Gần đây, các trang tin tức Trung Quốc đưa tin cặp sinh đôi 2 tuổi ở Đài Loan bị nhiễm trùng huyết vì cha mẹ đã để 2 đứa trẻ ăn trứng sống.
Cặp chị em sinh đôi đến từ Đài Loan đã bị sốt cao liên tục lên đến 39 độ C kèm theo tiêu chảy, phân có máu. Sau khi khám cẩn thận, bác sĩ chẩn đoán hai đứa trẻ bị nhiễm khuẩn Salmonella dẫn đến nhiễm trùng huyết.
Theo lời kể của gia đình thì trước đó cả nhà đã ăn món lẩu sukiyaki – loại lẩu dùng nước chấm là trứng gà sống đánh tan. Đây chính là nguyên nhân khiến cho 2 đứa trẻ bị nhiễm trùng huyết nghiêm trọng.
Tại sao trứng lại nhiễm Salmonella?
Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính có gần 12 triệu trường hợp nhiễm Salmonella xảy ra mỗi năm tại Mỹ, gây ra khoảng 450 ca tử vong. Đây là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm rất phổ biến. Salmonella là vi khuẩn có tới hơn 2000 loài, một loại vi khuẩn gây ngộ độc rất phổ biến.
Có nhiều cơ hội để vi khuẩn có thể nằm trong một quả trứng dù không bị nát, vỡ. Vi khuẩn Salmonella có thể định hình trứng của gà và "chui" vào trứng trong quá trình hình thành, điều đó có nghĩa là trứng được đẻ ra đã có chứa sẵn vi khuẩn Salmonella bên trong. Vì vậy những quả trứng nhìn có vẻ bình thường vẫn có thể chứa vi khuẩn Salmonella bên trong.
Bác sĩ Li Hongzhi cho biết Salmonella có thể thấy trong trứng, sữa, thịt,...
Nhiễm khuẩn Salmonella cũng có thể xảy ra sau khi gà đẻ trứng, bởi vì trong ruột gà cũng có thể có Salmonella và loại vi khuẩn này đi ra ngoài theo phân gà, phân gà dính vào trứng trong chuồng, trong ổ và dây sang trứng.
Bác sĩ Li Hongzhi, trưởng khoa Nhi tại bệnh viện đại học châu Á cũng cho biết Salmonella không chỉ có trong trứng mà nó có thể tồn tại ở các thực phẩm khác như sữa, thịt,…
Triệu chứng khi nhiễm phải Salmonella là gì?
Người già, trẻ em, phụ nữ có thai và người có hệ thống miễn dịch kém, ví dụ như bệnh nhân HIV/AIDS, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân tiểu đường, bệnh nhân được ghép tạng,... có nguy cơ cao lây nhiễm Salmonella, và có thể phát triển thành một căn bệnh nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.
Những triệu chứng khi bị nhiễm Salmonella gồm tiêu chảy, sốt, đau bụng,… sẽ diễn ra sau khi nhiễm khuẩn từ 6-48 tiếng. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 4-7 ngày và có thể tự khỏi.
Tuy nhiên nếu người bệnh bị tiêu chảy liên tục trong nhiều ngày thì cần đưa tới bệnh viện. Bởi Salmonella lây lan từ ruột vào máu, và sau đó có thể sẽ lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể, nếu không được điều trị kịp thời bằng kháng sinh có thể dẫn đến tử vong.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Sốt cao (trên 38,5 độ C);
- Tiêu chảy trong hơn 3 ngày và tình trạng không được cải thiện;
- Máu trong phân;
- Nôn mửa kéo dài, không thể ăn thức ăn lỏng;
- Triệu chứng mất nước, chẳng hạn như rất ít nước tiểu, khô miệng và cổ họng;
- Cảm thấy chóng mặt khi đứng lên.
Cách ăn trứng tránh nhiễm khuẩn Salmonella
Một số trẻ thích ăn lòng đỏ trứng chưa chín, nhưng phương pháp nấu này không an toàn. Theo khuyến nghị của CDC Hoa Kỳ, cần tuân thủ những điều dưới đây để giảm nguy cơ nhiễm Salmonella:
Thứ nhất, lòng đỏ trứng phải được nấu chín. Khi nấu các món ăn có trứng, nhiệt độ phải ít nhất 71 độ C.
Thứ hai, thực phẩm có chứa trứng cần phải được ăn ngay sau khi nấu hoặc để trong tủ lạnh kịp thời nếu không ăn hết. Không bảo quản trứng hoặc thức ăn làm từ trứng trong môi trường ấm hoặc ở nhiệt độ phòng trong hơn 2 giờ, không được bảo quản trứng trong hơn 1 giờ trong môi trường có nhiệt độ cao hơn 32 độ C.
Thứ ba, rửa tay và các vật dụng đã tiếp xúc trực tiếp với trứng sống, bao gồm bàn ăn, đồ dùng, đĩa, thớt,...
Chủ quan với vết xước nhỏ, người đàn ông đã mắc căn bệnh Whitmore, nhiễm khuẩn huyết nguy kịch đến tính mạng.
Theo Hoàng Dương (Dịch từ Sohu) (Khám phá)
Đăng nhận xét