Những câu chuyện tình yêu bên giường bệnh đẹp như trong cổ tích

1. Người đàn ông sẽ không bao giờ chịu chấp nhận gục ngã nếu không nói lời tạm biệt với người mà ông yêu thương nhất đời

Jim Minini, người đàn ông 58 tuổi đến từ tỉnh Ontario, Canada, vô thức nằm trên giường bệnh giữa căn phòng chằng chịt các thiết bị. Ông mắc căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Trong khoảnh khắc "gần đất xa trời" đó, nguyện ước duy nhất của ông là được chào tạm biệt vợ mình.

Khoảnh khắc định mệnh của Jim, khi ông chỉ còn có thể cầm cự vài giờ trước cái chết.

Cơ thể rệu rã với dáng vẻ mệt mỏi, việc phát ra tiếng gần như là quá sức với Jim. Giờ phút cận kề cái chết đến gần hơn và ông hiểu rõ điều đó. JIm chỉ có thể nguệch ngoạc trên trang giấy từ "mom", đủ để các con ông hiểu rằng ông muốn gặp người vợ của mình trước khi ra đi.

Bài liên quan: 

Và lúc đó, Jim không hề cô đơn khi căn phòng bên cạnh là nơi người vợ thân yêu của ông, bà Cindy đang nằm. Tuy nhiên, nghịch cảnh trớ trêu thay khi cả hai đều đang chiến đấu với bệnh tật trên giường bệnh. Cindy vừa trải qua một cơn đau tim khi nghe tin người chồng, người bạn đời 24 năm chung sống phải nhập viện vì căn bệnh ung thư quái ác.

Nỗi đau ập đến khi người vợ không kịp chào người chồng lần cuối mà chỉ thấy bàn tay lạnh ngắt của ông nắm lấy bàn tay mình. Có lẽ với Cindy, bàn tay đó vẫn ấm và chan chứa tình cảm như khi hai người cùng chung sống hạnh phúc dưới một mái nhà.

Chứng kiến khoảnh khắc xúc động đó của cha mẹ, Chris - con trai hai ông bà đã chụp lại bức hình. Với cậu, đó là khoảnh khắc đẹp nhất, cái kết đau buồn mà viên mãn nhất cho một chuyện tình đẹp.

"Có lẽ cha tôi sẽ còn lưu luyến, còn để bản thân mình chống chọi với căn bệnh nếu không gặp được mẹ. Ông sẽ không bao giờ chịu chấp nhận gục ngã nếu không nói lời tạm biệt với người mà ông yêu thương nhất đời".

2. Cặp vợ chồng ôm nhau qua đời sau 75 năm chung sống

Cụ bà Jeanette Toczko (96 tuổi) cùng chồng, cụ ông Alexander Toczko (95 tuổi), đến từ San Diego, California, Mỹ đã qua đời cách nhau vài tiếng khi 2 người cùng nằm trên giường và ôm nhau thật chặt. Bức ảnh chung cuối cùng của 2 ông bà được con cháu chụp lại hiện đang khiến hàng triệu người dùng mạng xúc động nghẹn ngào.

Do bị ngã nên cụ ông Toczko đã bị gãy xương và phải nằm liệt giường. Trong khi sức khỏe của ông Toczko ngày một giảm sút, sức khỏe của bà Toczko cũng chẳng thể khá hơn. Vào những ngày cuối đời, 2 ông bà vẫn luôn mong ước được ở bên nhau, nắm tay nhau thật chặt. Chính vì vậy, các nhân viên y tế đã đặt 2 giường bệnh cạnh nhau.

Sau một thời gian chống chọi với bệnh tật, 2 ông bà đã qua đời, chỉ cách nhau vài tiếng. Cảnh tượng cặp vợ chồng già ôm nhau, nắm tay nhau và cùng nhau bước chân sang thế giới bên kia đã khiến nhiều người liên tưởng tới cảnh tượng trong bộ phim The Notebook nổi tiếng.

