(Dân Việt) Trên “nóng” thì dưới cũng phải “nóng". Các cơ quan cấp dưới mà sát sao, nắm chắc và xử lý cẩn trọng thì đâu đến nỗi vướng chuyện, ùn tắc lại để Thủ tướng phải bận tâm, phiền lòng.
Mấy hôm rồi, loạt bài điều tra những nghi vấn về doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ điện tử Asanzo chủ yếu dùng linh kiện Trung Quốc lắp rắp rồi gắn mác “Hàng Việt Nam”, thậm chí “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, đánh lừa người tiêu dùng đang gây sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Mạng xã hội sau đó đã bình luận không hay xung quanh chuyện tại Hồ Hoàn Kiếm hôm 22/6 mới đây, các vị lãnh đạo, từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng hàng chục quan chức cấp cao tới dự buổi lễ phát động toàn dân hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra tổ chức. Về chủ trương rất tốt đẹp và rất ý nghĩa này, tôi hoàn toàn ủng hộ Bộ Tài nguyên Môi trường khi họ đứng ra tổ chức. Tuy nhiên, điều rất đáng tiếc cho đơn vị tổ chức sự kiện là họ đã thiếu nhạy cảm khi vận động nhà tài trợ cho chương trình này lại là doanh nghiệp “đang có vấn đề” mà báo chí đã lên tiếng trước đó. Thực sự, đây là điều đáng tiếc khi để các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước bị mang tiếng oan. Nhưng lỗi này đâu phải từ các nhà lãnh đạo, mà phải từ các cơ quan tổ chức sự kiện thiếu thông tin và thiếu thận trọng.
Theo điều tra của báo Tuổi trẻ, một số công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam đã nhập hàng loạt thiết bị điện tử xuất xứ Trung Quốc như nồi cơm điện, lò nướng, tivi, máy lạnh, loa… về Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam để bán ra thị trường. Phóng viên đã phát hiện từ năm 2014 đến nay có gần 20 doanh nghiệp (trong đó có 3 công ty thuộc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam) nhập khẩu số lượng lớn đồ điện tử gia dụng nguyên chiếc nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc về Việt Nam tiêu thụ. Hồ sơ nhập khẩu thể hiện các mặt hàng này đều có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp.
Tuy nhiên, sau khi thông quan và đưa ra thị trường lưu thông (và xuất khẩu sang Lào) thì tem nhãn đồ điện tử gia dụng nhãn hiệu Asanzo lại ghi xuất xứ Việt Nam.
Thủ tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt.
Trước câu chuyện đáng buồn và khá bức xúc nói trên, sau khi cân nhắc kỹ, lúc hơn 8 giờ sáng 24/6, tôi đã “đánh bạo” nhắn tin tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tha thiết đề nghị ông quan tâm vấn đề này để các cấp bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc.
Bài cùng chuyên mục
Mục đích của tôi cũng chỉ để thuộc cấp của ông phải rút kinh nghiệm trong công tác tổ chức sự kiện, tránh để các nhà lãnh đạo cấp cao sau này bị mang tiếng khi nhận lời đến dự những kỳ cuộc nào đó mang ý nghĩa phát động phong trào trong toàn dân, đừng để các doanh nghiệp không có uy tín tài trợ chương trình, tránh việc họ lợi dụng, đánh bóng thương hiệu bởi rất khó có được dịp may mắn tiếp cận với các nhà lãnh đạo "hoành tráng” như thế này. Như thế sẽ rất không nên vì nhiều khi vô tình mang lại điều tiếng rất tai hại cho các vị lãnh đạo nói chung.
Thật bất ngờ, hồi 16h15 cùng ngày, Thủ tướng đã gọi cho tôi nói rằng suốt ngày nay ông bận họp liên miên nên không hồi âm ngay. Tôi cũng biết tính ông, thường khuya muộn, khi có thời gian ông mới nhắn tin trả lời nếu biết không gấp.
Ông bảo, tuy cũng đã coi tin nhắn của tôi, nhưng giờ mới gọi được để muốn hỏi thêm kỹ hơn. Thủ tướng nói thêm: Tôi nhờ nhà báo nói kỹ hơn tên, lai lịch doanh nghiệp này và những gì báo chí qua nay có nêu về họ để tôi tham khảo, rồi tôi sẽ có ý kiến.
Ông còn nhắc tôi câu cuối trước khi cúp máy: “Chú nhớ gửi tôi sớm!”
