Ngọc quý chỉ có ở Myanmar khiến người Trung Quốc coi như vật thiêng

Chiếc vòng cổ chế tác từ ngọc phỉ thúy từng được bán với giá 27,6 triệu USD.

Đối với nhiều người đam mê ngọc phỉ thúy (jadeite), viên đá quý là biểu tượng của sự thuần khiết, trí tuệ và chính nghĩa, đồng thời tỏa ra năng lượng tích cực cho người đeo.

Chiang Shiu-Mush, phó chủ tịch kiêm chuyên viên cao cấp đến từ bộ phận trang sức của nhà đấu giá Christie ở Hong Kong, nói ngọc phỉ thúy bảo vệ người đeo khỏi bị thương, đem đến sức khỏe tốt và giúp người đeo trở nên giàu có.

Có rất nhiều câu chuyện lan truyền ở Trung Quốc về chuyện người đeo ngọc phỉ thúy bị vấp ngã nhưng không hề hấn gì, chỉ có vòng đeo tay bằng ngọc phỉ thúy là bị vỡ.

Samuel Kung, nhà thiết kế ngọc phỉ thúy nổi tiếng, cho biết: “Một số mảnh phí thủy giống như có thể tương tác với người đeo chúng”. Ông Kung ám chỉ ngọc phỉ thúy đôi khi trở nên rực rỡ hơn khi hấp thụ độ kiềm từ người đeo.

"Tính kiềm nhẹ cho thấy người đeo khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, có liên quan đến năng lượng tích cực”, ông Kung nói.

Theo chuyên gia người Trung Quốc, ngọc phỉ thúy cao cấp có màu xanh lá cây đặc biệt sống động, đem lại cảm giác thanh bình.

Hình tượng Từ Hi Thái Hậu trong phim truyền hình Trung Quốc.

Ngọc phỉ thúy phân bố ở một số quốc gia như Myanmar, Trung Quốc, Ý, Nhật, Nga, Mỹ, Guatemala, nhưng chỉ có Myanmar là nơi cung cấp ngọc phỉ thúy có chất lượng cao cấp nhất và đẹp nhất.

Ngọc phỉ thúy cao cấp du nhập vào Trung Quốc từ Myanmar vào năm 1784. Chiang nói: “Ngọc phỉ thúy cao cấp với màu xanh lá cây rực rỡ, trong suốt như thủy tinh khiến mọi tầng lớp người Trung Quốc, bắt đầu từ Từ Hi Thái Hậu thời nhà Thanh cho đến người Trung Quốc ngày nay, đặc biệt yêu thích”.

Trước khi ngọc phỉ thúy du nhập vào Trung Quốc thời nhà Thanh, những viên đá quý màu xanh dùng để đúc tượng Phật, ngọc bội hay bình ngọc đều là ngọc bích thông thường, có giá trị thấp hơn.

Đồ trang sức chế tác từ ngọc phỉ thúy nổi tiếng nhất phải kể đến chiếc vòng cổ Hutton-Mdivani. Chiếc vòng cổ gồm 27 viên ngọc phỉ thúy với đường kính từ 15,4mm đến 19,2mm, một viên kim cương và một chốt làm từ đá ruby.

Năm 2014, nhà đấu giá Sotheby ở Hong Kong từng bán chiếc vòng cổ này với giá 27,6 triệu USD. Đây là mức giá kỷ lục đối với bất kì đồ trang sức nào làm từ ngọc phỉ thúy.

Cũng vào năm 2014, nhà đấu giá Christie từng bán đôi khuyên tai làm từ ngọc phỉ thúy với giá 6,6 triệu USD, mức giá được coi là kỷ lục. Trong khi đó, vòng đeo tay làm từ ngọc phỉ thúy đắt giá nhất được bán với giá 1,9 triệu USD ở Hong Kong.

Wenhao Yu, phó chủ tịch nhà đấu giá Sotheby ở châu Á, nói ngọc phỉ thúy là viên đá quý châu Á được các nhà sưu tầm Trung Quốc săn lùng nhiều nhất, so với kim cương và các loại đá quý nổi tiếng khác trên thế giới.

Độ bền đáng kể của ngọc phỉ thúy cho phép người ta sử dụng loại đá quý này rất linh hoạt, có thể chạm khắc thành nhiều thiết kế sáng tạo khác nhau. “Ngày nay, ngoài màu xanh lá cây truyền thống, ngọc phỉ thúy có cả màu hoa oải hương, màu đỏ, đen và trắng, được nhiều người tiêu dùng đón nhận, đặc biệt là ở Trung Quốc”, ông Kung nói.

Let's block ads! (Why?)