3. Đôi vợ chồng 55 năm nắm tay nhau qua đời

Năm 2006, bà Ana Maria được chẩn đoán mắc chứng mất trí nhớ và ông Domingo được chuẩn đoán cùng bệnh không lâu sau. Ông bà được con trai cả, Freddie Chavez, chăm sóc tại nhà cho tới khi tình trạng của hai người xấu đi vào giữa tuần trước.

Ông bà Chavez nắm chặt tay nhau trong những giây phút cuối đời. Ảnh: USA Today

Trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời, gia đình Chavez đã đẩy giường của họ lại gần nhau và đặt hai bàn tay đang siết chặt lên một chiếc gối hình trái tim.

Bà Ana Maria qua đời trước vào buổi sáng, khi vẫn đang nắm chặt tay chồng. Ông Domingo ra đi sau đó vài giờ.

4. Cặp vợ chồng hơn 90 tuổi nắm chặt tay nhau trên giường bệnh

Hình ảnh cụ ông cố nắm chặt tay an ủi người vợ khi cả hai còn đang nằm trên giường bệnh trước sự sống và cái chết quá mong manh khiến nhiều người cảm động.

Cụ ông tên Đặng Văn Hy (sinh năm 1924) và cụ bà tên Trần Thị Thảo (sinh năm 1925), sống tại xã Vĩnh Chánh, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Theo lời kể của cô cháu ngoại Huỳnh Kim Thanh, thời xưa, cụ bà vốn là tiểu thư con một ông xã trưởng. Bà đem lòng yêu và chấp nhận về làm vợ cậu học trò nghèo là cụ ông bây giờ. Sống với nhau hơn 70 năm, hai ông bà đã có 6 mặt con: 5 trai và 1 gái.

Thời trẻ, cụ Hy và cụ Thảo đều tham gia cách mạng chống Pháp, kháng Mỹ. Sau đó, cụ ông về làm việc ở chính quyền địa phương. Khi đã về hưu, cụ ông vẫn hoạt động rất tích cực trong các hội khuyến học và hưu trí. Còn cụ bà chỉ ở nhà lo việc nội trợ.

Hơn 70 năm gắn bó, tới những năm tháng cuối đời, sức khoẻ cụ bà ngày càng yếu. Cụ bà dường như quên đi mọi thứ, nhưng điều duy nhất mà bà chưa bao giờ quên, đó là tên của ông!

Cụ Hy đã phải trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ một quả thận cách đây 6 năm. Hơn 1 tháng trước, cụ phải nhập viện Đa khoa trung tâm An Giang điều trị bệnh phổi và tiểu đường. Ông nằm viện được hơn 3 tuần thì bà cũng phải nhập viện do động mạch chủ phình. Trước đó, cụ bà không có bệnh gì nặng, chỉ là do tuổi cao sức yếu.

Huỳnh Kim Thanh kể: "Ngày nào ông nằm viện không gặp bà, ông cũng nói: "Ông nhớ bà lắm rồi! Con cháu hứa với ông lần này về để ông bà ở cùng nhà cho tiện. Ông vui lắm. Nào ngờ vài ngày sau bà cũng ra nằm viện. Gia đình xin cho ông bà nằm chung phòng. Mỗi lần tỉnh dậy ông đều gọi: Bà ơi, có cho bà ăn uống chưa? Bà thế nào?".

Những hình ảnh xúc động trong clip chính là khoảng thời gian hai ông bà cùng nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang. Nhưng ông bà chỉ ở chung trong viện được 2 đêm thì bà đi!

"Ông chết lặng đến mức không nói nên lời! Ông cứ nằm im đến khi mọi người đưa bà về! Chứng kiến những lời cuối cùng ông từ biệt bà, rằng ông xin lỗi bà, rằng "bà có theo tổ tiên cho đỡ đau thì bà đi, tới giờ phút thiêng liêng này mà tôi không tiễn bà được, bà thông cảm cho tôi nghe bà" mà mọi người không ai cầm được nước mắt", Huỳnh Kim Thanh xúc động.