3 lần sinh mổ đều thuận buồm xuôi gió, lần sinh mổ thứ 4 lại như một cơn ác mộng với chị Nguyễn Tâm. Đến bây giờ nhớ lại chị vẫn thấy mình là người liều lĩnh.
Bé Beo Thảo An - bé thứ 4 nhà chị Nguyễn Tâm.
7 tháng sau lần vượt cạn thứ 4 đã trôi qua nhưng đến bây giờ chị Nguyễn Tâm (29 tuổi, Ninh Bình) vẫn không thể tin được mình đã trải qua lần sinh mổ “thập tử nhất sinh” ngoạn mục như thế. Chỉ trong vòng 8 năm với 4 lần sinh mổ, đặc biệt, chị từng bị bác sĩ mắng té tát vì đẻ dày, dám phớt lờ lời khuyên khoảng cách giữa 2 lần sinh mổ nhưng sau tất cả chị hạnh phúc vì sự liều lĩnh của mình.
4 nhóc tì nhà chị Nguyễn Tâm.
Vết sẹo dài chồng chất của 4 lần sinh mổ ở bụng, những ngày nguy kịch tưởng chừng không thể trụ nổi khi mổ lần thứ 4 đã được xoa dịu bằng nụ cười của 4 nhọc tì.
Chị Tâm kể 4 bé nhà chị đều chào đời bằng phương pháp sinh mổ, bé Bống 8 tuổi, bé Bang 5 tuổi, bé Bo 3 tuổi và bé Beo 7 tháng tuổi.
“Bé đầu tiên vì quá ngày dự sinh, hơn nữa mình lại chứng kiến một ca sinh thường đến ngất xỉu nên chồng mình quyết định để vợ sinh mổ. Thế là từ đó các bé đều phải sinh mổ. Lần sinh bé thứ 3 chỉ cách bé thứ 2 một năm nên mình bị bác sĩ mắng té tát vì đẻ dày, không nghe lời khuyên cách ít nhất 3 năm giữa 2 lần sinh mổ”, chị Tâm mỉm cười nhớ lại.
Sinh ba bé đầu chị Tâm đều rất khỏe mạnh, sau sinh 2 ngày chị có thể đứng dậy tập đi. Dù phải chăm sóc các con ở độ tuổi còn nhỏ nhưng chị vẫn không áp lực, vẫn đủ sữa cho con bú và không gặp phải các vấn đề về tâm lý, trầm cảm sau sinh như nhiều bà mẹ khác.
Thế nhưng, sinh mổ 3 bé đầu thuận lợi bao nhiêu, đến bé thứ 4 chị lại gặp khó khăn bấy nhiêu. Đến bây giờ nhớ lại, chị cảm thấy mình vừa là một bà mẹ siêu nhân nhưng cũng vừa liều lĩnh.
Bé Bống 8 tuổi, bé Bang 5 tuổi, bé Bo 3 tuổi.
Chị Tâm tự nhận mình là người được lộc về con cái nên lần mang thai bé Beo dù gặp nhiều nguy hiểm nhưng chị vẫn chủ quan, nghĩ rằng “mổ đẻ như mổ gà”. Đặc biệt, chị liều lĩnh đến mức không làm thủ thuật hút thai khi không thấy tim thai ở tuần thứ 6.
“Mang thai bé Beo đến tuần thứ 6 mình bị xuất huyết. Khi đi siêu âm ở một phòng khám họ nói không có tim thai. Mình bủn rủn, khóc, lặng người. Mình đồng ý làm thủ thuật hút thai nhưng vì 3 lần sinh mổ trước kéo cổ tử cung cao hơn nên họ khuyên mình vào viện làm. Thay vì vào viện, mình về nhà nằm khóc, kệ mọi chuyện, kệ bản thân.
Một tháng sau, mình hoang mang khi không thấy đến kỳ và giật mình khi que thử thai xuất hiện 2 vạch đỏ. Mình đi siêu âm lại rất bất ngờ vì bé Beo vẫn còn ở lại, khỏe mạnh ở tuần thứ 12”, chị Tâm nhìn con âu yếm.
Bé Beo Thảo An - bé thứ 4 nhà chị.
Thai kỳ của chị cứ thế trôi qua bình yên đến tháng thứ 6, chị bị xuất huyết, bác sĩ thông báo chị bị nhau tiền đạo bám mép cổ tử cung vì đa sản, sinh mổ 3 lần trước.
