Hoa hồng có rất nhiều màu sắc và nhiều giống loài khác nhau, phải đến hơn 100 loại, phân bố ở nhiều nơi khắp thế giới. Lý do chúng trở nên phổ biến như thế không những vì hương và sắc mà còn nhờ sức sống cao, chỉ cần một cành nhỏ là đã có thể trồng được một bụi lớn.
1. Đặc điểm của hoa hồng
- Thân: Hoa hồng là loại cây thân gỗ, thường mọc thành từng bụi. Ở thân và cành có nhiều gai nhọn và cứng.
- Lá: Lá của hoa hồng là dạng lá kép, mọc ở khắp thân. Tùy thuộc vào từng giống hồng khác nhau mà mỗi lá lớn lại chứa từ 3 – 9 lá con.
- Hoa: Hoa hồng có thể mọc đơn hay từng cụm ở đầu cành. Mỗi bông hoa có rất nhiều cánh do nhị đực biến thành, chúng xếp cuộn tròn lại một cách khéo léo xung quanh một hình nón nhọn ở giữa. Hoa có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, hồng, đỏ, vàng, cam, xanh,… với mùi hương dễ chịu.
- Đế hoa hình chén màu xanh.
- Quả: Là dạng quả bế, tụ nhau trong đế hoa, dày lên thành quả. Mỗi quả chứa rất nhiều hạt nhỏ li ti.
2. Cách trồng hoa hồng bằng cành
2.1 Thời vụ
Trồng hoa bằng cành thực chất chính là phương pháp giâm cành, và hầu như thời điểm nào cũng có thể thực hiện được. Song thời gian được cho là tốt nhất để giâm cành rơi vào khoảng từ tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 8 đến tháng 10.
Khi giâm cành vào mùa mưa khá tốt, như vậy sẽ đỡ công tưới nước. Còn giâm vào mùa nắng thì phải theo dõi tưới nước thường xuyên, luôn luôn giữ đất ẩm thì cành mới đâm rễ và mọc lên tươi tốt được. Đồng thời khi giâm cành vào mùa nắng phải giâm ở nơi có bóng râm hoặc phải làm giàn che ở bên trên.
2.2 Đất để giâm cành
Để giâm cành hồng, nên giâm trong loại đất trấu hun, được trộn thêm với một chút phân hữu cơ như phân bò hoai mục hay phân trùn quế.
Khi giâm, cần xới đất cho tơi và tưới thêm nước cho đủ ẩm. Lúc giâm, nên cắm cành sâu khoảng 2 cm thẳng đứng, không nghiêng ngả.
2.3 Chọn giống hoa hồng để giâm cành
Để tỉ lệ thành công cao nhất nên chọn những loại hồng dễ sống như hồng rừng, hồng dại, song những loại này có hoa không đẹp lắm. Những loại hồng khác tuy sức sống không cao những vẫn có thể giâm được.
Bên cạnh đó, có loại hồng không thể giâm được vì trong thân cây chỉ chứa ít tinh bột nên cây không đủ khả năng tự tạo rễ mới, nên nếu giâm cành sẽ chết.
2.4 Kỹ thuật chọn cành giâm
Một trong những khâu quan trọng của cách trồng hoa hồng bằng cành là chọn cành giâm.
Chọn cành giâm tốt cũng là một yếu tố tất yếu quyết định mức độ thành công của việc nhân giống hoa hồng. Tốt nhất, nên chọn những đoạn giữa của cành, gốc hay ngọn đều được, chọn những càng đang ở giai đoạn mang hoa, phải là cành bánh tẻ, không quá già và không quá non.
Cành dùng để nhân giống là những cành thẳng, tươi khỏe và mới mọc trong vòng 1 năm.
2.5 Kỹ thuật cắt cành giâm
Sau khi đã chọn được cành khỏe mạnh, dài chừng 20 cm, dùng một cái dao hoặc kéo thật sắc để không làm dập gốc cành, cắt xéo một góc 45 độ. Cắt bỏ đi những nụ hoa đã tàn, toàn bộ lá và gai ở phần dưới, còn phần trên có thể tỉa hay để lại đều được.
Cành ngay sau khi cắt cần ngâm vào dung dịch kích thích mọc rễ và đem trồng ngay để tránh vi khuẩn thâm nhập, làm chết cành hồng.
2.6 Chi tiết cách trồng hoa hồng bằng cành
Như đã nói trên đây, trồng hoa hồng bằng cành chính là giâm cành, là phương pháp dùng một đoạn thân từ cây mẹ đem cắm xuống đất, sau thời gian chăm sóc thì đoạn thân này sẽ mọc rễ mới và phát triển thành một cây mới.
Để giâm cành, đào một cái hố vừa đủ trong chậu trồng, làm cho đất tơi lên và tưới thêm nước cho đủ ẩm. Cắm cành hồng xuống sâu 1.5 – 2 cm, thẳng đứng. Sau đó vun đất lên, nén chặt gốc cho cành không bị lung lay.
2.7 Phân bón
Sau khi giâm, chăm sóc cành hồng cũng không gặp quá nhiều khó khăn, chỉ cần cung cấp đủ nước, không để đất quá ẩm làm cành hồng bị úng là được.
