(Dân Việt) Nhận định cây lúa khó có thể trở thành cây làm giàu, tỉnh Tây Ninh đề xuất lúa sẽ là cây trồng không khuyến khích và giảm dần diện tích canh tác ở những nơi cho hiệu quả kinh tế thấp.
Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong Đề án phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp của tỉnh mới được Sở NN&PTNT Tây Ninh hoàn thành để chuẩn bị trình UBND tỉnh phê duyệt.
Thực trạng phát triển nông nghiệp của Tây Ninh còn nhiều hạn chế, bất cập. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trước đó, đầu năm 2019, Sở NN&PTNT Tây Ninh đã tổ chức hội thảo Phát triển chuỗi giá trị và cụm ngành nông nghiệp tinh Tây Ninh. Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý, đến nay đề án này đã được Sở hoàn chỉnh.
Theo Sở NN&PTNT Tây Ninh, thực trạng phát triển nông nghiệp của tỉnh đang bộc lộ những hạn chế bất cập. Tái cơ cấu ngành trở thành yêu cầu cấp thiết. Việc xây dựng Đề án sẽ góp phần đưa nền nông nghiệp Tây Ninh phát triển hiệu quả, đạt giá trị cao và bền vững.
Đề án nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị đối với các sản phẩm truyền thống đang có xu hướng suy giảm gồm: lúa, mía, khoai mì, cao su, chăn nuôi bò sữa. Xây dựng hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất rau, cây ăn trái nhiệt đới, nhất là sản phẩm mãng cầu, nhãn, chuối, thơm, sầu riêng, xoài, bưởi,... chăn nuôi heo thịt, gà thịt, bò thịt gắn với tiêu thụ và chế biến.
Đề án nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị đối với các sản phẩm truyền thống đang có xu hướng suy giảm, trong đó có cây lúa. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ông Võ Đức Trong - Giám đốc Sở NN&PTNT Tây Ninh cho biết, Đề án đưa ra cách tiếp cận mới khi tập trung vào nhóm các loại cây trồng, vật nuôi theo ba nhóm cụ thể gồm: (1) nhóm khuyến khích phát triển, (2) nhóm chỉ duy trì, (3) nhóm không khuyến khích và giảm dần.
Sau khi phân tích các nhóm, việc phân tích các cây - con cụ thể chỉ là để minh họa hay làm rõ những định hướng lựa chọn và tiếp cận. Cách tiếp cận về mặt chính sách của Tây Ninh là tạo dựng những cơ sở hạ tầng và chính sách để khuyến khích hoặc không khuyến khích các nhóm sản phẩm.
“Thông điệp của chính quyền đưa ra cùng với các khuyến cáo để người dân và doanh nghiệp tự quyết định chứ không phải theo các định hình kế hoạch cứng nhắc như trước đây”, ông Trong chia sẻ.
Lúa là cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn tại Tây Ninh nhưng hiệu quả không cao. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo phân tích của Đề án, lúa là cây trồng truyền thống chiếm diện tích lớn tại Tây Ninh với tổng diện tích canh tác khoảng 80.000 ha.
Giá trị gia tăng của lúa bằng 2.550 tỷ đồng, chiếm 16,8% giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp. Lợi nhuận ước tính đạt 31 triệu đồng/ha và giá trị gia tăng (lao động và lợi nhuận) ước tính là 52 triệu đồng.
Mức lợi nhuận và giá trị gia tăng này xếp thứ hai trong bốn cây trồng truyền thống và chủ lực. Tỷ lệ diện tích/lao động là 2,5 tương đương với cao su và thấp hơn hẳn hai cây còn lại.
Đề án nhận định lúa khó có thể trở thành cây làm giàu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Đề án nhận định, người dân hầu như không có khả năng để gia tăng giá trị hay làm giàu từ cây lúa. Hiện một phần diện tích đang có xu hướng chuyển sang các loại cây trồng khác. Giá chuyển nhượng phổ biến hiện nay vào khoảng 600-700 triệu đồng/ha đất lúa.
Khả năng tăng giá trị bằng các loại giống mới hay phương thức sản xuất tiên tiến đối với cây lúa ở Tây Ninh là không cao. Lợi thế để Tây Ninh đầu tư vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn để khép chuỗi cây lúa cũng không nhiều.
Vì thế, việc lựa chọn chính sách sẽ theo hướng giảm dần diện tích ở mức đảm bảo các yêu cầu về an ninh lương thực quốc gia và của địa phương; không có những đầu tư trọng điểm vào loại cây trồng này. Dự kiến đến năm 2020, diện tích canh tác lúa khoảng 70.679 ha, trong đó diện tích đất chuyên lúa 48.686 ha.
Tag: giá lúa giảm, giảm diện tích trồng lúa, trồng lúa ngày càng nghèo, nông dân nghèo trồng lúa, nông nghiệp tây ninh, lúa tây ninh
Đăng nhận xét