Đài Loan hiện sở hữu hai tàu ngầm mua của Hà Lan.
Phó lãnh đạo cơ quan phòng vệ Đài Loan Chang Che-ping thông báo thông tin này tới các phương tiện truyền thông, theo Taiwan News.
Để chế tạo tàu ngầm nội địa, Đài Loan cần tới nhiều thành phần quan trọng, được dán nhãn “đỏ”, nghĩa là nếu không thể sản xuất nội địa thì phải nhập khẩu.
Các thành phần này bao gồm hệ thống sonar kỹ thuật số, mạng lưới tích hợp tác chiến, động cơ diesel, tên lửa và tầu ngầm. Mỹ hiện là đối tác duy nhất cung cấp các thành phần trên trang bị cho tàu ngầm Đài Loan.
Ông Chang nói, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bật đèn xanh để bán hệ thống sonar kỹ thuật số cho Đài Loan. Thỏa thuận vẫn cần được Quốc hội Mỹ thông qua.
Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan (NCSIST), cơ quan đang phát triển dự án chế tạo tàu ngầm cùng với lực lượng phòng vệ Đài Loan và tập đoàn CSBC, nói hệ thống sonar có thể được chuyển tới Đài Loan vào tháng 1.
Tàu ngầm nội địa Đài Loan chế tạo cũng cần các thiết bị được dán nhãn “vàng”, nghĩa là có thể sản xuất nội địa một số thành phần, nhưng vẫn phải mua các thành phần khác từ nước ngoài. Những thiết bị được dán nhãn “xanh” nghĩa là có thể dễ dàng sản xuất ở Đài Loan.
Nhà máy đóng tàu Cao Hùng của tập đoàn CSBC đã bắt đầu đóng tàu ngầm đầu tiên trong dự án chế tạo 8 tàu ngầm, dự kiến tàu ngầm nội địa sẽ ra biển thử nghiệm vào năm 2025.
Trong lễ khởi công dự án hồi tháng 11, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố dự án đóng tàu ngầm, với sự hậu thuẫn của Mỹ, nhằm ngăn các tàu Trung Quốc tiếp cận hòn đảo.
“Các tàu ngầm là thiết bị quan trọng để phát triển năng lực chiến tranh bất đối xứng của Đài Loan, ngăn tàu thù địch vây quanh Đài Loan", bà Thái nói, theo Reuters.
Đăng nhận xét