Khi cành bắt đầu ra lá, có thể dùng một số chất kích thích để kích cây phát triển nhanh và nở hoa to như IAA hay NAA, hay một số chất phổ biến hơn như Antonik hay N3M, Super Roo.
3. Một số lưu ý khi trồng hoa hồng bằng cành
- Không nên quá tham những giống hồng đẹp nhưng khó lai tạo, tỉ lệ thành công thường không cao. Nên có sự tìm hiểu về giống trước để có thể có được một bụi hồng mới có sức sống mà vẫn đủ đẹp.
- Dụng cụ dùng để cắt cành (dao, kéo) phải được vệ sinh trước và thật sự sắc để vết cắt ngọt, mịn.
- Trồng cành ngay sau khi cắt, hoặc có thể ngâm trong dung dịch kích thích mọc rễ trước khi đem trồng, song mọi thao tác cần phải nhanh.
- Khi giâm, nên chọn giâm ở những vị trí râm mát hay có mái che.
- Chỉ nên cắm cành hồng xuống sâu 2cm mà thôi, nếu sâu hơn, có thể sẽ không mọc rễ được.
- Sau khi giâm nên duy trì theo dõi thường xuyên để bổ sung đủ nước, dưỡng chất phục vụ cho sự phát triển của hoa hồng.
4. Chăm sóc chậu hồng sau khi giâm
Tưới nước
Nên dùng vòi phun nhẹ để tưới nước đều cho chậu hoa hồng vào buổi sáng và lúc chiều mát nếu vào những ngày nắng gắt. Tưới nước vào buổi chiều không nên tưới quá trễ để lá và hoa không còn bị dính nước.
Đối với cách trồng hoa hồng bằng cành trong chậu, chậu chứa lượng đất ít nên khả năng giữ nước thường không cao, vì thế cần tưới nước thường xuyên. Tùy vào điều kiện, môi trường trồng mà điều chỉnh liều lượng cho phù hợp.
Bón phân
- Sau khi trồng được 3 – 5 ngày: Phun phân bón lá như Atonik, ba lá xanh 16.16.8, rong biển, HVP 30.10.10,… để bộ rễ tốt, ra hoa màu sắc đẹp hơn. Lưu ý: không được tưới phân lên hoa.
- Sau khi trồng được 10 – 15 ngày: Thời điểm cây ra rễ và phát lá non, bổ sung thêm phân hạt như phân dơi, NPK, DAP hay Dynamic. Bón xung quanh gốc cây, không được quá gần gốc sẽ ảnh hưởng đến rễ cây, sau đó lấp đất lại và tưới nước để giúp cây hấp thụ tốt dinh dưỡng.
Định kỳ phun bón lá 1 lần và 1 lần bón gốc xen kẽ hằng tháng.
Cắt tỉa
Nên thường xuyên cắt bỏ lá hoa hư, hoa tàn, lá héo úa. Đối với hoa đã nở nên cắt bỏ, khi cắt cần cắt bấm ngọn thêm hai tầng lá để cành hoa có sức đâm nhánh mới, cho ra những nụ hoa mới.
Chú ý quan sát, nếu thất cây cho nhánh mới mập mạp, màu tía đậm tức là cây đã được cung cấp đủ dinh dưỡng. Còn nếu cành mới ốm yếu, vống cao thì nên bổ sung thêm dinh dưỡng, tăng cường chăm sóc cho lần tỉa nhánh sau.
Phòng chống sâu bệnh hại
Nên tưới đủ nước cho hoa hồng, không những để lá cây quang hợp tốt mà còn tránh bị nhện đỏ, khi cây quá khô sẽ dễ xuất hiện nhện đỏ hút chích, khiến lá cây bị nhạt màu, vàng úa, quăn queo rồi rụng dần, cây bị suy yếu. Lúc này cần tưới đủ nước, bón thêm phân bón lá, bổ sung dưỡng chất cho hoa hồng.
Trường hợp hoa hồng bị rệp sáp, xuất hiện các chấm trắng gần ngọn hay dưới mặt lá thì dùng tay ngắt bỏ lá, tiêu diệt các đốm trắng đi. Còn nếu bệnh lan rộng, nặng hơn thì nên chọn và sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp, không gây độc hại cho môi trường và sức khỏe con người.
5. Thu hoạch hoa hồng
Trước khi thu hoạch, nên tưới nhiều nước hơn bình thường để cây có thể dự trữ nước cho hoa.
Để thu hoạch cành hoa hồng đối với cách trồng hoa hồng bằng cành, nên cắt vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, thời điểm này cây còn nhiều nhựa, nhiều nước nên cũng sẽ tươi lâu hơn, lâu héo hơn.
Khi cắt, dùng dao bén hoặc kéo cắt cây để không làm dập. Cắt từ dưới chỗ bánh tẻ lên chừa ra 3 lá thì nhánh hoa còn lại sẽ mọc thêm 3 chồi mới. Sau khi cắt, phải cắm ngay cành hồng vào nước sạch.
Đối với nhánh hồng gốc, tỉa bớt đi 1 nhánh xấu, chừa lại 2 nhánh khỏe mạnh hơn, như vậy hoa nở sẽ to và đẹp hơn nhiều.
Đăng nhận xét