Vừa qua, dân mạng xôn xao chia sẻ câu chuyện tình cảm động về 1 người lính Mỹ và cô thiếu nữ người Việt trong những năm chiến tranh.
Trong câu chuyện ấy, người lính Mỹ và cô gái người Việt là mối tình đầu của nhau. Biến cố lịch sử khiến tình yêu của họ bị chia rẽ, sau nhiều năm gặp lại thì cô gái đã có chồng con, còn chàng trai thì vẫn một mình. Kết chuyện, chàng trai qua đời bởi bệnh tật, anh để lại cho cô cùng các con món thừa kế giá trị cùng lời trăn trối: "Nếu có kiếp sau, xin em đừng nói lời xin lỗi".
Đăng cùng câu chuyện trên là một bức ảnh minh họa: một chàng lính Mỹ đeo kính và một cô gái Việt có mái tóc đen óng, cả hai nắm tay và nhìn nhau đầy yêu thương. Nhiều người tin rằng đó chính là 2 nhân vật thực sự của câu chuyện. Và sự thật đằng sau bức ảnh này là một câu chuyện hoàn toàn khác với những gì dân mạng đang chia sẻ rầm rộ.
Câu chuyện tình cùng bức ảnh đang được chia sẻ rầm rộ trên mạng
Mối tình giữa 2 con người xa nhau 8.500 dặm và 45 năm đằng đẵng
Một mình trong căn phòng khách sạn ở một thị trấn nhỏ của Việt Nam, Jim Reischl chờ đợi trong lo lắng. Người cựu binh Mỹ ở Việt Nam đã vượt 8.500 dặm, cùng cái khớp gối đã già nua, cho cuộc hội ngộ sau bao năm này.
"Tôi thực sự rất mong chờ", ông nói. "Ôi, tôi đã không gặp cô ấy suốt 45 năm nay!"
Rồi ông bước tới gõ cửa.
Đằng sau cánh cửa ấy là người phụ nữ mà ông đã bỏ lại sau khi rời khỏi Sài Gòn vào tháng 7 năm 1970. Đó là một cô chủ quán bar trẻ. Cô ấy đã nói với ông rằng mình đang mang thai. Ông không tin cô, nhưng cũng chưa bao giờ ngừng nhớ về cô. Và giờ thì có lẽ cô ấy sẽ một lần nữa bước vào cuộc đời của ông.
8.500 dặm, 45 năm, và một câu chuyện tình
Reischl, 68 tuổi, đã đến Việt Nam với tư cách là trung sĩ không quân ngày ông là một chàng trai 21 tuổi và được đóng tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất bên ngoài Sài Gòn, giờ là Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đợt đóng quân kéo dài một năm, ông trở lại Minnesota, trở thành một nhà lập bản đồ chính phủ, đã kết hôn hai lần. Ông có một người con trai nhưng cậu bé bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy nhiên, sau bao năm tháng, ông vẫn chưa bao giờ quên "người phụ nữ đầu tiên của mình".
Khoảng năm 2005, sau khi cuộc hôn nhân thứ hai kết thúc, Reischl bắt đầu tìm kiếm người phụ nữ mà anh chỉ nhớ có cái tên là “Linh Hoa” - và đó không phải tên thật của cô.
Ông bắt đầu bằng cách tìm thông tin trên Internet, và cuối cùng cũng liên lạc được với Father Founded, một tổ chức giúp các cựu binh tìm lại được "con rơi" của họ thông qua thử nghiệm DNA và các phương tiện khác.
Uớc tính có khoảng 100.000 trẻ em đã được sinh ra giữa lính Mỹ và phụ nữ Việt trong chiến tranh Việt Nam, hầu hết trong số họ đã di cư sang Hoa Kỳ. Nhiều trẻ đã được nhận nuôi bởi các gia đình người Mỹ.
Từ năm 2012, với sự giúp đỡ của các tình nguyện viên Father Founded, Reischl đã đến Việt Nam năm lần, nói chuyện với các nhà báo và để lại những mẩu nhắn trên các tờ báo địa phương.
“Tôi đang tìm em. Dù đã nhiều năm trôi qua rồi. Không phải tôi muốn nối lại mối quan hệ hay gì. Tôi chỉ muốn em biết rằng tôi vẫn đang tìm em. Tôi chỉ muốn được một lần nữa trò chuyện với người phụ nữ tuyệt vời mà tôi biết vào năm 1969 và 1970.”
Mùa xuân năm ngoái, trong một chuyến đi của tờ Washington Post như một phần của dự án về trẻ em Mỹ ở Việt Nam, Reischl trở lại thăm căn hộ cho thuê với giá 5$/tháng. Đó là nơi mà cặp đôi đã dành những ngày lười biếng để ở bên nhau, xem các chương trình trên chiếc tivi đen trắng và nghe các bản nhạc bất hủ của Beatles và Blind Faith. Ông vẫn nhớ ngày cô nói với ông rằng cô đang mang thai.
