1. Các quốc gia "quản lý" chặt các công ty công nghệ lớn
Các nền tảng công nghệ có hàng tỷ người dùng như Facebook, Google, Twitter liên tục bị điều tra, bị kiện tại nhiều nước do chưa hành động đủ mạnh để ngăn chặn việc phát tán các thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp trên mạng.
Hàng loạt công ty lớn đã tham gia chiến dịch tẩy chay quảng cáo trên Facebook và Twitter nhằm gây áp lực với các nền tảng này trong vấn đề chống thông tin xấu độc. Twitter và Facebook cũng đối mặt với hàng loạt cáo buộc làm lộ thông tin người dùng, vi phạm chính sách bảo mật và cạnh tranh không lành mạnh. Australia, Pháp yêu cầu các nền tảng công nghệ phải trả tiền cho việc đăng tải tin tức lấy từ báo chí trong nước.
2. Thương mại điện tử "bùng nổ"
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các quốc gia phải phong tỏa và giãn cách xã hội khiến nhiều khách hàng thay đổi cách mua sắm. Các nhà bán lẻ và chuỗi cung ứng nhanh chóng đổi mới mô hình kinh doanh, ứng dụng các công cụ tài chính số hóa để thích ứng, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử.
Theo hãng nghiên cứu thị trường uy tín Statista thì doanh thu thương mại điện tử toàn cầu đạt 3.900 tỷ USD trong năm 2020, trong đó riêng khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 2.450 tỷ USD. Các công ty lớn đều thay đổi cách kinh doanh, trong đó Alibaba và Amazon nổi lên là những thế lực lớn nhất thế giới.
3. Apple đạt vốn hóa 2000 tỉ USD
Bất chấp với tình hình thế giới đảo lộn vì dịch bệnh, Apple vẫn có kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Lý do chính là việc ra mắt iPhone 12 cùng với với đó đạt doanh số lớn về các thiết bị máy tính bảng, vòng đeo tay, cùng nhiều ứng dụng và dịch vụ mới.
Apple ngày 19/8 đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ USD giá trị thị trường, qua đó trở thành minh chứng mới nhất cho thấy các tập đoàn công nghệ lớn đang được hưởng lợi từ những biến động do đại dịch COVID-19.
4. Cuộc đua tìm vaccine COVID-19
Cuộc chạy đua toàn cầu về vaccine COVID-19 đang diễn ra với tốc độ chưa từng có, được thúc đẩy bởi áp lực dư luận và xung đột chính trị. 7 “ứng viên” vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trên người và gần 70 vaccine nữa đang được triển khai. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên đang triển khai thí nghiệm vaccine COVID-19. Tháng 12 vừa qua, Học viện Quân y tiến hành tiêm thử nghiệm giai đoạn 1 vaccine Nanocovax cho 3 người tình nguyện đầu tiên.
Trước đó Việt Nam là một số ít quốc gia thành công trong việc nghiên cứu chế tạo bộ kít chuẩn đoán virus SARS CoV-2. Đây là kết quả của đề tài khoa học Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm realtime RT PCR và RT PCR phát hiện virus SARS–CoV-2 do Học viện Quân y chủ trì phối hợp Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện.
5. Việt Nam tự chủ công nghệ trước sự "bùng nổ" của 5G
Công nghệ 5G đang được xem là nhân tố thay đổi “cuộc chơi”, tác động sâu rộng tới đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quân sự của các quốc gia trên thế giới. Điểm nổi bật nhất của 5G là năng lực truyền tải dữ liệu mạnh hơn rất nhiều so với các công nghệ 4G và 3G trước đây. Do đó, công nghệ 5G có vai trò nền tảng, mở ra khả năng ứng dụng ở quy mô lớn chưa từng có cho các công nghệ mới, như dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT).
Mới đây, các nhà mạng Việt Nam cũng đã chính thức triển khai mạng 5G. Tập đoàn Viettel đã thực hiện cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Viettel cùng với hai nhà mạng khác VinaPhone và MobiFone, hiện đang triển khai cung cấp thử nghiệm thương mại dịch vụ 5G tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Những căng thẳng của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2020. Chính quyền của Tổng thống Trump vẫn thi hành chính sách mạnh tay với các công ty của Trung Quốc như Huawei, Tik Tok,...
