Với những diễn biến mới nhất của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thì nhiều khả năng ông Joe Biden sẽ trở thành ông chủ nhà Trắng vào tháng 1/2021. Trong chính sách của mình khi vận động tranh cử, ông Joe Biden cho biết sẽ tham vấn với các đồng minh chính trước khi quyết định tương lai cuộc chiến thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc, nhằm tìm kiếm “sức mạnh tập thể” để củng cố lực lượng đối phó với Bắc Kinh.
Ông Joe Biden kết thúc cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung?
Trước đó trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, ông Jake Sullivan - cố vấn cấp cao của ông Biden cho biết, chính quyền của ông Biden sẽ dồn lực để phát triển và tăng tốc chứ không tập trung quá nhiều vào việc kìm hãm Trung Quốc.
Mỹ thay đổi chính sách
Mới đây nhóm các cố vấn đã khuyên chính quyền sắp tới của ông Biden khởi động lại chính sách công nghệ của Mỹ để đối phó tốt hơn với thách thức từ Trung Quốc. Mỹ nên đầu tư nhiều hơn để đi đầu trong nghiên cứu cơ bản và công nghệ ứng dụng. Đồng thời cũng nên từ bỏ chiến lược "loại trừ hoàn toàn" đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Huawei Technologies, đã bị Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen.
Với chính sách đa phương và phát triển nội lực, Mỹ dưới thời ông Joe Biden nhiều khả năng sẽ không áp dụng biện pháp cứng rắn với Trung Quốc như trước. Thay vào đó là tập trung kế hoạch ưu tiên để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và thiết bị mạng 5G.
Thực tế các nghị sĩ đảng Dân chủ đã thông qua dự luật Nước Mỹ lãnh đạo (America Leads Act). Đây là dự luật được đánh giá có khá nhiều điểm tương đồng với chiến lược “Chế tạo tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) của Trung Quốc.
Dự luật này đề xuất đầu tư 350 tỷ USD trong 10 năm tới để chấn hưng năng lực ngành chế tạo và cơ sở hạ tầng của Mỹ, giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào ngành chế tạo Trung Quốc (chất bán dẫn, viễn thông, dược phẩm) và nâng cao khả năng cạnh tranh của các công ty Mỹ. Dự luật cũng yêu cầu Tổng thống phải có những biện pháp và kế hoạch để nâng cao năng lực chế tạo các sản phẩm bán dẫn trong nước.
Song song với việc phát triển nội lực, Mỹ vẫn sẽ kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc. Khi tranh cử, ông Biden tuyên bố sẽ đầu tư chấn hưng ngành công nghệ Mỹ và hợp tác với các đồng minh để đối đầu với Trung Quốc trong thương mại.
Theo đó, chính quyền ông Biden vẫn sẽ tiếp tục các lệnh cấm các ông ty Trung Quốc tham gia vào quá trình nghiên cứu và sản xuất. Tuy nhiên sẽ nới lỏng để các công ty này đầu tư vào Mỹ. Ông Biden trong phát biểu gần đây cho biết rất lo ngại về việc các công ty Trung Quốc thu thập thông tin người dùng tại Mỹ và sẽ làm việc cùng các chuyên gia an ninh mạng để tìm ra giải pháp cho vấn đề.
Theo giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mary Washington ở Virginia, bà Elizabeth Freund Larus cho biết ông Biden có khả năng tiếp tục thực hiện giám sát và lệnh cấm đối với công nghệ, thiết bị và công ty Trung Quốc. Đồng thời siết chặt giám sát những sinh viên Trung Quốc tham gia nghiên cứu công nghệ ở Mỹ.
Trung Quốc tùy cơ ứng biến
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung thời gian qua đã khiến Trung Quốc bộc lộ nhiều yếu điểm trong việc sản xuất chip, chất bán dẫn. Dưới triều đại của Tổng thống Trump, Trung Quốc đã gặp phải vô cùng nhiều khó khăn về cấm vận, điều tra,...
