Cuộc họp báo thường niên diễn ra ngày 17.12 dưới hình thức trực tuyến.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cuộc họp báo thường niên năm nay tổ chức theo hình thức trực tuyến. Trả lời về mối quan hệ với Trung Quốc, ông Putin nói Nga và Trung Quốc có lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực.
"Liên quan đến Trung Quốc, cả hai nước đều có những lợi ích chung trong nhiều lĩnh vực", ông Putin nói, nhấn mạnh những lợi ích chung này đã góp phần vào quan hệ tích cực giữa hai quốc gia láng giềng.
Ông Putin ngày 22.10 lần đầu đề cập đến khả năng thành lập liên minh quân sự Nga-Trung. Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, gần đây đưa ra nhận định những tuyên bố ca ngợi mối quan hệ với Trung Quốc, để ngỏ khả năng thành lập liên minh quân sự Nga-Trung là động thái gửi tín hiệu tới Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
"Mặc dù Nga và Trung Quốc nhiều khả năng không thành lập liên minh quân sự, ông Putin muốn gửi đi thông điệp Mỹ nên hiểu điều đó vẫn có thể xảy ra và nên thận trọng hơn trong quan hệ với Nga và Trung Quốc", ông Trenin nói.
Theo ông Trenin, rất khó để Nga cải thiện mối quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền ông Biden. Tổng thống Mỹ đắc cử đã đưa ra quan điểm cứng rắn về các vấn đề mà Tổng thống Donald Trump tránh đề cập, đồng thời khẳng định sẽ "tiếp tục các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga”.
Ông Trenin nhận định, Mỹ và Trung Quốc càng căng thẳng, càng tạo ra khoảng cách thì Nga chỉ có lựa chọn xích lại gần Trung Quốc hơn, thay vì Mỹ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng kịch bản này chỉ có thể xảy ra nếu Mỹ dồn ép Nga và Trung Quốc đến đường cùng, vì Moscow muốn thể hiện vai trò độc lập, không phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong trường hợp ông Biden hạ nhiệt căng thẳng với Trung Quốc, Nga sẽ rơi vào tình thế khó khăn vì những lệnh cấm vận do Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga vẫn còn đó.
"Nga sẽ phải đưa ra những quyết định khó khăn về địa chính trị và chính sách kinh tế”, ông Trenin nhận định.
Chuyên gia Nga cho rằng, mối quan hệ Nga-Trung là "không tự nhiên và không vững chắc", bởi Trung Quốc sẽ luôn tìm kiếm cơ hội “thu về lợi ích cho mình”.
Nói về khía cạnh quân sự, nếu quan hệ Mỹ - Trung và Mỹ - Nga tiếp tục xấu đi, một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á có thể nổ ra. “Mỹ muốn duy trì ưu thế quân sự của mình trước Nga và Trung Quốc và sẽ dùng tên lửa để duy trì ưu thế này”, ông Trenin nhận định.
Đăng nhận xét