Một con tàu chở ngô đến cảng Tripoli phía bắc của Lebanon thông thường sẽ không được quan tâm, nhưng hiện tại nó rất được chú ý vì đến từ cảng Odessa, Ukraine.
Tàu Razoni, chất đầy hơn 26.000 tấn ngô làm thức ăn cho gà, xuất hiện trong bối cảnh xung đột đe dọa nguồn cung cấp lương thực ở các nước như Lebanon, nơi có tỷ lệ lạm phát lương thực cao nhất thế giới - 122% - và phụ thuộc gần như toàn bộ nhu cầu lúa mì vào khu vực Biển Đen.
Cuộc giao tranh đã khiến 20 triệu tấn ngũ cốc bị mắc kẹt bên trong Ukraine, và chuyến tàu Razoni đánh dấu một bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc cung cấp thực phẩm nuôi hàng triệu người nghèo đói ở châu Phi, Trung Đông và các vùng của Châu Á.
Jonathan Haines, nhà phân tích cấp cao của công ty phân tích dữ liệu Gro Intelligence, cho biết: "Thực ra lô hàng này không phải một vấn đề lớn. 26.000 tấn trong quy mô 20 triệu tấn bị phong tỏa thì không đáng gì cả, hoàn toàn không đáng gì… Nhưng mỗi chuyến hàng đi sẽ tăng thêm niềm tin".
Các lô hàng này chưa thể giảm giá lương thực hay giảm bớt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Thêm vào đó, phần lớn ngũ cốc bị phong tỏa là để làm thức ăn cho gia súc chứ không phải cho người, các chuyên gia cho biết. Điều đó sẽ mở rộng tác động của chiến sự đối với người dân các nước ở cách xa hàng nghìn km như Somalia và Afghanistan, nơi mà nạn đói có thể sớm trở nên trầm trọng hơn và lạm phát sẽ đẩy chi phí lương thực cũng như năng lượng vượt quá khả năng chi trả của nhiều người.
Ông Ibrahim Tarchichi, người đứng đầu Hiệp hội Nông dân Bekaa, cho biết đối với người nông dân Lebanon, chuyến hàng dự kiến vào cuối tuần này là một dấu hiệu cho thấy nguồn cung ngũ cốc có thể sẽ sớm trở lại nhiều hơn.
Nhưng ông nói rằng điều đó sẽ không ảnh hưởng đến đất nước của ông, nơi mà nạn tham nhũng và chia rẽ chính trị kéo dài suốt nhiều năm. Kể từ năm 2019, nền kinh tế đã suy giảm ít nhất 58%, với việc đồng tiền mất giá nghiêm trọng đến mức gần 3/4 dân số hiện sống trong cảnh nghèo đói.
Tarchichi nói: "Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sẽ còn tiếp diễn".
Mặc dù rất có tính biểu tượng nhưng các lô hàng ngũ cốc không thể xoa dịu đi những lo ngại của thị trường. Hạn hán và chi phí phân bón cao đã khiến giá ngũ cốc cao hơn 50% so với đầu năm 2020, trước đại dịch Covid-19. Và mặc dù Ukraine là nhà cung cấp lúa mì, lúa mạch, ngô và dầu hướng dương hàng đầu cho các nước đang phát triển, nhưng nước này chỉ chiếm 10% thương mại lúa mì quốc tế.
Chuyến hành trình của Razoni được đảm bảo bởi một thỏa thuận kéo dài 4 tháng mà Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian với Ukraine và Nga hai tuần trước. Hành lang xuyên Biển Đen dài 111 hải lý, rộng 3 hải lý, vùng biển rải đầy mìn nổ trôi dạt, khiến cho việc di chuyển gặp nhiều trở ngại.
Ba tàu nữa đã khởi hành hôm 5/8, hướng đến Thổ Nhĩ Kỳ, Ireland và Anh. Tất cả các con tàu này đều bị mắc kẹt ở Ukraine kể từ khi cuộc chiến bắt đầu gần sáu tháng trước.
Theo thỏa thuận mới nhất, một số - không phải tất cả - thực phẩm xuất khẩu sẽ được chuyển đến các quốc gia bị mất an ninh lương thực. Điều đó có nghĩa là người dân ở châu Phi có thể mất vài tuần để nhìn thấy ngũ cốc từ các lô hàng mới.
Ở Đông Phi, hàng nghìn người đã chết khi Somalia, Ethiopia và Kenya phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Somalia và các nước châu Phi khác đã quay sang các đối tác ngũ cốc phi truyền thống như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil, nhưng với giá cao hơn. Theo Shaun Ferris, một cố vấn tại Kenya về nông nghiệp và thị trường cho Dịch vụ Cứu trợ Công giáo, giá các loại thực phẩm quan trọng có thể bắt đầu giảm trong hai hoặc ba tháng khi thị trường thực phẩm nhập khẩu điều chỉnh và thu hoạch địa phương tăng năng suất.
Ferris cũng bày tỏ lo ngại rằng giá ngũ cốc từ Ukraine chắc chắn sẽ tăng. Ông nói: "Ukraine không phải là một tổ chức từ thiện. Nước này sẽ cố gắng để tìm những giao dịch tốt nhất trên thị trường nhằm duy trì nền kinh tế mong manh của mình".
Tại Lebanon, nhóm viện trợ nhân đạo Mercy Corps cho biết giá bột mì đã tăng hơn 200% kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu. Mọi người đứng xếp hàng dài bên ngoài các tiệm bánh để mua bánh mì trợ cấp.
Trong khi tình hình khó khăn đối với hàng triệu người Lebanon, khoảng 1 triệu người tị nạn Syria chạy trốn cuộc nội chiến xuyên biên giới phải đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử khi cố gắng mua bánh mì.
Một người Syria sống ở miền bắc Lebanon cho biết anh thường phải đi khoảng 3-4 cửa hàng mới có thể mua được bánh mì. Anh mô tả hàng dài người đứng chờ đợi và chỉ một số ít được phép mua một ổ bánh mì nhỏ trong mỗi nửa giờ.
"Chúng tôi nhận đủ loại bình luận khiếm nhã vì chúng tôi là người Syria. Chúng tôi thường phớt lờ, nhưng đôi khi tình hình quá căng thẳng và chúng tôi phải ra về tay trắng", anh nói, yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù.
Đăng nhận xét