Những lời quảng cáo “có cánh”
Kem trắng da chống nắng, chống thâm, se khít lỗ chân lông, bảo vệ da Ốc sên sữa dê Q10 của Cty TNHH MTV sản xuất thương mại mỹ phẩm Lê Hoàng Hà My (Củ Chi, TP.HCM) bán với giá 99.500đ với những lời giới thiệu “có cánh” như: “Được chiết xuất từ nhớt của ốc sên, sữa dê, bột ngọc trai cùng các loại vitamin A, E, C… giúp loại bỏ các tế bào đen, sạm, nám do nắng, làn da bị thâm, se khít lỗ chân lông”.
Kem dưỡng trắng da phai vết nám White Skin của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Mỹ Viện (Q.10, TP.HCM) bán với giá 82.000đ khẳng định “chuyên trị các vấn đề về nám” và có hiệu quả sau 7 ngày sử dụng.
Thành phần của kem trắng da chống nắng, chống thâm, se khít lỗ chân lông, bảo vệ da Ốc sên sữa dê Q10 có chứa các chất có hại cho da
Kem ngăn ngừa mụn, nám và tái tạo da Eslite Cream 3 in 1 của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nguyễn Quách (Bình Tân, TP.HCM) có giá 122.000đ khẳng định “là loại kem giàu dưỡng chất bồi bổ và nuôi dưỡng da… Tái tạo da bị hư đen do nám, do dùng mỹ phẩm hoặc da sạm đen khô mốc, sần sùi, nám nắng. Hiệu quả sau 5 ngày sử dụng”.
Kem dưỡng trắng da, cân bằng da lão hóa, ngừa mụn nám, da dị ứng Sứ Tiên của Công ty TNHH sản xuất mỹ phẩm Anh Đào (Vĩnh Bảo, TP Rạch Giá) giá 175.000đ “loại bỏ tế bào sần sùi, giúp da có độ ẩm săn chắc, khống chế vết nâu, tàn nhang, tái tạo tế bào mới non trẻ, sáng mịn” với lời cam kết “chất lượng kết quả 99%”.
Trong kem White skin có salicylic acid mà không nêu rõ liều lượng
Bên trong chứa chất "lạ" bác sĩ da liễu cũng bất ngờ
Ngay trên bao bì các sản phẩm này, có không ít loại kem giới thiệu thành phần bao gồm cả salicylic acid (chất tẩy trắng da, chỉ được phép sử dụng dưới ngưỡng 0,5%), paraffinum liquidum (có tác dụng làm mềm da nhưng có thể gây bít lỗ chân lông, tạo mụn và nguy hiểm hơn là gây ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản)…
Giới hạn sử dụng Salicylic acid được nằm trong danh mục này của Cục quản lý dược. Chất tẩy trắng da, chỉ được phép sử dụng dưới ngưỡng 0,5%
Theo PGS. Lê Ngọc Diệp (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), còn có nhiều chất có hại khác trong mỹ phẩm. Cụ thể, mineral oil (cũng được biết đến với các tên dạng biến thể như: petrolatum/paraffinum liquidum/paraffin oil), chất này có tác dụng làm mềm da. Nhưng lại có tác hại, ngăn cản sự bài tiết của da, làm bít lỗ chân lông, gây mụn.
Nguy hiểm hơn, chất này được khuyến cáo có khả năng gây ung thư và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Và đặc biệt, kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP.HCM cho thấy các loại kem này đều có chứa chất ketoconazol.
PGS Nguyễn Duy Hưng – Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, ketoconazole là hoạt chất để điều trị nấm. Hiện nay, hoạt chất này bị cấm sử dụng cho đường uống mà chỉ sử dụng trong điều trị bôi ngoài da.
Việc bôi ngoài da cũng phải kiểm soát kỹ. Hoạt chất ketoconazol để điều trị các bệnh nấm, viêm tiết bã nhờn viêm da dầu. Tuy nhiên, hoạt chất này có thể độc cho gan vì thế không nên dùng cho những người đã bị bệnh gan.
Biến chứng ở gan thường gặp nhiều hơn ở người cao tuổi, phụ nữ, người nghiện rượu hoặc bị suy chức năng gan do những nguyên nhân khác. Vì ketoconazol cũng có khả năng ức chế quá trình tổng hợp các steroid và chuyển hóa vitamin D, do đó khi điều trị kéo dài ở trẻ em nên hết sức thận trọng.
Dùng ketoconazol kéo dài nhằm dự phòng các bệnh nấm cho những người suy giảm miễn dịch có thể gây ra những thay đổi hormon nghiêm trọng. Nhưng khi dùng bác sĩ khuyến cáo không nên bôi gần mắt, không dùng cho trẻ em dưới 3 tuổi.
Nếu sử dụng kem bôi da có chứa ketoconazol có thể gây viêm nang lông, gây rụng tóc, mụn mủ, ngứa khô da, mề đay, gây đổi màu tóc…
Với hàng loạt chống chỉ định trên, PGS Hưng cho biết không nên sử dụng các loại kem có chứa hoạt chất này vì nếu không có sự kiểm soát của bác sĩ, bệnh nhân có thể bị độc vì dù là kem bôi da nhưng nó có thể thẩm thấu vào các mao mạch ảnh hưởng tới sức khỏe của mỗi người. Đặc biệt, hoạt chất này người ta không để ý.
PGS Hưng nghi vấn các nhà sản xuất mỹ phẩm cho hoạt chất này vào kem dưỡng da có thể vì tính chất điều trị viêm da dầu của nó. Nhưng dùng ở bất kỳ trường hợp nào thì bác sĩ cũng phải kiểm soát rất chặt chẽ để theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Đăng nhận xét