Tàu chiến Đức sẽ đi qua Biển Đông trong tháng 8 năm nay.
Theo SCMP, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 3.3 nói tất cả các quốc gia đều có quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhưng “không phải vì vậy mà đe dọa chủ quyền và an ninh của các quốc gia trong khu vực”.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với sức ép lớn từ Mỹ và các đồng minh châu Âu trong vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 2, Pháp đã điều tàu ngầm hạt nhân và một tàu hậu cần tuần tra Biển Đông.
Theo Reuters, tàu chiến Đức sẽ đến châu Á vào tháng 8, đi qua Biển Đông nhưng không tiến sâu vào phạm vi 12 hải lý, tính từ các đảo mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trái phép. Đây sẽ là lần đầu tiên một tàu chiến Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002.
Các chuyên gia cho rằng, đây là bước tiến quan trọng để Đức hiện diện sâu rộng hơn ở Biển Đông, theo chiến lược ở vùng châu Á-Thái Bình Dương mà Berlin đề ra từ năm ngoái.
Sun Keqin, chuyên gia tại viện nghiên cứu ở Trung Quốc, nói động thái mới này rất “đáng lo ngại”, vì Đức là quốc gia rất hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự, nhưng nay cũng muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ và NATO.
“Trung Quốc không muốn có thêm thế lực quân sự phương Tây hiện diện ở khu vực”, ông Sun nói. “Điều này phản ánh chiến lược của Mỹ, nhằm thúc đẩy Đức gây sức ép với Trung Quốc mạnh mẽ hơn”.
Theo các nhà phân tích, tuyên bố đi qua Biển Đông của Đức chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, nhưng cũng gửi thông điệp đến Trung Quốc, rằng Đức sẵn sàng hành động quyết liệt hơn, trước những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Berlin bắt đầu thay đổi chiến lược, thể hiện tầm quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong an ninh và ổn định toàn cầu theo trật tự quốc tế.
Đăng nhận xét