Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng sau cuộc binh biến ở Myanmar.
Bộ Thương mại Mỹ đưa 4 cơ quan của Myanmar vào danh sách đen, cấm hợp tác giao dịch, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và hai tập đoàn quân đội là Myanmar Economic Corporation (MEC), Myanmar Economic Holdins Limited (MEHL).
“Các doanh nghiệp và cá nhân ở Mỹ bị hạn chế xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu các mặt hàng cho những cơ quan và tổ chức nằm trong danh sách đen ở Myanmar”, Bộ Thương mại Mỹ cho biết.
"Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục buộc những người đứng sau vụ đảo chính phải chịu trách nhiệm", Bộ Thương mại Mỹ cho biết thêm. “Washington sẽ không cho phép quân đội Myanmar lợi dụng quyền tiếp cận nhiều sản phẩm của Mỹ”.
Mỹ coi MEC và MEHL là hai tập đoàn đem lại lợi nhuận lớn cho quân đội Myanmar. Đây là các tập đoàn có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Myanmar, đầu tư vào nhiều lĩnh vực như đồ tiêu dùng, khai khoáng và bất động sản.
Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết, Myanmar bị đưa vào nhóm D:1, nghĩa là nằm trong diện bị Mỹ hạn chế xuất khẩu các mặt hàng có thể được quân đội sử dụng.
Kể từ sau khi quân đội phát động đảo chính ở Myanmar hôm 1.2, hàng trăm ngàn người dân nước này đã đổ ra đường biểu tình. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần cảnh báo sẽ có hành động nhằm buộc phe quân đội từ bỏ quyền lực, khôi phục chính quyền dân sự.
Tuy nhiên, các biện pháp cho đến nay chỉ giới hạn ở cấm vận và trừng phạt các cá nhân có liên quan. Hôm 3.3, quân đội Myanmar khẳng định không hề run sợ trước những lệnh cấm vận từ cộng đồng quốc tế.
3.3 cũng là ngày biểu tình đẫm máu nhất ở Myanmar với 38 người thiệt mạng, theo thống kê của Liên Hiệp quốc.
Đăng nhận xét