Cách đánh vần “lạ” đã được thử nghiệm gần... 10 năm

Cách đánh vần “lạ” gây tranh cãi

Đoạn clip phản ánh một giáo viên đứng trên bục giảng, hướng dẫn các vị phụ huynh dạy con em mình đánh vần các từ “k”, “qu” theo chương trình mới đều phải đọc là “c”, hay thay đổi cách đánh vần của các từ “iên”, “uôn”. Clip này ngay lập tức gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Đa số ý kiến đều bày tỏ sự hoang mang và lo ngại không biết đây thực sự có phải là chương trình giáo dục mới? Thậm chí được ví như đang triển khai cách đọc như cải tiến Tiếng Việt thành “Tiêw Việt” của PGS Bùi Hiền trước đó.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên tiểu học đã lên tiếng chỉ ra rằng, đây là cách đánh vần theo Chương trình sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Trong những năm gần đây, Chương trình này đã được Bộ GD&ĐT thông qua và triển khai thí điểm tại một số trường trên phạm vi cả nước. Cụ thể, Chương trình Tiếng Việt Công nghệ giáo dục, riêng các âm: gi; r; d đều đọc là “dờ” nhưng cách phát âm khác nhau. C, k, q đều đọc là “cờ”. Ví dụ, “qua” đọc là “cờ - oa - qua”. Ngoài ra, cuốn sách thay đổi cách đánh vần các tiếng/iên/,/uôn/…

cach danh van “la” da duoc thu nghiem gan... 10 nam - 1

Sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục với khá nhiều cuốn khác nhau. Ảnh: TL

Dù tại Hà Nội, sách giáo khoa trên đã được áp dụng tại Trường Tiểu học Thực nghiệm từ nhiều năm nay, song với không ít giáo viên, phụ huynh Thủ đô vẫn còn lạ lẫm, thậm chí không mấy đồng tình với phương pháp dạy và đọc “kiểu mới” này. Một số giáo viên tiểu học cho rằng, cuốn sách này rất bất lợi cho học sinh lớp 1 vì các con mới bắt đầu tiếp xúc với ngôn ngữ đọc, viết và rất dễ bị lẫn lộn cách đọc và học.

Còn với phụ huynh, độ “vênh” giữa phụ huynh và con em dẫn đến không thể dạy nổi con mình. “Nếu như lớp 1 học chương trình công nghệ giáo dục, nhưng lên lớp 2 lại trở về với cách đọc và học phổ biến thì thà học luôn lúc đầu cho đỡ mất thời gian thay đổi. Cách học nào cũng có những ưu điểm, nhược điểm. Nhưng nếu xây dựng nhiều chương trình khác nhau sẽ tạo thói quen khác nhau đối với học sinh và mang tính lâu dài, thống nhất trong toàn quốc”, anh Việt Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) có con học lớp 1 tâm sự.

Có nên triển khai đại trà?

Cách đánh vần này hiện đang được triển khai tại một số địa phương ở vùng khó khăn, miền núi. Thậm chí một số thành phố lớn như Hải Phòng cũng áp dụng thử nghiệm từ vài năm trước tại một số trường. Theo ghi nhận, tại Hải Phòng, một số trường tiểu học cũng đã áp dụng thử nghiệm từ năm học 2015 - 2016 tới nay. Song, nhiều ý kiến giáo viên, phụ huynh cho rằng, bộ sách Công nghệ giáo dục bao gồm cả sách Tiếng Việt và Giáo dục lối sống, hai bộ sách này cũng khá nhiều quyển, chỉ riêng môn Tiếng Việt mà có hơn 10 quyển sách. Cách đánh vần có thể giúp được học sinh tiếp cận nhanh và dễ đọc, song chương trình lại không đồng bộ dẫn đến chỉ là mang tính thử nghiệm từ năm này qua năm khác.

Bộ GD&ĐT cho biết, sau khi đoạn clip giáo viên dạy đánh vần “lạ” xuất hiện trên mạng Internet, Bộ đã xác minh, thấy đây không phải chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là một trong năm phương án dạy học và tăng cường Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số được Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2008-2009. Sau đó, Bộ chủ trương mở rộng chương trình này để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh tiểu học và hiện đang được áp dụng thử nghiệm tại nhiều địa phương.

Nhận xét về cách đánh vần theo Chương trình Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, TS Đặng Lộc Thọ, nguyên Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương cho rằng, so sánh giữa hai cách đánh vần có thể thấy, cách đánh vần mới không dễ hơn so với cách đánh vần cũ. Nếu phương pháp đánh vần truyền thống có chỗ nào khó quá, trong khi cách đánh vần mới thuận tiện hơn thì thay đổi.

“Nhà trường áp dụng đánh vần theo cách mới, phụ huynh phải “học” theo để dạy con em mình. Nếu không luyện tập chương trình đánh vần mới, phụ huynh không thể dạy được cho con em mình học. Vì nếu dạy con theo cách truyền thống trong khi con học Chương trình Giáo dục công nghệ sẽ làm đứa trẻ khó tiếp thu. Do đó, nếu không chỉ ra rằng cách đánh vần mới khoa học hơn cách cũ thì không nên thay đổi”, TS Đặng Lộc Thọ chia sẻ thêm.

Theo Ban Soạn thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, trong Chương trình Tiếng Việt lớp 1 không áp dụng những cải cách cách đánh vần tiếng Việt như sách Tiếng Việt Công nghệ giáo dục đang thí điểm tại nhiều địa phương. Chương trình Tiếng Việt mới sẽ vẫn theo phương pháp truyền thống, tập trung dạy học sinh các kỹ năng đọc - viết, nghe - nói, không dạy các kiến thức, khái niệm chuyên sâu về ngữ âm học.

Phụ huynh phát sốt với cách đánh vần cờ-oa-qua-hỏi-quả
Nhiều địa phương đang áp dụng chương trình dạy theo Công nghệ giáo dục, điều này khiến nhiều phụ huynh phát sốt, lo lắng vì không thể dạy kèm được con...
Theo Quang Anh (Gia đình & Xã hội)