Tuy nhiên ở một khía cạnh nào đó, Bắc Kinh đã dần thích nghi với điều này. Bằng chứng là nhờ có các lệnh cấm vận của Mỹ, Trung Quốc đã đẩy mạnh nghiên cứu và phần nào đó làm chủ công nghệ sản xuất chip bán dẫn.
Chỉ trong 2 năm qua, Trung Quốc đã dành hàng tỷ đô la cho ngành công nghiệp bán dẫn và đang tuyển dụng các kỹ sư hàng đầu từ các quốc gia khác. Theo hiệp hội ngành công nghiệp SEMI, Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về thiết bị bán dẫn trong quý 3/2020 với doanh thu 5,62 tỷ USD, tăng 63% so với một năm trước.
Hiện hãng sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc SMIC vừa tuyên bố rằng họ sẽ bắt đầu thương mại hoá những con chip sản xuất trên tiến trình 14nm FinFET từ cuối năm nay. Kế hoạch tương lai mà công ty tiết lộ còn là hướng tới tiến trình 10nm và 7nm do họ tự phát triển.
Trong khi đó, Huawei - công ty bị nhắm đến nhiều nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung cũng dần thích nghi và tìm ra được cách để "lách" qua những lệnh cấm vận. Theo một báo cáo mới đây được Nikkei công bố, Huawei vẫn đủ chip và nguyên liệu để sản xuất hết năm 2021. Đồng thời báo cáo này cũng cho biết công ty này đã và đang chuyển đổi chiến lược kinh doanh của mình từ thiết bị di động sang các mảng khác ít bị ảnh hưởng hơn vì cấm vận.
CNBC đưa tin, Huawei đang hy vọng thiết lập lại mối quan hệ dưới thời Tổng thống Biden. Chính phủ Hoa Kỳ mới đây đã miễn trừ lệnh cấm các công ty Hoa Kỳ bán chip cho Huawei giúp Qualcomm hiện có thể bán chip 4G cho Huawei.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung chưa thể kết thúc
Rất khó để những căng thẳng về công nghệ Mỹ - Trung có thể được giải quyết trong một sớm một chiều dù cho ông Joe Biden lên làm Tổng thống. Cách tiếp cận mạnh tay của chính quyền ông Trump đã thành công trong việc hạ gục Huawei.
Tuy nhiên về lâu dài, một chiến lược như vậy lại có thể làm suy yếu các công ty công nghệ cao của Mỹ khi các công ty này cũng khó có thể làm ăn tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất thế giới. Các chính sách của ông Trump dù làm chậm đà phát triển của Trung Quốc nhưng cũng khiến nước Mỹ nhận ảnh hưởng nặng nề về kinh tế.
Ông Joe Biden có thể mềm mỏng hơn trong các tiếp cận với Trung Quốc. Chính quyền mới của Mỹ nhiều khả năng sẽ kết hợp với các đồng minh như Đài Loan và Hàn Quốc để kìm hãm Trung Quốc. Đông thời dành nhiều nguồn lực hơn để củng cố khả năng nghiên cứu và chế tạo khiến Trung Quốc khó bắt kịp hơn.
Với cách tiếp cận đa phương, Mỹ trong thời gian tới sẽ tìm cách để ít phụ thuộc hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Cách tiếp cận mềm mỏng này giúp Mỹ giảm tối đa thiệt hại về kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được việc kìm hãm Trung Quốc.
Qua đây có thể thấy, dù ông Biden lên làm Tổng thống và có những thay đổi về chính sách nhưng Mỹ vẫn coi Trung Quốc là kẻ địch số 1 về công nghệ. Để đảm bảo quyền lợi dân tộc và đất nước mình, Mỹ vẫn sẽ thực hiện các biện pháp nhằm kìm hãm công nghệ với Trung Quốc.
Đăng nhận xét