Đến tận bây giờ chị Trần Thúy (28 tuổi, sống tại Hà Nội) vẫn chưa thể quên kỉ niệm ngày đi sinh bé Bắp "cười ra nước mắt, khóc cũng ra nước mắt" của mình.
Muốn tránh sinh ngày mùng 1 âm mà không được
Sáng ngày 22/8, khi đang mang bầu được 39 tuần 4 ngày, chị Thúy được chồng đưa đi khám thai định kỳ. Sau khi siêu âm và thử nước tiểu, bác sĩ cho biết chị có thể sinh thường. Tuy nhiên, khi lấy nước tiểu, chị Thúy thấy trong nước tiểu có lẫn huyết hồng nên luống cuống báo bác sĩ. Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết cổ tử cung chị đã mở 1cm, đã có cơn co tử cung nhưng chưa đáng ngại, có thể nhập viện luôn hoặc về nhà chuẩn bị đồ.
"Lúc ấy gần 11 giờ trưa nên hai vợ chồng xuống ăn trưa dưới căng tin bệnh viện, cũng định bụng là về nhà thắp hương mùng 1, tắm gội rồi lấy đồ quay lại bệnh viện", chị Thúy chia sẻ. Vậy nhưng khi đang ăn thì chị Thúy có cảm giác tương tự như mình đang ra kinh nguyệt. Vào nhà vệ sinh kiểm tra thì chị hốt hoảng thấy máu đỏ ra chứ không phải huyết hồng nữa.
Khi mới nhập viện, chị Thúy vẫn thản nhiên ngồi ăn phở, nhắn tin với bạn bè.
"Mếu máo chạy ra bảo chồng, chồng an ủi rồi dắt lên khoa sản hỏi bác sĩ. Kiểm tra thì mình vẫn mở 1 phân thôi nhưng bác sĩ nói nhập viện luôn để theo dõi. Trong lòng mình lúc đó cực kỳ hoang mang vì không nghĩ mọi chuyện lại nhanh đến thế", chị Thúy kể lại.
Thế là chị Thúy nhập viện với hành trang duy nhất là bộ giấy tờ siêu âm và một chai nước. Vì nghĩ rằng chưa đẻ ngay nên chị nằm ngủ đến 3 giờ mới dậy gọi điện thông báo tình hình cho bà nội, bà ngoại và còn dặn hai bà cứ ở nhà ăn cơm, tắm rửa rồi tối hãy mang đồ lên viện.
Vậy nhưng đến khoảng 4h40, chị Thúy bỗng thấy đau bụng. Bác sĩ kiểm tra thì cổ tử cung chị vẫn chị vẫn mở 1cm nên động viên: "Yên tâm không đẻ ngay đau, về phòng nằm nghỉ ngơi, sớm thì sáng mai mới đẻ". Chị Thúy nghe xong thấy yên tâm hơn hẳn vì chị muốn tránh sinh con trai ngày mùng 1 âm, sợ bé sẽ nghịch ngợm, khó nuôi. Tuy nhiên, vừa về đến phòng, ngồi xuống giường thì chị thấy có gì đó ào ào chảy ra ở dưới, chị kiểm tra thì thấy ối đã vỡ.
"Lúc này thì thật sự mình rất luống cuống khi nghĩ đến những cơn đau đẻ. Mình đứng như trời trồng trước cửa phòng vệ sinh, mặt tái mét, cảm giác sợ đẻ lan tràn khắp cơ thể", chị Thúy kể tiếp.
Cả chị Thúy và chồng đều lần đầu đối mặt với chuyện bất ngờ như vậy nên khá bối rối và lo lắng.
Vào phòng sinh với hành trang toàn đồ đi mượn
Khi thấy chị Thúy báo vỡ ối, chồng chị lập tức đi tìm bác sĩ rồi quay về đỡ chị sang phòng đẻ. Sau khi kiểm tra, bác sĩ chỉ định mổ cấp cứu bắt thai vì trong nước ối có phân su mà cổ tử cung vẫn không mở thêm. Mọi chuyện xoay chuyển bất ngờ nên người nhà chị Thúy còn chưa đến, đồ chuẩn bị sinh không có gì cả.
"Khi chồng chạy ra nói chuyện với bác sĩ, chị y tá đỡ mình dậy rồi trách yêu: "Sao em chủ quan thế, nhập viện từ trưa mà không kêu người nhà lên, thế đồ của bé để ở phòng hả, để chị đi lấy hộ". Lúc ấy mình mới luống cuống mếu máo bảo chị ơi em cứ nghĩ chưa đẻ ngay nên dặn các mẹ tối mới mang lên.", chị Thúy nhớ lại.
