Theo chị Huyền, việc rèn nề nếp ăn uống cho bé ngay từ ngày đầu ăn dặm sẽ giúp bé không những ăn ngon, không biếng ăn mà mẹ còn rất nhàn nhã về sau.
Ăn dặm là bước khởi đầu của trẻ trong hành trình trưởng thành. Để rèn luyện thể chất, tinh thần và cả tính cách của một đứa trẻ sau này, nhiều bà mẹ cho rằng khoảng thời gian ăn dặm của trẻ đóng một vài trò quan trọng thiết yếu.
Video: Bé Bông Mizi tập bò
Vì thế, ngay từ những ngày đầu nuôi con ăn dặm, chị Vũ Thanh Huyền (sinh năm 1993, Yên Bái) đã thiết lập sẵn những nguyên tắc tối cần thiết để việc nuôi con gái Bông Mizi ăn dặm không chỉ thành công, con ăn ngon mẹ nhàn nhã mà giúp bé hình thành được những nề nếp tốt.
Bé Bông Mizi, 8 tháng tuổi
"Mình cho con ăn dặm từ khi được 6 tháng tuổi và theo phương pháp 3in1. Tức là bao gồm cả ăn dặm truyền thống thống, ăn dặm kiểu Nhật và phương pháp BLW.
Theo mình, việc áp dụng những nguyên tắc cho con ăn dặm ngay từ đầu rất quan trọng vì khi đã vào nếp rồi bé sẽ rất hư. Lúc đó mẹ nói lại thì nguyên tắc chỉ là lý thuyết và không thể giúp con hình thành thói quen tốt được.
Cũng chính vì mình áp dụng những nguyên tắc ngay từ ngày đầu cho con ăn dặm mà hiện tại Bông hơn 8 tháng vào ăn rất tốt, không bị biếng ăn và ăn được đa dạng thực phẩm, mình không phải vất vả nhiều", chị Huyền cho biết.
Món ăn của Bông được chị Huyền chuẩn bị khá cầu kì
Dưới đây là 9 nguyên tắc nuôi con ăn dặm của chị Huyền, mời các mẹ tham khảo:
1. Cho trẻ ngồi ghế ăn
Điều này là bắt buộc, ghế ăn là đồ vật quan trọng nhất mẹ nên đặt ra hàng đầu khi sắm đồ chuẩn bị ăn dặm. Ghế ăn có lẽ cũng là thứ đắt tiền nhất trong đồ đạc nấu ăn của bé nhưng lại là thứ đáng tiền nhất. Cái bát cái thìa mẹ có thể thay mới khi mẹ thích thú vô tình lượm được cái mới cho bé tại siêu thị nhưng ghế ăn thì chỉ một, một cái duy nhất bắt đầu từ khi ăn dặm cho đến suốt quá trình ăn dặn của bé.
Vì thế mẹ hãy đầu tư cái nào thật là tiện dụng.
Video: Bông Mizi ngoan ngoãn ngồi trên ghế ăn dặm
Về ghế ăn của Bông Mizi, mẹ mua ghế bằng nhựa nên dễ vệ sinh và có 3 tư thế từ thấp đến cao và dễ dàng gấp gọn khi đi ra ngoài.
2. Không vừa ăn vừa chơi
Vì sao nguyên tắc này mẹ Bông duyệt vào quan trọng thứ 2 đó là buộc bé phải ăn uống 1 cách nghiêm chỉnh, ăn ra ăn, chơi ra chơi, không vừa ăn vừa xem tivi nghe nhạc, không làm trò cười cho bé, để bé chỉ tập trung ăn và ăn.
3. Ăn đúng giờ
Thiết lập giờ ăn đúng giờ cho bé giúp bé có đồng hồ sinh học hợp lý. Không ăn giờ giấc lung tung khiến bé không biết lúc nào ăn lúc nào chơi, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bé.
4. Không cho bé ăn vặt trước giờ ăn 1 -2h
Cho bé ăn vặt không hẳn là xấu nhưng lại rất ảnh hưởng đến mức độ ăn nhiều hay ít của bé tại bữa chính. Nếu mẹ cho bé ăn vặt trước giờ ăn bé sẽ lưng lửng dạ và kén ăn hơn, không còn hứng thú khi được ngồi vào bàn ăn và thấy mẹ cầm thìa.
