Đức Quốc xã đã đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và các vật phẩm ở châu Âu trong cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2. Ngoài vàng, bạc và tiền tệ, các vật phẩm văn hóa có ý nghĩa quan trọng đã bị đánh cắp, bao gồm tranh vẽ, đồ gốm sứ, sách và các kho báu tôn giáo. Mặc dù hầu hết những món đồ này đã được các nhân viên của chương trình Di tích, Mỹ thuật và Lưu trữ (MFAA) thu hồi, nhưng ngay sau chiến tranh, nhiều món đồ quý giá vẫn mất tích.
Một trong số đó là Phòng Hổ phách, một căn phòng được trang trí bằng những tấm hổ phách được dát vàng lá và gương, từng nằm trong Cung điện Catherine của Tsarskoye Selo gần Saint Petersburg, Nga.
Chuyên gia Tatyana Suvorova của Bảo tàng Căn phòng Hổ phách, đã kể chi tiết cách món quà mà Vua Phổ Frederick William I tặng cho đồng minh và người đứng đầu Đế chế Nga là Sa hoàng Peter Đại đế vào thế kỷ 18 trở nên khét tiếng như thế nào.
Cô nói với BBC Reel: "Theo luật, việc chiếm đoạt hổ phách thậm chí thu được trên bãi biển, đều bị trừng phạt nghiêm khắc, thậm chí dẫn đến hành quyết. Đó là khi hổ phách có được giá trị của nó. Thế kỷ 16-19 là thời kỳ hưng thịnh của chế tác hổ phách khi các đồ vật quý tộc được làm từ "đá mặt trời" này."
Được mệnh danh là "kỳ quan thứ tám của thế giới" vào thời điểm đó, căn phòng được mở rộng qua nhiều năm với diện tích hơn 55 m2 và chứa hơn 6 tấn hổ phách.
Nhưng kho báu này đã bị Tập đoàn quân phía Bắc của Đức Quốc xã cướp phá trong Thế chiến 2 và được đưa đến Konigsberg để tái thiết, nơi nó được trưng bày trong lâu đài của thành phố.
Anatoly Valuev, từ Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Kaliningrad, giải thích những gì đã xảy ra khi chiến tranh bắt đầu thay đổi hình dạng.
Ông nói: "Konigsberg là một cơ sở trung chuyển các vật thể văn hóa bị cướp phá, chúng sẽ được lưu trữ trong thành phố để vận chuyển tiếp đến các vùng khác của Đức. Khi Hồng quân tiếp cận biên giới của Đệ tam Đế chế, một cuộc di tản quy mô lớn đối với những vật thể này và chuẩn bị các địa điểm cất giấu đặc biệt đã bắt đầu."
Nhưng khi Liên Xô giành được quyền kiểm soát thành phố, người ta không tìm thấy dấu vết của căn phòng và một giả thuyết nhanh chóng trở nên phổ biến rằng nó đã bị phá hủy trong các vụ đánh bom.
Ông Valuev nói thêm rằng: "Nhưng không tìm thấy dấu vết của hổ phách cháy và người ta cho rằng căn phòng vẫn tồn tại và nó được giấu trong tầng hầm của lâu đài. Hai cựu binh sĩ của Wehrmacht đã viết rằng, ngay trước cuộc tấn công vào thành phố, họ đã hạ những chiếc hộp lớn xuống tầng hầm sâu của lâu đài. Sử dụng radar xuyên đất, các chuyên gia từ Nga đã khám phá tầng hầm sâu 25 mét bên dưới lâu đài và tìm thấy các tác phẩm nghệ thuật và đồ trang sức.
Nhưng địa điểm và số phận cuối cùng của toàn bộ căn phòng vẫn chưa được biết.
Năm 1979, quyết định được thực hiện để tạo ra một Phòng Hổ phách được phục dựng tại Cung điện Catherine.
Sau nhiều thập kỷ làm việc của các thợ thủ công Nga và sự đóng góp từ Đức, nó đã được hoàn thành và khánh thành vào năm 2003.
Đăng nhận xét