Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Ths. BS Vũ Văn Khanh – Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương. |
Hiện nay, nhiều sản phụ chọn sinh mổ như phương pháp "cứu cánh" để tránh đau đẻ, hơn nữa có thể chọn ngày lành tháng tốt cho con chào đời. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dạ, sinh mổ chỉ được các bác sĩ sản khoa chỉ định khi mẹ hoặc bé có vấn đề liên quan đến sức khỏe mà sự lựa chọn sinh mổ là giải pháp tốt nhất dành cho cả mẹ và bé. Việc để cho sản phụ sinh thường vẫn là phương pháp được các bác sĩ ưu tiên hàng đầu.
Sinh mổ chỉ được các bác sĩ sản khoa chỉ định khi mẹ hoặc bé có vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về sinh mổ, những nguy cơ của sinh mổ và cách chăm sóc sau sinh mổ, dưới đây Ths. BS Vũ Văn Khanh – Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương sẽ có những chia sẻ chi tiết:
1. Tỉ lệ và những nguy cơ của sinh mổ
Ths. BS Vũ Văn Khanh (Phó trưởng khoa đẻ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương) |
Hiện nay, tỉ lệ sinh mổ tại Bệnh viện Phụ sản Trung Ương chiếm khoảng 40%. Nguyên nhân chủ yếu do viện là tuyến đầu ngành nhận nhiều ca thai nghén nguy cơ cao ở các tỉnh chuyển lên. Ngoài ra, viện cũng tập trung nhiều trường hợp hỗ trợ sinh sản và số lượng lớn sản phụ ở thành thị “sợ” sinh thường làm tăng chỉ định mổ đẻ hơn.
Mặc dù sinh mổ chiếm tỉ lệ khá cao, tuy nhiên, nó cũng có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé.
Nguy cơ cho mẹ: có thể gặp các rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng, dị ứng thuốc trong và sau sinh mổ. Đặc biệt khi sản phụ chưa có chuyển dạ đẻ, cổ tử cung chưa mở có thể bị bế sản dịch sau sinh, gây viêm nhiễm, nhiễm trùng tử cung dẫn đến khó khăn cho những lần sinh đẻ tiếp theo. Hơn nữa khi đã mổ đẻ thì lần mang thai tiếp theo có thể gặp những rủi ro nguy nhiểm như: chửa vết mổ hoặc rau cài răng lược, vỡ tử cung...
Nguy cơ cho bé: Khi em bé chào đời chưa có cơn co tử cung em bé dễ chậm tiêu dịch phổi bởi chỉ có cơn co tử cung khi chuyển dạ đẻ tác động vào em bé mới làm cho hệ hô hấp của bé tốt hơn. Một số nơi không cho tiếp xúc da kề da sớm khi mổ lấy thai cũng là yếu tố khiến bé không được hưởng những lợi ích từ việc chăm sóc thiết yếu sớm.
Ngoài ra, sau sinh mổ, mẹ thường đau vì thế khó khăn trong việc cho bé bú sớm. Việc em bé bú mẹ muộn sẽ ít được tiếp xúc với miễn dịch của mẹ. Đặc biệt, việc dùng kháng sinh sau sinh mổ sẽ khiến sữa chậm về hơn.
Không những vậy, một số nơi không cho tiếp xúc da kề da sớm khi mổ lấy thai cũng là yếu tố khiến bé suy hô hấp.
Chính bởi vậy, các sản phụ nên cố gắng theo dõi để đẻ thường và chỉ sinh mổ khi có chỉ định chuyên môn của các bác sĩ.
Sinh mổ có nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé.
2. Cách chăm sóc vết mổ đẻ
Sau sinh mổ, các bà mẹ có thể tự sát khuẩn vết mổ hàng ngày bằng dung dịch betadine hoặc cồn 70 độ, không cần phải băng vết mổ khi đã ở viện về.
Trong quá trình chăm sóc vết mổ, các bà mẹ nên theo dõi vết mổ thường xuyên. Nếu vết mổ có dấu hiệu chảy nước, tấy đỏ hoặc ra sản dịch hôi cần đi khám bác sĩ.
Đặc biệt, nếu sau sinh mổ xuất hiện dấu hiệu sốt cần phải đến khám bác sĩ ngay. Việc sốt sau sinh mổ có 2 khả năng, có thể sữa mẹ về nhiều, mẹ cần đảm bảo cho con bú sớm và hoàn toàn, tuy nhiên nếu sữa về không nhiều, dấu hiệu đó có thể do nguy cơ viêm nhiễm vết mổ, bế sản dịch cần đi khám bác sĩ. .
Sau sinh mổ, các bà mẹ có thể tự sát khuẩn vết mổ hàng ngày bằng dung dịch betadine hoặc cồn 70 độ, không cần phải băng vết mổ khi đã ở viện về. (Ảnh minh họa)
3. Dinh dưỡng cho mẹ sau sinh mổ
Những ngày đầu sinh mổ khuyến cáo bệnh nhân ăn cháo vì sau khi mổ, bệnh nhân chưa vận động nhiều, nhu động ruột chưa tốt. Lưu ý, với các mẹ mới mổ chưa trung tiện được nên ăn cháo loãng vì cháo loãng không có nhiều chất, khả năng sinh hơi ít, giúp đỡ chướng bụng giai đoạn chưa trung tiện.
Sau khi trung tiện được, các mẹ có thể ăn cơm hoặc cháo đặc tuy nhiên cơm sẽ làm cho hệ tiêu hóa hoạt động nhiều hơn, gây cảm giác đau hơn.
Các bà mẹ cần lưu ý, không nên ăn những thức ăn gây mùi vị bất thường cho sữa làm em bé bỏ bú hay thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và có thể gây rối loạn tiêu hóa cho bé.
Các bà mẹ cũng cần phải uống nhiều nước, ăn đồ mát, nhiều rau làm sữa mát, tránh táo bón cho trẻ sơ sinh.
Các bà mẹ sau sinh mổ nên ăn cháo loãng.
4. Làm thế nào nhanh có sữa về sau sinh mổ?
Để giúp sữa nhanh về sau sinh mổ, các mẹ nên cho trẻ bú càng sớm càng tốt bởi khi trẻ bú sẽ kích thích, làm cho khả năng tiết sữa nhiều hơn. Đặc biệt, sau sinh mổ, các bà mẹ không nên quá kiêng khem như các cụ nói. Mọi người chỉ không nên ăn những đồ gây mùi cho sữa tanh hay những đồ cay nóng, sinh hơi, nhiều chất không tiêu thụ được, gây rối loạn tiêu hóa và những hoa quả không đảm bảo gây bất lợi cho mẹ.
Đăng nhận xét