Sandy (Bích Ngọc) đồng tác giả và là nhân vật chính trong cuốn tự truyện 'Cát hay là Ngọc', người có quá khứ 10 năm trời bị lạm dụng bởi chính người thân đã có những chia sẻ đầy cảm động với chúng tôi về hành trình tự mình vượt qua nỗi đau đó.
Cuốn sách do nhà báo Hòa Bình và Cỏ (Nguyên Thảo) cùng chấp bút kể về câu chuyện của cô bé Sandy (Bích Ngọc) mang trong mình vết thương tâm hồn rất lớn, nhưng nhờ vào sự nỗ lực hết mình của bản thân, cô đã vượt qua được. Khi cuốn tự truyện được xuất bản, nhiều người đã thực sự sốc với nỗi đau và căm hận những người vô tình, cố ý gây ra nỗi đau đó cho Sandy.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc NXB của cuốn tự truyện cho biết vô cùng cảm phục Sandy – Bích Ngọc khi dám dũng cảm nói lên sự thật cuộc sống khổ đau vật vã mà cô đã phải chịu đựng trong quá khứ.
Từ trái qua: Nhà báo Hòa Bình, Sandy và Cỏ (Nguyên Thảo)
Chưa từng có một giấc ngủ ngon
Nói về nỗi đau của mình Sandy cho biết: “Bản thân tôi chưa từng có một giấc ngủ ngon bởi vết thương đớn đau luôn nhức nhối trong lòng. Sợ hãi, nghi ngờ với tất cả mọi người làm cho tôi trở nên khó hiểu, và hệ quả của việc bị lạm dụng đối với bất cứ ai không chỉ là tủi nhục cay đắng mà còn là hàng chuỗi những sai lầm tiếp nối, đẩy cuộc sống của những con người vốn dĩ đã rất thấp lại tiếp tục lún sâu xuống bùn lầy”.
Nhưng Sandy nghĩ rằng đã sống ở trên đời chắc chắn ai cũng có bi kịch của mình, có dám nói ra hay không thôi. Sandy đã chọn cách nói ra để đi qua đồng thời đóng lại cánh cửa quá khứ. Đau một lần rồi thôi. Nếu không nói ra, giữ lại trong lòng cũng chỉ là ung nhọt và tủi hổ. Nói ra được rồi Sandy được thanh thản, nhẹ nhõm hơn.
Sandy chia sẻ: “Ánh sáng và ảnh hưởng của chữ “Thiện” đối với tôi rất mạnh. Tôi nghĩ thiện tính là có thật, và nó luôn tồn tại kể cả khi có nhiều người cố tình làm ác hoặc cố tình không nhận ra có thiện ở trên đời. Có lẽ chính những điều thiện đã nâng đỡ tôi, khiến tôi phải hướng tới. Tôi luôn tin vào điểm tốt trong mỗi con người để có thể làm việc, hợp tác hay học hỏi điều gì đó từ người khác”.
Trả lời cho thắc mắc của nhiều người rằng tại sao đến tận bây giờ, sau một thời gian dài bị lạm dụng mới nói ra sự thật, Sandy giải thích: “Ung nhọt cũng phải đến một ngày nào đó mới vỡ ra. Những chuyện như thế này có dễ để chia sẻ với bạn bè, người thân? Tôi từng biết rất nhiều bạn trẻ khác thậm chí bị chính bố đẻ lạm dụng, họ đâu có thể nói ra với mẹ? Hay với bạn bè? Còn mẹ tôi, sau này nghĩ lại tôi rất thương bà, nhưng chính bà từng muốn bán tôi vào nhà chứa chỉ vì cần tiền. Vậy tôi có thể kể lại với ai?
