"Đừng nói chuyện với cô ấy": Bí ẩn đáng sợ về tâm lý con người

Với 120 công ty sách và điện ảnh tranh giành mua bản quyền, những năm gần đây Đừng nói chuyện với cô ấy nổi lên như một hiện tượng vô tiền khoáng hậu trong dòng sách trinh thám tâm lý tội phạm của Trung Quốc. Lần đầu tiên được đăng tải trên mạng dưới cái tên Ám thị, tác phẩm đã ngay lập tức tạo nên hiệu ứng mạnh chưa từng thấy và thu hút sự quan với hơn 20 triệu lượt theo dõi. Vì sao tác phẩm trinh thám của Ngộ Cẩn - một cây bút còn rất trẻ (sinh năm 1985) lại có sức hút khủng khiếp đến vậy? 

Bìa gốc xuất bản bên Trung của "Đừng nói chuyện với cô ấy"

Hé mở bức màn bí ẩn của tâm lý con người

Kể từ khoảnh khắc Hans Lippershey phát minh ra chiếc kính viễn vọng đầu tiên, loài người đã tiến xa thêm một bước trên con đường khám phá vũ trụ. Nhưng có một thế giới siêu vi cũng phức tạp và bí ẩn không kém những thiên hà kỳ vĩ trên bầu trời: đó chính là thế giới nội tâm của chúng ta. Thế giới tâm lý phức tạp và tinh vi ấy đã trở thành nguồn cảm hứng để Ngộ Cẩn sáng tác nên Đừng nói chuyện với cô ấy.

Thông qua các cuộc gặp gỡ giữa nhà báo phụ trách mảng tâm lý học tội phạm - Trương Nhất Tân và một “bệnh nhân tâm thần nguy hiểm nhất” - Diệp Thu Vi, tác phẩm đã vén mở bức màn bí ẩn của tâm lý con người một cách đầy khéo léo và hấp dẫn. 

Đừng nói chuyện với cô ấy được xây dựng dựa trên các tri thức nền tảng của tâm lý học. Các khái niệm thuộc lĩnh vực tâm lý như bản năng, bản ngã, siêu ngã, sự khác biệt giữa ý thức và tiềm thức, quan hệ nhân quả giữa bản năng và bản năng tính dục, v.v.. được tác giả giải thích một cách gọn gàng và hấp dẫn. 

Đừng nói chuyện với cô ấy – một hiện tượng trong dòng tiểu thuyết điều tra phá án kinh dị

Nhưng không chỉ đưa ra các vấn đề tâm lý cơ bản, bằng cuốn sách của mình, Ngộ Cẩn còn tỉ mỉ trả lời cho độc giả câu hỏi: Các chuyên gia tâm lý có thể ảnh hưởng và khống chế ý thức của con người như thế nào? Có thể nói, nếu nhiệm vụ của tác phẩm là hé mở và kích thích trí tò mò của độc giả về những bí ẩn của tâm lý và sự đáng sợ một khi tâm lý ấy bị thao túng, thì Đừng nói chuyện với cô ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đó.  

Thay đổi nhận thức của độc giả về hành vi phạm tội

Mở đầu tiểu thuyết của mình bằng một dấu hỏi lớn: Tại sao Diệp Thu Vi – một phụ nữ nhỏ bé với vẻ ngoài “trói gà không chặt” lại là hung thủ có khả năng giết hơn hai mươi người trong ba năm mà không để lại bất kỳ một bằng chứng phạm tội gì, Ngộ Cẩn đã làm thay đổi nhận thức về hành vi phạm tội mà chúng ta vẫn hằng nghĩ. 

Phạm tội, có thể không cần đích thân ra tay; cao thủ tâm lí thực sự là chỉ cần vài lời nói, vài hành động là có thể thao túng khiến một người tự hủy đi sinh mạng của mình. Bản lĩnh siêu phàm kinh dị đó khiến người ta sợ hãi hơn cả những tên sát thủ hàng loạt biến thái hay những kẻ phạm tội có IQ cao, bởi vì người thực sự giết chết bạn, không phải là ai khác, mà chính là bạn. Trong những vụ án này, vũ khí là ngôn ngữ và hung thủ là nạn nhân, cảnh sát không có cách nào bắt giữ được kẻ thủ ác thực sự. 

Sách đã được phát hành trên toàn quốc

Nghệ thuật viết truyện tài hoa

Mặc dù là gương mặt mới trên văn đàn nhưng tác giả Ngộ Cẩn đã tạo được dấu ấn bởi tài năng hơn người của mình, chỉ mới bắt đầu khai bút mà đã có được tiếng vang lớn. Tài năng của Ngộ Cẩn nằm ở việc chuyển hóa và lồng ghép các hiểu biết sâu rộng của anh về Vật lý, Y học, Tâm lý học,… vô cùng khéo léo trong một cốt truyện logic, chặt chẽ và bất ngờ. Ngộ Cẩn không tham lam phô trương vốn kiến thức sâu rộng mà tiết chế và thể hiện vừa đủ, để Đừng nói chuyện với cô ấy vẫn là một cuốn tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn chứ không phải một cuốn sách Tâm lý đại cương.

Bên cạnh đó, các mâu thuẫn trong tiểu thuyết được tác giả xây dựng, phát triển và giải quyết một cách tài tình, khiến độc giả đi hết từ bất ngờ này đến sự ngạc nhiên khác. Để rồi khi khép lại trang cuối cũng là lúc, ai nấy đều nhận ra mình vừa thưởng thức xong một bữa tiệc tư duy. Đồng thời, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lý độc đáo của anh khiến các nhân vật hiện lên chân thực và vô cùng sống động.