Mặc dù biết mình sẽ gặp nguy hiểm, 3 tháng cuối thai kỳ sẽ bị xuất huyết nhưng chị vẫn không quan tâm đến bản thân mà chỉ lo cho con. Sau 3 ngày nghe lời bác sĩ nghỉ ngơi, tránh đi lại, làm việc nặng nhọc, tình trạng xuất huyết của chị không còn và chị tiếp tục yên tâm đến khi thai được 29 tuần 4 ngày.
Đến bây giờ chị vẫn nhớ mãi ngày 10/1, cái ngày tưởng chừng như chị và con không còn trụ nổi, trong kí ức chị vẫn còn lờ mờ về hình ảnh 7-8 bác sĩ chạy theo đẩy xe vào phòng cấp cứu.
“Khoảng 10h sáng, mình đột nhiên thấy khó thở, ra rất nhiều máu khi đi vệ sinh, buốt lưng và những cơn gò đau ở bụng dưới xuất hiện. Mình chóng mặt, thở gấp. Sau khi gọi cho chồng và em gái, mình được đưa gấp vào Bệnh viện Sản nhi Ninh Bình cách nhà khoảng 15km.
Hầu như mình không nhớ rõ mọi việc sau đó như nào, chỉ láng máng nghe được vài câu bác sĩ hỏi và hình ảnh lờ mờ khoảng 7,8 bác sĩ chạy đẩy xe 2 bên. Mình không còn nhận biết được gì”, chị Tâm kể lại.
Vì bất tỉnh nên chị không biết mình đã trải qua giai đoạn thập tử nhất sinh như nào. Chị chỉ biết rằng, điều chị ý thức được đầu tiên là cảm giác đau bụng dưới và lời thắc mắc trong đầu “Tại sao bác sĩ vẫn chưa cứu con”. Thế nhưng, khi sờ tay xuống bụng lép xẹp, có bông băng vết mổ chị với giật mình mở mắt. Và hình ảnh đầu tiên chị thấy đó là sự ấm áp, nụ cười của chồng “Em tỉnh rồi à? Vậy là tốt rồi!” cùng lời thông báo của chồng “Con vẫn ổn” khi chị hỏi tới.
Hiện chị Tâm nặng 43kg, chị giảm 5kg so với thời con gái.
“Khi nghe mọi người kể lại mình vẫn còn rùng mình. Mình nhập viện, máu và nước ối ra rất nhiều nên được đưa vào phòng cấp cứu. Tất cả các bác sĩ, y tá tập trung vào ca sinh mổ của mình bởi cơ may sống sót của 2 mẹ con lúc đó là 50/50 và có thể phải cắt bỏ một số bộ phận trong ổ bụng của mình.
Mẹ, chồng và em gái cũng phải ký vào tờ giấy cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm nếu có chuyện xấu xảy ra dù bác sĩ đã cố gắng hết sức.
Khắp người mình toàn những dây rợ: truyền máu, truyền thuốc, ống thông tiểu, ống lưu xông ổ bụng. Thậm chí ở cổ cũng có 3 sợi dây truyền máu qua động mạch chủ vì mình bị trụy tim.
Chồng mình kể rằng, lúc đó anh được bác sĩ gọi vào và tận mắt chứng kiến cảnh vợ nằm trên bàn mổ, chân tay co giật, ra nhiều máu. Đó như là một cơn ác mộng của anh”, chị Tâm chia sẻ.
Chị Tâm cho biết, 5 ngày sau sinh chị phải nằm một chỗ, vệ sinh ăn uống đều làm tại giường, một mình chồng chị đều đảm đương hết. Thậm chí, bà nội, bà ngoại giành việc chăm vợ, chồng chị cũng không chịu. Anh không nề hà kể cả những việc tế nhị nhất.
“Cứ nửa tiếng, một tiếng, anh lại bắt mình ăn và uống sữa có lẽ vì mình yếu và thiếu máu.
Sinh 3 bé trước anh chỉ bế con còn việc chăm vợ để mẹ chồng làm nhưng sinh bé thứ 4 một tay anh chăm mình hết từ lau người, thay băng vệ sinh, giúp mình đi vệ sinh tại giường đến đổ bô khiến mình cũng ngại. Mọi người xung quanh phòng cũng phải xì xào vì những việc tế nhị này toàn mẹ chăm con.
Chồng mình hơi khô khan, yêu và lấy nhau 11 năm anh không bao giờ nói yêu nhưng hành động thì ngược lại.
Mình bị vậy cũng trêu“chắc tí thì góa vợ nên chịu khó thế”, chồng mình cũng trêu lại “ Tí thì có vợ mới”, chị Tâm nở nụ cười.
Ngày nào chị cũng đến viện sớm để vắt sữa gửi vào cho con. Vì tiêm truyền nhiều quá nên chị ít sữa hơn.
