Con số thống kê cho thấy các bậc phu huynh quá bảo thủ trước vấn đề lạm dụng tình dục ở trẻ em và né tránh các cuộc nói chuyện chia sẻ với con mình về vấn đề này.
Tâm lý đó khiến phần lớn các em từng bị lạm dụng, quấy rối tình dục không dám lên tiếng vì sợ phản ứng tiêu cực từ phía cha mẹ. Các em không biết nên giải thích thế nào về chuyện đáng sợ đã xảy ra và tin vào lời hăm dọa “hãy giữ kín” của những kẻ lạm dụng.
Bạn không thể luôn bảo vệ trẻ 24/24h nhưng bạn có thể làm rất nhiều để giảm nguy cơ bị xâm hại cho trẻ. Đơn giản là hãy thẳng thắn chia sẻ kiến thức, hiểu biết của mình cho các em từ trước.
Tại sao nói chuyện về giới tính cũng chỉ như nói chuyện về việc băng qua đường?
Phụ huynh luôn dạy trẻ các kĩ năng cần thiết để băng qua đường, nhất là khi qua những ngã tư lớn nguy hiểm. Mọi cha mẹ điều hiểu rằng kĩ năng này rất quan trọng với tính mạng của trẻ và chúng cần biết để tự xử lý khi ta không ở bên.
Chuyện về giới tính cũng tương tự như vậy. Nếu bạn cố gắng giấu kín chúng chuyện giới tính, phủ nhận các thông tin thực tế về quấy rối tình dục, hành động đó giống như cố bịt mắt trẻ bằng dải băng màu hồng và để chúng tự mày mò băng qua con đường đầy rủi ro. Con của bạn có thể bị “tai nạn” bất cứ lúc nào. Nguy hiểm hơn là chúng có thể sẽ không nói với bạn về chuyện đã rồi.
Do đó, hãy dạy trẻ biết cách để “băng qua đường”. Quan trọng hơn cả là dạy chúng thái độ sống đúng đắn và tình yêu thương, sự tôn trọng với người khác. Ngoài việc hiểu biết đúng đắn về cơ thể mình, có thái độ sống tích cực là chìa khóa giúp trẻ an toàn.
Cách tiếp cận vấn đề nhạy cảm với trẻ ?
1. Tạo khung cảnh dễ chịu và yêu thương
Hãy bắt đầu nói chuyện ở một địa điểm thoải mái với cả bạn và trẻ, một nơi vui vẻ, giàu tình cảm. Nó sẽ tạo cảm giác cân bằng và thấu hiểu từ cả 2 phía. Trẻ sẽ lắng nghe bạn tốt hơn. Tránh mọi nơi tù túng, khó chịu, gây tâm lý căng thẳng.
Môi trường rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc của bạn. Nếu bạn lộ ra rằng mình đang lo lắng hoặc căng thẳng, trẻ sẽ phản ứng sợ hãi, thiếu cởi mở và hợp tác.
Đừng cho rằng trẻ không hiểu chuyện. Dù bạn cố giấu cảm xúc thật của mình, trẻ có thể cảm nhận ra từ những cử chỉ rất nhỏ của bạn, chúng sẽ biết có gì đó thiếu chân thật và đáng sợ ở đây.
2. Hãy bắt đầu nói chuyện với trẻ khi trẻ lên 4 tuổi
Có thể bạn nghĩ rằng như thế là quá sớm, nhưng thống kê cho thấy đối tượng bị quấy rối nhiều nhất trong nhóm trẻ dưới 12 tuổi là… trẻ 4 tuổi!
Dù chưa thể diễn đạt tốt ý nghĩ của mình, ở tuổi này trẻ đã biết cảm nhận về thế giới. Các em hiểu nhiều hơn những gì người lớn nghĩ. Ví dụ khi tắm cho trẻ, hãy chủ động nói với trẻ về “vùng riêng tư” nơi mà ba mẹ em có thể nhìn và chạm khi giúp em tắm, nhưng bất kì ai khác cũng không được phép.
3. Dạy trẻ về tên các bộ phận riêng tư
Khi bạn bắt đầu dạy trẻ về các bộ phận trên cơ thể như mắt, tai, miệng, tay, chân,… tại sao bạn né tránh dạy trẻ về các bộ phận “riêng tư”? Hãy nói tên các bộ phận này cho trẻ, tên đúng của chúng chứ không phải các tên ngộ nghĩnh bạn bịa ra. Đó là tên chính xác mà trẻ cần biết nếu như có ai đó xâm phạm khu vực ấy. Khi ấy trẻ tự ý thức được chuyện đang xảy ra.