Tôi đã vội vàng làm gấp những gì ông yêu cầu rồi báo cho người trợ lý của Thủ tướng để nhờ in những bài báo đó ra cho ông, làm sao càng sớm càng tốt.
Tính từ lúc tôi gửi bài báo đến trợ lý của ông, chưa đầy 90 phút sau đó, điện thoại của tôi đã hiện lên tin nhắn của Thủ tướng: “Tối nay tôi vừa ký văn bản yêu cầu điều tra như báo chí đã nêu".
Chuyện này nói thực ra cũng không phải là quá lớn đối với một người đứng đầu Chính phủ. Thậm chí tôi cũng hơi ngại đôi chút vì đã làm Thủ tướng phiền lòng. Vậy mà ông vẫn phải trực tiếp xử lý thì cũng không hẳn đã hay, vì ông quá bận nhiều việc hệ trọng của đất nước.
Vài chục năm trước đây, khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt điều hành Chính phủ, ông cũng rất rốt ráo xử lý những việc như thế này khi cấp dưới phát hiện ra những vấn đề nổi cộm trong xã hội trên mặt báo để ông có ý kiến chỉ đạo kịp thời.
Thế nhưng, qua cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý kiến chỉ đạo nói trên, tôi thấy ở ông một cách làm rất mạnh mẽ, việc hôm nay không để sang ngày mai. Phải giải quyết ngay, rốt ráo nếu có thể.
Với cả núi công việc ngồn ngộn mỗi ngày như Thủ tướng, nếu như các cơ quan cấp dưới, từ các vị tư lệnh ngành, địa phương mà sát sao, nắm chắc và xử lý cẩn trọng thì đâu đến nỗi vướng phải những chuyện thế này, ùn tắc lại để Thủ tướng phải bận tâm, phiền lòng.
Bài cùng tác giả
Nếu Tổng cục Quản lý thị trường mà làm tròn trách nhiệm trước Nhà nước và nhân dân thì đâu đến mức để cho một doanh nghiệp xem thường luật pháp, kỷ cương rồi làm những việc “treo đầu dê bán thịt chó” như thế mà thoát được cơ quan kiểm tra, giám sát!
Tôi cũng không hiểu nổi tại sao, sau 8 tháng trời Tổng cục Quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã ra mắt mà bộ máy này từ trên xuống dưới vẫn chưa hoàn thiện xong cấp lãnh đạo. Điều này phải chăng khiến cho cung cách điều hành gặp nhiều khó khăn, việc không “chạy”, nếu không nói là yếu kém toàn diện?
Bộ máy “đông mà không mạnh” chính là đây !
Nếu một đơn vị như Bộ Tài nguyên và Môi trường khi tổ chức sự kiện này tinh ý, theo dõi báo chí để sớm phát hiện trước khi mời nhà tài trợ, biết tham khảo các cơ quan bạn như Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương để họ tư vấn thì tốt biết bao!
Tiếc là ngay trong vụ việc này, dù Bộ Tài nguyên và Môi trường có tham khảo thì cũng sẽ "dính đòn”, bởi vì Tổng cục Quản lý thị trường cũng đâu biết gì hơn!
Việc phát hiện ra vụ việc gian dối nói trên lại chính từ kênh báo chí thì thật đáng trách biết bao!
Để các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nhiều thời gian cho điều hành bộ máy, có thể giúp lãnh đạo dành trọn tâm trí cho những quyết đáp quan trọng vì đất nước thì hơn ai hết, mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương rất cần chung tay xử lý những chuyện trong phạm vi, trách nhiệm của chính mình. Một bộ máy được coi là vận hành tốt không thể chấp nhận cảnh cấp dưới đẩy “quả bóng” sang chân cấp trên. Và cũng không thể chấp nhận kiểu xin ý kiến rồi... chờ, để cấp trên quyết thay những gì thuộc thẩm quyền cấp mình quản lý. Tất nhiên, cũng không thể thiếu một đội ngũ tham mưu giúp việc cho lãnh đạo phải luôn tinh thông, tinh tế, tinh tường, tránh để xảy ra những chuyện đáng tiếc kiểu như câu chuyện tôi đề cập trong bài viết này. Trên “nóng” thì dưới cũng phải “nóng", điều này phải là chuyện tất yếu!
Tag: asanzo, asanzo hàng TQ đội lốt hàng VN, thủ tướng chỉ đạo vụ asanzo,
Đăng nhận xét