Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ 16, nhiệm kỳ 2018 – 2023, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp nhiều năm qua đã được thành phố thường xuyên quan tâm, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2014, TP đã có kế hoạch xây dựng nhà ở giá thấp cho sinh viên, công nhân lao động.
Ảnh minh họa
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xây dựng 6,2 triệu mét vuông nhà ở cho người có thu nhập thấp, đến nay đã xây dựng 3,5 triệu mét vuông, còn 2,5 triệu mét vuông đang được triển khai.
Trong 3,5 triệu m² nhà ở cho người thu nhập thấp có giá bán dưới 15 triệu đồng/m², thành phố đều không thu phí sử dụng đất. Thành phố cũng đang kêu gọi xúc tiến đầu tư, xây dựng nhà ở Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh, bổ sung xây nhà ở tại KCN Bắc Thăng Long, xây dựng khu nhà ở công nhân thuộc địa phận huyện Quốc Oai và Khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc.
Theo Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, vấn đề Hà Nội phải giải quyết liên quan đến diện tích các căn hộ. Theo quy định của Bộ Xây dựng, đối với các căn hộ trên địa bàn Hà Nội, diện tích thấp nhất là 45m². Vì vậy, nếu muốn có căn hộ cho công nhân giá từ 200-400 triệu đồng thì phải thu hẹp diện tích.
Hà Nội dự kiến sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng xây nhà ở cho công nhân với diện tích từ 35-40m². Hiện TP đã làm việc với doanh nghiệp để có thể hạ giá thành xuống dưới 15 triệu đồng/m² cho các căn hộ diện tích nêu trên.
"So sánh với điều kiện nhà ở của cán bộ, công chức trước đây ở các chung cư cũ, nếu thiết kế gọn gàng vẫn đảm bảo sinh hoạt. Hà Nội cũng sẽ có chương trình cho công nhân vay lãi suất thấp, thời gian dài... ", người đứng đầu TP cho biết.
Để đảm bảo các hạ tầng phục vụ công nhân lao động, Chủ tịch UBND TP đã giao cho Sở Thông tin - Truyền thông và các tập đoàn viễn thông sớm lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các KCN và cụm công nghiệp; giao cho Công an thành phố, Cảnh sát giao thông và Công an Đông Anh khảo sát và lắp đặt các trụ tín hiệu, biển báo giao thông; giao Sở GTVT rà soát các điểm gây ra ùn tắc để hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Đặc biệt, TP sẽ nghiên cứu mở thêm các tuyến xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người lao động trong các KCN.
Về vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người lao động, đồng chí Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện là một trong 5 địa phương có nợ đọng BHXH cao nhất và TP sẽ phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam đôn đốc các đơn vị truy thu, nếu các doanh nghiệp không hoàn thành nghĩa vụ thì không bố trí các công việc mới.
Đăng nhận xét