì vừa ăn vừa nói.
Luôn dùng dao dĩa theo thứ tự từ ngoài vào, lần lượt từ bộ xa nhất trước
Đó là bởi mỗi món ăn đều có một loại dụng cụ riêng, thức ăn sẽ được đưa lên theo đúng thứ tự như cách sắp xếp dao dĩa.
Không sử dụng điện thoại và các vật dụng không liên quan trên bàn ăn
Bạn không nên dùng điện thoại nhắn tin, lướt facebook gây khó chịu cho người đối diện hoặc để ví tiền, chìa khóa xe, nhiều vật dụng… nên bàn ăn gây chú ý, làm phân tán mọi người xung quanh.
Không chép miệng, gây tiếng động khi ăn
Nếu đang trong bữa ăn, việc bạn chép miệng sẽ khiến người ta hiểu rằng bạn không hài lòng về các món ăn, hoặc khó chịu với cách phục vụ. Khi ăn phát ra tiếng cũng không lịch sự chút nào.
Không bới đồ ăn
Nhiều người có thói quen bới đồ ăn, lựa chọn những miếng ngon cho mình. Đây là thói quen rất xấu, khiến người khác khó chịu. Do vậy bạn nên từ bỏ ngay thói quen này nếu không muốn người khác nói thẳng vào mặt.
Nếm thử thức ăn trước khi bạn cho thêm muối và hạt tiêu
Việc nếm thử này sẽ giúp bạn cảm nhận được trọn vẹn hương vị của món ăn một cách rõ nét nhất. Đây được coi như một lời cảm ơn đến người đầu bếp đã làm ra nó. Sau đó, tùy theo sở thích mà bạn có thể thêm chút gia vị cho món ăn của mình.
Hiểu rõ cách đặt các loại dao, dĩa mang những "thông điệp" gì
Dao dĩa (nĩa) cũng có ngôn ngữ riêng. Nếu bạn muốn "giải lao" trong khi ăn thì đặt dao nĩa chéo nhau theo hình chữ X lên đĩa của mình, lưỡi dao hướng vào phía trong lòng đĩa.
Khi đã dùng xong bữa, muốn nói "xin hãy dọn đi", bạn đặt dao nĩa song song với nhau theo chiều dọc, cán dao và dĩa hướng về phía mình. Đầu nĩa úp xuống mặt đĩa.
Không nên gõ hay xếp chéo hai chiếc đũa
Đũa là dùng để gắp thức ăn bởi vậy bạn không nên sử dụng vào mục đích khác hay nghịch ngợm chúng.
Đặc biệt khi ăn với người Nhật Bản, bạn không nên xếp chéo hai chiếc đũa lên nhau hay đấu đầu chúng bởi họ tin, đây là điềm báo vận rủi và liên tưởng đến các hung khí trong tang lễ.
Không gác đũa ngang miệng bát
Với nhiều người, việc gác đũa ngang miệng bát là thói quen bình thường nhưng tại Nhật điều này được cho là sai quy tắc ăn uống và thiếu lịch sự. Nếu muốn đặt đũa xuống, bạn hãy đặt chúng lên những chiếc gác đũa.
Trong trường hợp không có gác đũa, bạn có thể gác lên chiếc khay hay một vật nào đó tương tự có trên bàn ăn.
Không nên cắm thẳng đứng đôi đũa vào bát cơm
Đối với người Việt ta, đây là hành động kiêng kỵ vì nó chỉ dành cho người đã mất. Với người Nhật, đây cũng được coi là một hành động vô cùng khiếm nhã, tối kỵ bởi với người Nhật nó mang biểu tượng của sự chết chóc, xui xẻo, không may mắn.
Lưu ý khi xới cơm
Người Việt mình ăn cơm thường rất hay để ý việc xới cơm. Khi xới cơm, bạn cần lưu ý mở nồi cơm, dùng đũa bếp hoặc muôi đánh đều cho tơi cơm ra. Sau đó xới cơm vào chén. Tuy nhiên, bạn cần tránh xới một muôi cơm. Bởi theo quan niệm người Việt, xới 1 muôi cơm chỉ làm khi xới cơm cúng người chết và cũng không nên xới đầy bát, chỉ nên khoảng 2/3 chén là được.
Ngoài ra, bạn cũng đừng bao giờ kiểm tra lại lớp trang điểm, tô son ở bàn ăn. Việc nhoài người lấy thức ăn cũng là bất lịch sự.
Đăng nhận xét