Đã từng có một câu chuyện đau lòng về 1 bé gái cố nói với cha mẹ rằng em bị đau bụng. Khi cha mẹ đưa bé đến khám, bác sĩ mới vỡ lẽ rằng bé muốn nói đến bộ phận sinh dục bị đau. Ông khám và phát hiện ra dấu hiệu bị hãm hiếp ở bé gái, và cô bé ngây thơ tin rằng đó là “bụng” vì cha mẹ em dạy như thế.
Đừng cho rằng bé trai thì không cần phải giáo dục giới tính. Những kẻ quấy rối có thể xâm hại cả bé trai lẫn bé gái.
4. Nói về trường hợp duy nhất trẻ có thể cho phép đụng chạm vào vùng riêng tư của cơ thể
Độ tuổi nào với trẻ thì thích hợp cho những hiểu biết về cơ thể và nguyên tắc cho phép đụng chạm (ngay cả đối với cha mẹ và những người bảo mẫu)?
Câu trả lời thích đáng là càng sớm càng tốt. Bên cạnh “nguyên tắc đụng chạm”, trẻ cần biết mình cần che vùng riêng tư khi đi bơi nơi công cộng, giữ gìn vùng này vệ sinh, sạch sẽ và khỏe mạnh.
Nhưng bạn cũng cần làm rõ những tình huống cụ thể, nếu ai đó có ý định xấu, trẻ sẽ biết nói: “Dừng lại! Tôi thấy khó chịu đấy!” và nói lại với cha mẹ mình ngay lập tức.
Một số cách để giúp trẻ hiểu những gì bạn muốn nói là đề cập khi đưa trẻ đi tắm, hoặc khi đi khám bác sĩ. Bạn có thể đưa ra các tình huống giả định, hỏi đáp và gợi ý trẻ về cách giữ gìn các bộ phận trên cơ thể khỏe mạnh, sạch sẽ.
5. Dạy trẻ rằng vùng riêng tư là nơi rất đặc biệt
Khi nói về chuyện này, điều quan trọng nhất là bạn không nên tạo ra cảm xúc kỳ thị, khó chịu, xấu hổ về các bộ phận này. Chỉ cần nhấn mạnh rằng đó là vùng đặc biệt và rất riêng của trẻ, không phải bất cứ ai khác.
Chỉ khi cần thiết như khám bệnh và vệ sinh mới cho phép người có trách nhiệm chạm vào. Đây cũng là cách nói giúp từng bước phát triển suy nghĩ khỏe mạnh về giới tính cho trẻ, thích hợp cho việc nói chuyện về tình dục giai đoạn trẻ lớn hơn.
6. Dạy trẻ trân trọng cơ thể mình và làm chủ chúng
Người lớn thường tỏ ra uy quyền và kiểm soát mọi thứ trong cuộc sống của trẻ. Điều này chỉ làm trẻ càng tỏ ra sợ hãi khi nói về cảm xúc & lo lắng của mình.
Chính vì vậy hãy trao cho trẻ quyền tự làm chủ bản thân. Dạy trẻ hiểu về cơ thể trẻ và quyền tự chủ, lòng tự trọng, để trẻ hiểu và có trách nhiệm trước bất cứ hành vi xâm phạm nào của người khác.
Hãy để trẻ có quyền nói “Không” với bất cứ hành vi cưỡng bức nào của người lớn mà trẻ không cảm thấy thoải mái.
Ví dụ bạn đang ở một sự kiện cộng đồng, đừng bắt trẻ phải ôm hôn những người lạ ở đó vì tính xã giao. Bạn chỉ nên nói cho trẻ biết rằng con có thể ôm, hôn hoặc bắt tay với mọi người để thể hiện tình cảm và lòng kính trọng. Sau đó chỉ nên quan sát những việc tiếp theo trẻ sẽ làm.
Khi một người lạ cố gắng ôm hôn trẻ mà chúng không thích, bạn nên để trẻ được phép nói “Không” và diễn đạt rõ hơn ý của trẻ với người kia nếu cần thiết.
7. Giải thích với trẻ rằng không ai có quyền cưỡng ép và xâm hại người khác, đặc biệt là với vùng nhạy cảm
85% trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục bởi những người quen biết. Đó có thể là người họ hàng, bạn thân của gia đình, hàng xóm, giáo viên,… Đối tượng có thể là người đàn ông, một phụ nữ hay thậm chí 1 đứa trẻ hư khác. Thật không may là kẻ lạm dụng con bạn đều có thể là bất cứ ai.