Những bức ảnh cũ mà Reischl giữ gìn như báu vật
Những bức ảnh này của Reischl và Hạnh (tên thật của Linh Hoa) được chụp vào mùa thu năm 1969. Reischl đã phải trở về quê nhà vào mùa hè năm sau đó, và dù ông đã nói với Hạnh về chuyến đi của mình nhưng dường như cô không hiểu và nghĩ rằng ông đã biến mất. Ông đã giữ những bức ảnh này trong suốt 45 năm.
"Cô ấy muốn tôi ở lại với cô ấy và sống ở Việt Nam. Lúc đó tôi nói, "Không, anh sẽ không sống ở đây đâu. Nó hoàn toàn xa lạ với anh." Reischl nói. "Khi ấy, tôi vẫn còn quá trẻ và ngu ngốc."
Reischl cho những người hàng xóm xem bức ảnh của Hạnh mà ông đã chụp từ chiếc taxi vào ngày cuối cùng ông gặp cô. Cô đang đứng trên ban công nhìn ông đi. Không ai nhận ra cô ấy, nhưng Reischl vẫn quả quyết: "Tôi sẽ không bao giờ ngừng tìm kiếm."
Vào tháng 9, một phụ nữ 64 tuổi đang ngồi cạnh người chồng nằm liệt giường ở làng Mỹ Lương (Việt Nam) đã mở chiếc iPad của mình lên và đọc báo. Cô nhàn rỗi mở một bài báo về những đứa trẻ bị bỏ rơi trong chiến tranh. Lướt xuống, cô bị sốc khi nhìn thấy một bức ảnh về bản thân khi còn trẻ, trong vòng tay của một người lính - chính là Reischl.
Cô bị sốc khi nhìn thấy một bức ảnh về bản thân khi còn trẻ, trong vòng tay của một người lính - chính là Reischl.
"Thời điểm tôi nhìn thấy tấm ảnh, tôi đã biết," bà Nguyễn Thị Hạnh nhớ lại. "Đột nhiên những kỷ niệm về mối tình đầu của tôi lại ùa về."
Cùng với đó là những ký ức về con gái của họ. Bởi sau cùng thì họ cũng đã có một đứa trẻ với nhau.
Cuộc đoàn tụ giữa Hạnh và Reischl sau 45 năm đã rất xúc động, nhưng cặp đôi nhanh chóng ổn định lại tâm lý và trò chuyện vui vẻ. Sau khi Reischl chuyển đi, Hạnh rời Sài Gòn để lánh nạn ở nông thôn cùng một trái tim tan nát. Vào ngày 18 tháng 12 năm 1970, cô đã sinh ra một bé gái với đôi mắt to và làn da nhợt nhạt và cô đặt tên cho cô bé là Nguyễn Thanh Nguyên Thủy. Tên của cô bé có ý nghĩa là "giọt nước mắt đầu tiên", Hạnh nói, "bởi vì tôi đã phải chịu đựng một mình và không có nơi chốn nào dành cho tôi vào thời điểm đó."
Hạnh, khi ấy chỉ mới 19 tuổi, đã nhờ một người bạn đem đứa trẻ đến một trại trẻ mồ côi, đinh ninh rằng cô vẫn có thể đến thăm đứa trẻ. Nhưng người bạn kia đã biến mất. Khi Hạnh đến trại trẻ mồ côi, các ni cô nói với cô rằng họ không có hồ sơ về con gái cô.
Hạnh gia nhập quân đội miền Nam Việt Nam và sau khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975, cô đã trải qua hai năm trong một lớp đào tạo cộng sản. Ở đó, cô đã gặp chồng mình, bây giờ đã 74 tuổi và phải nằm liệt giường do đột quỵ. Cặp đôi có hai đứa con đều đã trưởng thành.
Hạnh chia sẻ, trong suốt bao năm qua, cô chưa bao giờ ngừng tìm kiếm đứa con của mình - và không bao giờ tha thứ cho Reischl vì đã bỏ rơi cô.
“Tôi vẫn còn rất giận ông ấy.”, cô nói.
"Tôi vẫn còn rất giận ông ấy"
Sau khi cô nhìn thấy mẩu tin, Hạnh đã gửi email cho phóng viên. Người đó đã giúp cô liên lạc với Reischl. Họ đã nhắn tin, gọi điện và trò chuyện qua Skype. Cuộc hội ngộ "bất khả thi" của họ đã diễn ra vào một ngày cuối tuần tại quê nhà của Hạnh.
"Rất vui được gặp em... một lần nữa.”, Reischl nói khi ông mở cửa và thấy Hạnh bé nhỏ của mình, mái tóc của cô vẫn được rẽ về một phía như trong ký ức của ông. Ông dang cánh tay ra. Rồi Hạnh bật khóc.
Cô trở nên xúc động một lần nữa khi cả hai ngồi xuống để phỏng vấn. Người cựu chiến binh không quân tóc trắng đặt tay lên ghế như thể an ủi cô.
Cuộc hội ngộ bắt đầu bằng nước mắt và kết thúc bằng nụ cười
Sau khi kết thúc hành trình tìm thấy nhau, cả hai lại bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm đứa con chung của mình. Reischl tin tưởng, với bộ ADN trong tay, ngày đoàn tụ của cả 3 sẽ không còn quá xa vời.
Đăng nhận xét