5. Không nên cho bé ăn các bữa quá dầy
Mẹ Bông cho ăn cách 3 tiếng 1 lần, không cho bé ăn liên tục sát nhau tránh để bé chán ăn, không có hào hứng khi ăn.
6. Không ép trẻ ăn, không khen ngợi hoặc trách mắng trẻ thái quá khi trẻ không hợp tác
Khi bắt đầu ăn dặm là lúc mẹ cần quan sát bé xem bé có hợp tác không, hợp tác ở mức độ nào. Nếu trẻ chưa đói thì nhớ giờ ăn và hôm sau dịch lại 30 phút nữa, không ép trẻ ăn khi trẻ đã cáu bẳn hoặc khóc, nếu khóc dừng luôn, không trách mắng hay quát tháo trẻ làm trẻ sợ. Đến bữa ăn cũng không khen ngợi hay nịnh trẻ thái quá khi trẻ ăn được.
7. Không cho ăn rong
Ăn rong đối với mẹ Bông là một nỗi kinh hoàng, nhìn cảnh nhiều mẹ cầm bát chạy theo con rong ruổi cả tiếng đồng hồ miệng liên tục la hét mệt mỏi vô cùng, các mẹ có muốn vậy không?
8. Không kéo dài bữa ăn quá 30 phút
Thực tế bữa ăn của Bông hôm nào cũng không quá 5 phút vì Bông luôn ăn ngon miệng và chén sạch sẽ bát cháo và nước hoặc hoa quả tráng miệng.
Còn vì sao không kéo dài bữa ăn quá 30 phút? Vì lúc đó bát cháo để lâu cũng không ngon làm trẻ mất vị giác, và mẹ cũng bắt đầu thấm mệt khi phải canh trẻ vừa ăn vừa nghịch sẽ làm mẹ mất bình tĩnh mà la mắng trẻ, làm trẻ hốt và chán ăn.
9. Cho trẻ ăn cùng với gia đình ít nhất 1 lần 1 ngày
Mẹ Bông để Bông ăn đút thìa buổi sáng còn bữa tối bé ngồi ăn với cả gia đình, tự giác nhâm nhi chuối, xoài hoặc rau luộc để bé có thêm kĩ năng tự lập khi ăn cũng như cầm nắm thành thạo. Ăn thô tốt, bước đệm cho bé tự lập ăn hoàn toàn sớm nhất.
10. Điều cuối cùng, không thoả hiệp với trẻ dù chỉ 1 lần
Thoả hiệp ở đây là gì? Nhờ bà cho con ăn thì bà không cho ngồi ghế hoặc đi ăn rong cũng tặc lưỡi thôi thì 1 hôm. Mẹ Bông mà bận là mẹ cho nhịn tạm 1 bữa luôn chứ nhất quyết không để điều đó xảy ra dù chỉ 1 lần.
Không thoả hiệp khi trẻ ngồi ghế ăn và khóc lại mở tivi hay mang đồ chơi ra dụ trẻ ăn. Nếu làm vậy lần sau bé quen và phải có tivi, đồ chơi mới ăn và phá hỏng nguyên tắc ngồi ghế là chỉ ăn không chơi.
"Mẹ bông tin rằng nếu mẹ cố gắng và kiên quyết không phá hỏng nguyên tắc thì chỉ khoảng 2 tháng là bé có nếp ăn rất ngoan và gọn gàng. Con ăn ngoan mẹ nhàn tênh là tiêu chí đặt ra của mẹ Bông từ những ngày đầu cho con ăn. Chúc các mẹ cũng thành công!".
Theo chị Thu Tuyết, việc thay đổi thực đơn phong phú mỗi ngày sẽ giúp cho con trai Nick của chị không bị biếng ăn mà còn có thể hấp thu được nhiều...
Theo Chi Chi - Ảnh NVCC (Khám Phá)
Đăng nhận xét