Vì thế dạy trẻ hiểu nguyên tắc không một ai có quyền cưỡng ép, xâm hại em, nhất là vùng riêng tư là điều hết sức quan trọng. Thậm chí để trẻ hiểu và áp dụng nguyên tắc ấy với cha mẹ mình. Bạn nên ủng hộ điều đó.
Cũng giống như việc dạy trẻ sang đường: bạn chuẩn bị điều này cho trẻ không có nghĩa nó sẽ xảy ra trên thực tế. Nhưng nếu có, trẻ sẽ biết cách phản xạ để bảo vệ mình và sau đó kể lại cho bạn mà không hề e dè, sợ hãi.
8. Dạy trẻ biết tin vào trực giác & cảm nhận của chính mình
Cha mẹ nến dạy trẻ tin vào cảm nhận của chính mình. Bằng cách tin vào trực giác, trẻ sẽ tự tin và mạnh mẽ hơn là dựa dẫm vào chỉ dẫn và sự đồng ý của cha mẹ. Điều này cực kỳ quan trọng khi bạn không ở bên trẻ.
Ví dụ khi bạn và trẻ ở một sự kiện, nếu trẻ cảm thấy sợ tiếp xúc với ai đó trong phòng, mặc dù người đó vô hại, bạn nên cho phép trẻ bộc lộ cảm xúc thật và rời khỏi căn phòng ấy sau khi nói rõ cảm xúc với bạn. Nhiều phụ huynh sẽ cho rằng đang tiếp khách mà như thế thật thô lỗ. Họ coi trọng việc giữ thể diện khi con mình cư xử lễ phép hơn là để con thẳng thắn bộc lộ cảm xúc & cư xử theo cách riêng. Thậm chí có người sẽ trừng phạt trẻ nếu chúng bỏ ra khỏi phòng. Điều đó chỉ làm trẻ thêm phụ thuộc vào bạn, và trở nên ngoan như “cừu” khi rơi vào tay kẻ xấu.
9. Hãy giải thích với trẻ bí mật vẫn sẽ là bí mật nếu chúng chia sẻ cho người đáng tin cậy
Rất nhiều kẻ lạm dụng nói với trẻ rằng đây là bí mật không được nói với ai, nhất là cha mẹ cháu. Do đó, cần phải dạy trẻ những nguyên tắc riêng về bí mật. Hãy để trẻ hiểu rằng bí mật vẫn là bí mật nếu chia sẻ với người đáng tin cậy (cha mẹ nên trở thành người đáng tin cậy của trẻ).
Trẻ cần biết thêm rằng bất kì ai muốn trẻ giữ bí mật với cha mẹ, kẻ đó không đáng tin. Hãy cẩn thận và tránh xa kẻ đó.
10. Nói với trẻ rằng, bạn sẽ tin và đứng về phía trẻ nếu có ai đó làm tổn thương em
Những kẻ lạm dụng thường nói với trẻ rằng sẽ chẳng ai tin lời em nói và họ sẽ ghét bỏ em nếu kể ra chuyện này.
Trẻ sẽ cảm thấy tự xấu hổ và giấu diếm mọi chuyện vì sợ cha mẹ lên án thay vì hiểu và đứng về phía mình. Thậm chí trẻ có thể bị trừng phạt.
Hãy để trẻ hiểu rằng bạn không trừng phạt chúng nếu chuyện xấu xảy ra, rằng nói ra mọi chuyện với cha mẹ là điều rất đúng và bạn sẽ tự hào về trẻ
Điều quan trọng nhất là gì?
Hãy luôn nhớ rằng: Nói chuyện với trẻ về giới tính sớm, cởi mở, dễ chịu và thành thật!
Hãy nhớ giáo dục giới tính cho trẻ là việc thường xuyên, liên tục. Bạn không chỉ nói với trẻ duy nhất 1 lần về chuyện băng qua đường thế nào, phải không? Hãy sử dụng cả trắc nghiệm, sách báo, phim ảnh đủ để minh họa và khắc sâu lời mình.
Hãy để ý và quan tâm đến các dấu hiệu ở trẻ. Đó là cách tốt nhất để kịp thời trang bị thêm kiến thức cho trẻ & nhận biết điều gì đang xảy ra ở trẻ.
Đăng nhận xét