Hội nghị thượng đỉnh giữa hai tổng thống diễn ra cùng tuần một con tàu chở ngũ cốc của Ukraine ra khơi. Đây là chuyến đầu tiên kể từ khi xung đột bắt đầu, theo thỏa thuận giữa các bên do Liên hợp quốc và Ankara thu xếp.
Chuyến thăm của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã được củng cố bởi thỏa thuận nối lại xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine và Nga, giảm bớt mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu.
Chuyến đi của ông Erdogan - chuyến đi thứ 8 của ông đến Nga kể từ đầu năm 2019 - diễn ra sau cuộc gặp ba bên với ông Putin và Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ở Tehran vào tháng trước.
Theo Ankara, các phát triển khu vực và toàn cầu, cũng như các mối quan hệ song phương sẽ nằm trong chương trình nghị sự.
Eyup Ersoy, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Đông, Đại học King's College London, cho biết: "Nhờ vai trò của mình trong thỏa thuận ngũ cốc, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành công trong việc định vị mình là đường dẫn ngoại giao của Nga đến với cộng đồng quốc tế. Sự tái cơ cấu ngoại giao này mang lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ và dự kiến sẽ hạn chế, ở một mức độ nào đó, sự phản kháng của Nga trước các chính sách và sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề".
Các nhà phân tích cho biết trọng tâm chính của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là sự đồng ý của Moscow - hoặc ít nhất là không phản đối - đối với một chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.
Nga, nước ủng hộ chính của Tổng thống Bashar al-Assad, kiểm soát phần lớn khu vực phía bắc Syria.
Erdogan đã nêu ra triển vọng về một chiến dịch chống lại các chiến binh người Kurd ở Syria vào tháng 5/2022.
"Chúng tôi quyết tâm tiêu diệt các nhóm xấu xa nhắm vào an ninh quốc gia của chúng tôi khỏi Syria", ông nhắc lại trong hội nghị thượng đỉnh Tehran hai tuần trước.
Tal Rifaat và Manbij, các thành phố phía tây sông Euphrates do Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) kiểm soát, có thể là mục tiêu.
Nhóm chiến binh Syria có liên hệ với Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), tổ chức đã tiến hành một cuộc nổi dậy vũ trang kéo dài 38 năm chống lại Thổ Nhĩ Kỳ. PKK được Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) coi là một nhóm "khủng bố".
Ankara đã tiến hành 4 chiến dịch xuyên biên giới vào Syria kể từ năm 2016 và kiểm soát đất liền ở phía bắc với mục tiêu đẩy lùi YPG và thiết lập một khu vực an ninh dài 30km. Một cuộc tấn công vào tháng 10/2019 vào phía đông bắc Syria chống lại YPG đã thu hút sự lên án rộng rãi của quốc tế.
Kerim Has, một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ có trụ sở tại Moscow cho biết: "Erdogan muốn bật đèn xanh cho một chiến dịch quân sự ở Syria. Như chúng ta đã thấy tại hội nghị thượng đỉnh Tehran, Iran và Nga đều phản đối hoạt động này nhưng tôi nghĩ Erdogan có thể thuyết phục được ông Putin. Ông Erdogan muốn khởi động chiến dịch trước cuộc bầu cử để có thể củng cố ít nhất một vài điểm phần trăm trong cuộc bỏ phiếu".
Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hai thập kỷ - lạm phát hàng năm đạt 79,6% vào 3/8 - và Erdogan sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 6 năm sau.
Điện Kremlin có thể giảm bớt sự bất ổn này, đặc biệt là thông qua nguồn cung khí đốt tự nhiên. Nga đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 45% nhu cầu khí đốt vào năm ngoái.
Emre Caliskan, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách Đối ngoại có trụ sở tại London, cho biết: "Thổ Nhĩ Kỳ muốn giữ nguồn cung năng lượng của Nga trong mùa đông, đồng thời duy trì hợp tác kinh tế để giảm bớt khó khăn và mở một thỏa thuận tiền tệ hoặc nhận đầu tư từ Nga".
"Erdogan có thể tuyên bố đây là một chiến thắng đối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ và mang lại cho ông lợi thế trong các cuộc bầu cử sắp tới", Caliskan lưu ý.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu điều này có đủ để thu phục các cử tri hay không.
"Chúng tôi đã từng chứng kiến những hoạt động này ở Syria trước đây và chúng không giúp được gì cho chúng tôi", Cemil Sener, 39 tuổi, một người bán thuốc lá ở Istanbul nói. "Đây chỉ là thông tin trên đài truyền hình thôi. Tôi không thấy người Nga thực sự có thể giúp gì cho nền kinh tế của chúng tôi trong khi bản thân họ đang bị phương Tây trừng phạt".
Hai ông Erdogan và Putin cũng có thể thảo luận về khả năng Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ dự án máy bay không người lái có vũ trang với Nga.
Máy bay không người lái Bayraktar TB2 được bán cho Ukraine và đã chứng tỏ được hiệu quả cao trong việc chống lại lực lượng Nga.
Tháng trước, ông Erdogan cho biết ông Putin đã đề nghị thành lập một nhà máy sản xuất máy bay không người lái ở Nga trong cuộc gặp tại Tehran.
Tuần trước, Điện Kremlin cho biết "hợp tác kỹ thuật và quân sự" sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại Sochi, một dấu hiệu cho thấy Nga quan tâm đến việc mua sắm máy bay Bayraktar, theo Ersoy.
Ông nói thêm: "Tin tức gần đây về sự quan tâm của Nga trong việc mua máy bay không người lái của Iran là dấu hiệu cho thấy tính cấp thiết của vấn đề này đối với Moscow. Tuy nhiên, một động thái như vậy có thể ảnh hưởng đến việc hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Ukraine, cũng như khiến các nước thành viên NATO lo lắng".
Đầu tháng này, người đứng đầu Baykar, công ty sản xuất máy bay không người lái Bayraktar TB2 đã bác bỏ việc sẽ cung cấp chúng cho Moscow. Ông Kerim Has nói: "Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các vấn đề quân sự với Nga vào thời điểm mà Nga được coi là mối đe dọa lớn nhất đối với NATO, thì điều đó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ với phương Tây".
Đăng nhận xét