Hay như chính dòng tự sự của Sandy trong chương đầu Cát hay là Ngọc: “Câu chuyện cũ, chỉ là chuyện cũ, nhưng nó vẫn là khối ung thư. Thôi thà đau đớn một lần cắt bỏ cho xong. Nếu không, em biết chắc chắn, nó vẫn còn sống, dai dẳng, và di căn lên não, ngấm vào xương tuỷ. Em không muốn hít thở không khí bệnh tật đó cả đời. Em cần khoẻ mạnh, và tự do. Làm một người bình thường. Chỉ một người bình thường như mọi người”.
Đối với những người đã kéo mình “xuống bùn lầy”, Sandy cho biết: “ Tôi vẫn đang học cách kết nối với từng thành viên của gia đình lớn. Đã có nhiều lúc tôi mất lòng tin nên cả hai bên phải cùng nhau tìm lại mới có kết quả. Ngay cả mẹ, người đã từng có lúc nghĩ sai hoặc hành xử sai với tôi, giờ này nghĩ lại, tôi đã biết thương bà, thậm chí thương đến thắt lòng.
Tôi nhớ lại cuộc đời mẹ hầu như chưa bao giờ được hưởng sự may mắn, niềm vui, những nụ cười. Ngược lại, bà cũng chịu quá nhiều mất mát, đau đớn, bất hạnh. Tình cảm đẹp đẽ đầu đời với bố tôi đã sớm tan vỡ do ông chết trước khi kịp cưới xin. Thế nên mẹ tôi mang tiếng "chửa hoang", bị làng xóm kỳ thị, sau đó bà đi bước nữa cũng vô cùng khó khăn.
Với một người phụ nữ ở vùng quê, gặp phải từng ấy chuyện không may trong cuộc đời, có thêm một chuyện là đối xử với tôi như thế có thể cũng là chuyện bình thường. Dẫu sao, bà là người đã sinh ra tôi, trong một tình yêu tuyệt vọng. Cái tên mà tôi mang, chính là bố tôi đặt cho tôi, ý của ông, đó là kỷ niệm đẹp đẽ quý giá về tình cảm của hai người”.
Sandy và team từ thiện của Amaxzing Home
Mặc dù đã vượt lên nỗi đau nhưng khởi đầu tay trắng khiến Sandy gặp không ít khó khăn. Đối mặt với điều đó, Sandy chỉ có một nguyên tắc là phải tự đi bằng đôi chân của mình. Sandy tự nhủ rằng cứ kiên trì đi, rồi sẽ tới cái đích mình mong muốn.
Vì mỗi người sinh ra đều có một sứ mệnh
Hồi sinh từ những nỗi đau vùi dập cuộc đời, Sandy chia sẻ về kế hoạch sắp tới của mình: “Tôi nghĩ không thể có một biên giới nào là đủ cho kiến thức, thế nên, một cái bằng trung cấp chẳng nhiều nhặn gì. Nó hầu như chưa giúp được tôi trong cuộc sống ngoài một chút kinh nghiệm quản trị kinh doanh. Và tôi vẫn cứ khao khát được học”.
Cho tới bây giờ, Sandy vẫn ao ước giá như được đi học đại học. Chính vì vậy, cùng với suy nghĩ rằng mọi khởi đầu chắc không bao giờ muộn, nên Sandy không loại trừ viễn cảnh một ngày nào đó cô sẽ thực sự nhập học hệ đại học dài hạn ở một ngôi trường nào đó.
Sandy tâm sự: “Tôi nghe nói hình như ở nhiều nước trên thế giới có những người phụ nữ đã hy sinh gần hết cả đời cho con cái, gia đình, và đến khi cô ấy đã rất già mới có thời gian đi học. Sau ngày lễ tốt nghiệp và nhận xong tấm bằng đại học, mấy hôm sau cả thị trấn đã dự lễ tang của cô ấy. So với những người ham học đến thế, chắc tôi mới chỉ bị chút khó khăn của hoàn cảnh xô đẩy. Vì vậy, hồi sang Thái sinh sống, tôi đã tự học tiếng Anh. Mới đây, tôi vừa nhận tấm bằng tốt nghiệp khoá đào tạo ngắn hạn hai tuần của một học viện quốc tế tại Philippin. Từ khá lâu, tôi đã tự mình rèn kỹ năng "săn" học bổng với hy vọng sẽ may mắn đến được cánh cửa trường đại học của đất nước nào đó sẵn sàng với tôi”.
