(Dân Việt) Từ khi thủy điện Sơn La tích nước, nhiều hộ dân sinh sống ven lòng hồ sông Đà thuộc bản Bó Ban (xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã có nguồn thu nhập tăng cao nhờ mô hình nuôi cá lồng, cuộc sống của bà con đã khấm khá.
Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, UBND huyện Mường La phối hợp với Chi cục thủy sản tỉnh Sơn La tổ chức nhiều lớp tập huấn (mỗi năm tổ chức 1 lớp) với 30 học viên/lớp. Các học viên chủ yếu là nông dân, thành viên Hợp tác xã vùng lòng hồ thủy điện như: Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao, Pi Toong, Nậm Giôn, Tạ Bú, thị trấn Ít Ong, Chiềng San...
Ngoài được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông hồ, học viên còn được tham gia công tác tập huấn tuyên truyền chống sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản...
Nghề nuôi cá lồng trên lòng hô sông Đà, đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều nông hộ.
Ông Lường Văn Thủy là một trong những nông hộ nuôi cá lồng ở bản Bó Ban (xã Mường Trai, huyện Mường La) ,cho biết: “Trước kia thu nhập kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn. Nhờ được sự tuyên truyền vận động của xã, huyện, tôi chuyển sang nuôi 10 lồng cá để phát triển kinh tế. Tính đến nay cũng được 7 năm rồi....".
Trong lồng cá gia đình ông Thủy chủ yếu là nuôi cá rô phi, chép, trắm cỏ, trôi, lăng. Ông thấy nuôi cá lồng nhàn hơn làm nương ngô nương sắn, thu nhập lại cao, đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Bình quân 1 năm gia đình ông thu nhập từ bán cá khoảng 200 triệu đồng, gấp 3 – 4 lần làm nương rẫy trước đây.
So với làm nương rẫy, nuôi cá lồng nhàn hơn và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Còn ông Lù Văn Khánh, bản Bó Ban, phấn khởi cho hay: Năm nay thời tiết ủng hộ, từ khi thả cá giống đến giờ 7 lồng cá của gia đình đều sinh trưởng tốt, không xuất hiện dấu hiệu bất thường. Tôi nuôi chủ yếu là cá trắm cỏ, chép, rô phi, đến giai đoạn thu hoạch có nhiều tiểu thương ở ngoài huyện Mường La, TP. Sơn La đánh xe tải vào mua với giá cao. Tôi dự tính năm nay 7 lồng cá của gia đình sẽ cho thu nhập khoảng 140 triệu đồng.
Trên địa bàn huyện Mường La đã hình thành và phát triển được 50 hợp tác xã, trong đó lĩnh vực thủy sản có 4 HTX và hàng trăm hộ dân sinh sống ở các xã ven lòng hồ sông Đà nuôi cá lồng.
Hiện nay, huyện Mường La có diện tích nuôi thủy sản đạt 140 ha. Đến hết năm 2018 trên địa bàn huyện có 791 lồng nuôi cá, trong đó (cá Tầm 150 lồng, cá truyền thống 641 lồng); cơ cấu lồng nuôi cá truyền thống giống chủ yếu là cá: Rô phi, trắm cỏ, chép, trôi, cá trê, cá lăng, cá nheo, Diêu Hồng... Tổng sản lượng nuôi cá lồng và khai thác thủy sản trong 4 năm từ năm 2015 đến hết năm 2018 đạt 2.441 tấn. Còn 6 tháng đầu năm 2019 đang trong giai đoạn thống kê chi tiết về sản lượng.
Huyện Mường La có diện tích nuôi thủy sản đạt 140 ha, có 791 lồng nuôi cá.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường La, cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển được 50 hợp tác xã, trong đó có 37 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, lĩnh vực thủy sản có 4 HTX và hàng trăm hộ dân sinh sống ở các xã ven lòng hồ sông Đà nuôi cá lồng.
Để nghề cá phát triển, thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu cho huyện tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân được vay vốn đầu tư theo chính sách của tỉnh, kết hợp các chương trình mục tiêu quốc gia để người nghèo được vay vốn nuôi thủy sản.
Ngành nông nghiệp huyện Mường La cũng tiến tới xây dựng cơ sở sản xuất giống thủy sản ở xã Mường Bú, Chiềng Lao và thị trấn Ít Ong; xây dựng các bến cá, chợ cá và một số điểm tập kết truyền thống ở xã Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Tạ Bú và thị trấn Ít Ong... Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao nguồn thu nhập cho người dân các xã vùng dọc sông Đà. |
Tag: người dân vùng lòng hồ sông đà nuôi cá, nuôi cá lồng ở mường la, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá lồng, nuôi cá lồng ở sơn la, nuôi cá lồng ở mường trai mường la, cách chăm sóc nuôi cá lồng
Đăng nhận xét