Đối với chị Tâm, 7 ngày sau sinh là 7 ngày chị phải đối mặt với những cơn đau khắp người vì vết mổ, những lần tiêm truyền nhưng có lẽ những nỗi đau đó cũng không bằng nỗi đau không được nhìn thấy con. Sau sinh, thông tin về con chị biết chỉ ít ỏi qua bảng thông báo đều đặn vào 4h chiều với vỏn vẹn 2 từ: thở CPAP (thở áp lực dương liên tục), nhịn ăn cùng với lời kể của mọi người, con nặng 1,1kg.
Mỗi lần qua khu chăm sóc dành cho con, chị luôn thâm nói với con gái "Cố lên nhé, có mẹ ở đây rồi”.
Khoảng thời gian không được gặp con có lẽ là khoảng thời gian khó khăn, đau khổ nhất của chị bởi 2 mẹ con chỉ cách nhau một tấm kính như xa nghìn km, rồi những ngày chị khóc nghẹn không thành tiếng vì không có sữa vắt cho con dù chỉ là 3ml và cả những ngày chùm kín chăm khóc một mình khi nhìn thấy các mẹ khác được bế con.
“Sau 20 ngày, mình mới được gặp con, được ghép con. Lần đầu nhìn con vừa lạ lẫm lại xót xa. Con bé tí xíu như cân đường, nhăn nhúm. 27 ngày tiếp, con nằm phòng ấp kangaroo.
Thời điểm đó đúng vào dịp Tết và Valentine, mình ở đó tủi thân khủng khiếp. Chồng mình được nghỉ 2 ngày ra viện với vợ cũng đỡ hơn phần nào. Ngày nào chồng cũng tranh thủ, đi làm từ 5h-18h về lại vào viện ấp kangaroo cho con thay vợ”, chị Tâm kể.
Hiện giờ, ngôi nhà nhỏ của chị Tâm đang đầy ắp tiếng cười trẻ thơ. Nhìn 3 con chơi đùa bên em, chị lại mỉm cười hạnh phúc.
Sau 47 ngày nằm viện, bé Beo đã được về nhà. Hiện nay, bé đã được 7 tháng tuổi nặng 7kg. Mỗi lần nhìn con ngủ say, chị lại hạnh phúc bởi 2 mẹ con chị đã cùng vượt qua tất cả những khó khăn.
Chia sẻ về vấn đề sinh mổ dày, bác sĩ Nguyễn Thùy Nhung (Phó trưởng khoa sản, bệnh viện E) cho biết: "Ở Việt Nam, tại các bệnh viện lớn thường quy định khoảng thời gian trên dưới 2 năm, người mẹ có thể có mang thai trở lại, nhưng trên thế giới lại không có quy định bao lâu sinh mổ xong mới có thai vì điều này còn phụ thuộc vào chất lượng sẹo mổ cũ và cơ địa của từng bệnh nhân. Tuy nhiên chúng tôi cũng khuyên các bệnh nhân sinh mổ không nên có thai lại quá sớm, tốt nhất cũng nên sau 2 năm mới nên có thai trở lại". Bác sĩ cũng thông tin thêm rằng không có quy định tối đa cho việc sinh mổ thường khi bệnh nhân đã phẫu thuật lấy thai 2 lần thì đến lần phẫu thuật thứ 3 chúng tôi đều khuyên bệnh nhân nên thắt vòi tử cung để tránh thai. Tuy nhiên còn tùy thuộc vào từng trường hợp, hoàn cảnh của bệnh nhân. Có những bệnh nhân phẫu thuật 3 lần nhưng họ mới có một em bé nuôi được chúng tôi cũng cân nhắc có thể cho phép bệnh nhân sinh mổ đến lần thứ 4. "Những trường hợp mổ đi mổ lại nhiều lần ngoài những nguy cơ của phẫu thuật nói chung như tai biến của gây tê, gây mê, nguy cơ chảy máu, nguy cơ nhiễm trùng thì còn thêm nguy cơ tổn thương các tạng trong ổ bụng vì thường sẹo mổ cũ sẽ có nguy cơ dính các tạng vào vết mổ thành bụng, đặc biệt là bàng quang, vì thế những lần phẫu thuật sau bao giờ cũng nguy cơ cao hơn những lần phẫu thuật trước", bác sĩ cho biết. |
Mang bầu sớm sau đẻ mổ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé nên chị Lan Anh nhiều lần được bác sĩ khuyên bỏ thai.
Theo Hồng Nhung (Ảnh: NVCC) (Khám phá)
Đăng nhận xét