Chương trình “Mạng lưới sạch” được giới chức Mỹ đẩy mạnh nhằm loại bỏ doanh nghiệp kỹ thuật số và khoa học công nghệ của Trung Quốc ra khỏi hệ thống toàn cầu. Cùng với đó là thông qua dự luật Nước Mỹ lãnh đạo (America Leads Act). Đây là dự luật được đánh giá có khá nhiều điểm tương đồng với chiến lược “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) của Trung Quốc.
7. Trung Quốc mang mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất
Trung Quốc trở thành nước thứ 3 đem đất đá về từ mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô. Theo đó tàu Hằng Nga 5 đã được Trung Quốc phóng lên Mặt Trăng với mục tiêu thu thập 2 kg đất đá. Mục đích của sứ mệnh hiện tại là thu thập mẫu đất, đá để giới khoa học hiểu rõ hơn về nguồn gốc, sự hình thành và hoạt động của núi lửa trên bề mặt.
Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều vào các chương trình không gian với hy vọng sẽ thành lập một trạm không gian vào năm 2022 và đưa người lên mặt trăng.
8. Phát hiện siêu enzym "ăn" nhựa giúp giải quyết vấn đề môi trường
Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang gây ảnh hưởng cực lớn lên môi trường, các nhà khoa học đã tìm ra một loại enzym có khả năng "ăn" rác thải nhựa. Loại enzym mới có tên PETase này có tốc độ phân hủy nhựa nhanh gấp 6 lần bình thường.
Ô nhiễm nhựa là một trong những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay. Báo cáo gần đây từ The Pew Charity Trusts dự đoán số lượng nhựa bị vứt xuống đại dương có thể tăng gần gấp 3 lần lên 29 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040 - tương đương với việc mỗi mét bờ biển trên hành tinh chứa 50 kg nhựa.
9. Robot Taxi không người lái
Robot Taxi là kết quả hợp tác giữa ZMP, nhà phát triển công nghệ xe tự động và công ty mạng viễn thông DeNa. Dự kiến phương tiện không người lái này được đưa ra thị trường để cạnh tranh với xe tự lái của Google, Ford, BMW và các công ty khác. Hiện Robot taxi này đã được sử dụng ở miền Nam Tokyo với những tuyến đường đơn giản phục vụ hành khách từ nhà tới cửa hàng tạp hóa.
Robot taxi sử dụng thẻ và cũng giữ liên lạc với các nhà khai thác thông qua mạng 5G. Trước đó, tỷ phú Elon Musk, Giám đốc điều hành (CEO) hãng chế tạo ôtô điện Tesla Inc (Mỹ) cho biết hãng này sắp đạt được công nghệ ôtô tự hành cấp độ 5, với khả năng điều hướng đường mà không cần bất kỳ tác động hỗ trợ nào từ tài xế. Theo ông, hãng sẽ đạt được những tính năng cơ bản của ôtô tự lái cấp độ 5 trong năm sau.
10. Tìm ra cách trồng trọt ngoài không gian
Tháng 11 vừa qua, phi hành gia Kate Rubins của NASA đã thu hoạch các cây củ cải trồng trong hệ thống trồng cây ngoài không gian tên là Advanced Plant Habitat (APH), trên trạm ISS. Thí nghiệm trồng cây này mang tên Plant Habitat-02 (PH-02), là lần đầu tiên NASA trồng củ cải trên phòng thí nghiệm quay quanh Trái đất. NASA lựa chọn củ cải vì các nhà khoa học hiểu rõ về chúng và chúng trưởng thành chỉ trong 27 ngày.
Thí nghiệm này cho phép NASA xác định điều kiện chăm sóc tối ưu để tạo ra các cây chất lượng. Trong khi trồng ở ngoài không gian, cây củ cải không đòi hỏi nhiều công sức bảo dưỡng từ phi hành đoàn. Chương trình trồng cây này sẽ hỗ trợ các sứ mệnh khám phá Mặt trăng và sao Hỏa trong tương lai mà ở đó các phi hành gia cần tự mình trồng trọt thức ăn cho chuyến thám hiểm dài ngày.
Đăng nhận xét