Ban đầu khi cuộc sống của Sandy còn rất nhiều khó khăn, cô đã được các anh chị lớn hơn rủ đi làm từ thiện. Trong những lần đi làm từ thiện đó, cô gặp nhiều cảnh đời bi đát như các em bé tật nguyền không có sức lao động, hoặc bé bị nhiễm HIV và bị cha mẹ bỏ rơi,... Sandy biết rằng mình vẫn còn rất may mắn khi đủ tay đủ chân, đủ trí thông minh để có thể học tập và làm việc. Sandy cho rằng, những bài học lớn nhất lại đến từ những điều tưởng chừng bình dị và nhỏ nhặt nhất. Bản thân Sandy chưa bao giờ đủ tiền để làm từ thiện theo "kiểu nhà giàu" nhưng cô tâm niệm tất cả các ngày sinh nhật sẽ đi phát cơm, đi tham gia hoạt động xã hội thay vì tổ chức tiệc tùng. Cho đến hiện tại, Sandy vẫn luôn cố gắng tham gia tất cả các hoạt động thiện nguyện phù hợp, bởi thiện nguyện dạy cho cô nhiều bài học về tình người, sự sẻ chia, và cho đi yêu thương.
Từ câu chuyện của mình, Sandy cho rằng, mỗi con người đã được sinh ra trên đời chắc chắn mang một sứ mệnh, vì vậy hãy tìm ra sứ mệnh của mình và đi tới bằng tất cả sự kiên trì và nỗ lực. Nếu không được học ở nhà trường thì học trên đường đời. Nếu không biết trân trọng những nét đẹp quý giá của bản thân, tự mình sẽ đày mình vào ngục tối.
Sandy lạc quan của ngày hôm nay
Đối với các bạn trẻ, Sandy muốn gửi tới thông điệp: “Xuất phát điểm không có gì, nhưng tôi vẫn dám ước mơ, vậy các bạn thì sao? Chắc không khó khăn nào lớn bằng vượt qua chính mình. Hơn nữa cũng không có gia tài nào lớn bằng chính bản thân chúng ta đã được sinh ra trên đời.
Với các em gái không may bị gặp phải hoàn cảnh bi đát, bị lạm dụng, hãy dũng cảm nói ra thay vì đóng chặt cánh cửa lòng mình. Tôi vừa tới thăm Ngôi nhà Bình yên ở Hà Nội, nơi cưu mang và tổ chức lớp học đặc biệt cho các em gái như vậy. Sau khi giao lưu với tôi, mẹ các em rất xúc động đến cảm ơn vì họ thấy các bé đã hào hứng nói ra với tôi. Họ kể trước đó, các em ấy chỉ chìm vào thế giới của riêng mình. Tai nạn bất ngờ, bị người khác hãm hại là điều không ai muốn, vậy phải nhìn thẳng vào sự không may đó và đi qua nó, đừng sợ”.
Eva tám là nơi chị em tâm sự, chia sẻ những câu chuyện, những vấn đề khúc mắc về hôn nhân, gia đình, cuộc sống, kinh nghiệm kinh doanh, làm giàu. Hãy gửi tâm sự về địa chỉ chiase@khampha.vn để nhận được những góp ý cũng như những ‘cao kiến’ chân thành của chị em. Bài viết của các bạn sẽ được chọn đăng trên chuyên mục nếu phù hợp quy chuẩn nội dung và sẽ được bảo mật thông tin cá nhân. |
Đăng nhận xét