Nghe chị Thúy trình bày, y tá cũng thông cảm và dẫn chị về phòng sau đó "hô hào" các mẹ đã sinh trong phòng ai có đồ sơ sinh gì thì cho mượn để bé nhà chị Thúy mặc sau khi mổ xong. May mắn có một mẹ cho chị Thúy mượn đầy đủ từ quần áo, bỉm sữa, khăn quấn, mũ đội đầu...
Bé nhà chị Thúy bị nhau cuốn cổ 3 vòng.
Đến tận khi được đưa vào phòng mổ, chị Thúy vẫn chưa thể tin mình chuẩn bị sinh con. Vốn mang tâm lý sinh thường nên khi nghe tin phải mổ chị càng sợ hơn. "Chồng mình dìu ra cửa phòng, hai vợ chồng đều cuống quít hết. Mình thì mếu máo kêu sợ, chồng thị cứ an ủi không sao đâu, phải bình tĩnh nhưng nhìn mặt chồng cũng tái không kém gì mình. Vừa an ủi mình vừa gấp gáp gọi điện cho hai bà lên.
Chị y tá đỡ vào thang máy mà mặt mình méo xệch. Biết mình sinh lần đầu nên chị nhẹ nhàng an ủi bảo không sợ, mổ nhanh lắm. Mình gật gật nhưng mắt vẫn rưng rưng", chị Thúy chia sẻ.
Khi mới sinh, bé được dùng toàn bộ đồ... đi mượn.
Lo lắng là thế nhưng ca sinh của chị Thúy lại diễn ra rất suôn sẻ. Sau khi được gây tê mang cứng, đo huyết áp, nhịp tim, các bác sĩ tiến hành mổ trong khi vẫn có người nói chuyện, hỏi han để chị bình tĩnh hơn.
"Chỉ một lúc sau mình thấy tiếng con khóc rồi, vỡ òa trong hạnh phúc luôn. Bác sĩ đùa bảo 3 vòng nhau cuốn cổ lại còn trai mùng 1 thì bướng phải biết đây", chị Thúy kể.
Sau khi đưa con cho chị Thúy chạm má và nhìn, y tá vệ sinh cho bé rồi đưa cho chồng chị Thúy. Chồng chị mang con đi cân xong xuôi mà về phòng vẫn chưa có bà nào lên. Vậy là anh lại bắt đầu công cuộc "dùng hàng đi xin".
Dù muốn nhưng chị Thúy cũng không tránh được "trai mùng 1".
"Chồng mình nhờ người cho bé ti nhưng bé nhất định không ti vậy nên phải mượn bình pha sữa cho con ti. Lát sau thì em gái mình vào bế bé, chồng lại lóc cóc chạy xuống chờ vợ ra. Sau khi khâu xong xuôi, được đẩy ra ngoài người đầu tiên nhìn thấy vẫn là chồng, vẫn kịp cười một cái rồi về phòng hồi sức. Truyền kháng sinh với giảm đau nên mình lịm dần đi, khi tỉnh dậy thì thấy mẹ đẻ và em gái đang ở bên cạnh, mẹ chồng thì bế cháu còn chồng thì chạy loạn quanh hai nơi", chị Thúy chia sẻ.
Vậy là chị Thúy đã hoàn thành xuất sắc hành trình đi sinh của mình, thành công mang đến thế giới một "thiên thần nhí" nặng 3kg. Từ kinh nghiệm của bản thân, chị cũng muốn nhắn nhủ đến các mẹ bầu: "Khi mang bầu, mọi người hãy cố gắng để tinh thần thoải mái nhất, ăn uống đầy đủ để có sức khỏe chiến đấu trong suốt 9 tháng. Lúc gần sinh rồi thì nên chú ý để ý đến sự thay đổi của cơ thể, khi có dấu hiệu bất thường nên thông báo ngay cho chồng hoặc người nhà để kịp thời đến bệnh viện, không nên chủ quan vì bé có thể ra bất cứ lúc nào.
Và dù đã vào phòng đẻ vẫn cần tinh thần thoải mái, tự tin, trong đầu nên nghĩ rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Mình cũng xin gửi lời cảm ơn đến những mẹ đã tận tình giúp đỡ hai vợ chồng còn đang bỡ ngỡ trong phòng sinh".
>> XEM TIẾP: Chuyện đi đẻ con đầu to, mẹ hét cả ba tầng bệnh viện đều nghe rõ
Chuyên mục Bà bầu – nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về thụ thai, mang bầu, những kinh nghiệm sinh nở cho phụ nữ trước, trong và sau khi có thai. Mời độc giả có những thắc mắc, chia sẻ, tâm sự liên quan đến vấn đề này gửi thư về địa chỉ babau@eva.vn để được chia sẻ, tư vấn từ chuyên gia. |
Đăng nhận xét